16/09/2022 23:21  
Theo dự thảo Luật Giá mới nhất, phương án định giá sách giáo khoa lại thay đổi. Bộ Giáo dục & Đào tạo được giao "quyết định giá cụ thể của từng loại sách giáo khoa", thay vì để nhà xuất bản tự quyết dựa trên mức trần do Nhà nước quy định.

Xác định đúng giá sách giáo khoa không phải chỉ nhờ vào giới hạn giá trần. Muốn sách giáo khoa đúng giá, trước hết phải có sách giáo khoa chuẩn; chuẩn theo mọi nghĩa: nội dung, thời lượng giảng dạy, kích cỡ và số trang, chất lượng in ấn; thù lao viết sách, chi phí phát hành... Khi tất cả thành tố làm nên sách giáo khoa được quản lý đúng giá, tự nhiên giá sách sẽ đúng.

Năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất chi 34.275 tỷ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Con số 34.275 tỷ đồng này về sau đã được giảm xuống. Đến nay, qua ba nhiệm kỳ bộ trưởng, Bộ Giáo dục đã chi những khoản tiền khổng lồ để viết lại sách giáo khoa và sẽ còn phải chi nữa cho đến khi hoàn tất bộ sách giáo khoa mới.

Trước đây, ví dụ dưới thời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, sách giáo khoa cho tất cả môn học của hệ giáo dục phổ thông được viết ra chỉ bởi một nhóm nhỏ tác giả trong một khoảng thời gian ngắn, dưới sự chủ biên của GS Hoàng Tụy, là Trưởng ban Tu thư. Thù lao viết sách được trả bằng lương, bồi dưỡng không đáng kể, chính phủ không phải trả chi phí cho các dự án.

Trong chiều hướng ngược lại, từ 2020, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Trong năm đầu tiên thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, trường học lại có thể chọn các sách khác nhau trong từng bộ, mỗi năm một khác, tạo nên tình trạng rối tinh rối mù.

Nhìn sâu vào công việc biên soạn, sẽ thấy rõ hơn chi phí sách giáo khoa bị đẩy lên như thế nào. Không hiểu từ bao giờ xuất hiện một khuynh hướng lạ lùng trong biên soạn sách giáo khoa: đó là kéo dài thời gian giảng dạy và kéo dài cách trình bày cho cùng một nội dung, so với sách thời trước.

Lấy ví dụ về sách giáo khoa Toán lớp 1. Để dạy học sinh các số từ 1 đến 100 và cộng trừ từ 1 đến 100, sách Toán 1 (bộ Cánh Diều) cần đến 172 trang giấy khổ lớn (18,5 cm x 26 cm), cùng hai cuốn vở bài tập Toán 1 (17cm x 24 cm), gồm 76 bài học, dày 162 trang.

Trẻ lớp 1 những năm 1990 không cần nhiều bài học như hiện nay và cũng chỉ dùng hết hai cuốn vở ô ly mỏng để nhận biết và cộng trừ từ 1 đến 100. Trẻ nhà nghèo thậm chí có thể học cộng trừ từ 1 đến 100 với bút bằng cành tre và giấy là bãi cát, và cũng chỉ trong khoảng mươi bài học.

Không riêng môn Toán, tiếng Việt và các môn khác đều trong tình trạng tương tự. Ví dụ, bộ lớp 10 cũ có 13 đầu sách, tổng cộng 14 cuốn; trong khi bộ mới gồm 15 đầu sách, 30 cuốn (bộ Kết nối tri thức). Tương tự, bộ lớp 3 cũ có 6 cuốn; trong khi bộ mới nhiều gấp đôi - 12 cuốn. Với việc tăng số lượng các cuốn sách, Nhà xuất bản Giáo dục thừa nhận: "Chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa cũ chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa mới".

Tại sao lại xuất hiện khuynh hướng "sách giáo khoa dày cho một nội dung mỏng"?

Các tác giả viết sách, trong khung cảnh cạnh tranh, đã chủ ý làm cho bộ sách của mình "phong phú hơn, đầy đủ hơn, màu sắc hơn, bắt mắt hơn, trực quan hơn"... để thu hút khách hàng. Vì thế mà mọi tổ hợp của phép cộng trừ các số từ 1 đến 100 được liệt kê ra, với đủ kiểu tranh vẽ minh họa. Những thứ "hơn" vô ích này không chỉ làm dày cuốn sách, làm tăng tiền in ấn, mà tai hại hơn, đi ngược với tiến bộ của giáo dục.

Einstein từng nói "tưởng tượng quan trọng hơn tri thức". Cung cấp tri thức vụn vặt là phí phạm thời gian và bộ nhớ. Liệt kê tiểu tiết là phương hại đến tư duy tổng quát, là quay lưng với tưởng tượng.

Vậy lối thoát là gì?

Giá sách giáo khoa, đúng ra, không phải là đối tượng nằm trên bàn họp của Quốc hội. Cho nên, Quốc hội không nên quyết về giá trần sách giáo khoa.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường toàn phần, giá sách do thị trường điều tiết. Ở Việt Nam, thực tế, các tác giả viết sách giáo khoa được chỉ định, nhà xuất bản in sách giáo khoa được chỉ định, tất cả nằm trong tình thế độc quyền. Vì thế, giá sách giáo khoa phải được nhà nước điều tiết. Thay mặt nhà nước quyết định các tác giả viết sách giáo khoa là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thay mặt nhà nước quyết định nhà xuất bản in sách giáo khoa cũng là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cho nên, Bộ phải là nơi quản lý giá. Vấn đề còn lại là Bộ quyết định chọn xác định giá sách giáo khoa, hay xác định giá trần sách giáo khoa? Cả hai vấn đề này không chỉ nằm trong phạm vi mà nằm trong khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài toán sẽ dẫn đến vấn đề ban hành phương thức xác định giá và chỉ định người xác định giá. Các vấn đề này đều phụ thuộc vào quyết định của Bộ trưởng. Riêng vấn đề phương thức xác định giá, thì, hoặc cần đến trợ giúp của tổ tư vấn, hoặc đích thân Bộ trưởng tự thiết lập. Do khuôn khổ của bài viết, ở đây sẽ không đề cập chi tiết về phương thức xác định giá. Nhưng như trên đã nhấn mạnh, thù lao viết sách và chi phí in sách là các thành tố quan trọng. Do đó, cách trả lương để viết sách, nội dung cùng độ dày của sách sẽ quyết định cơ bản giá thành sách.

Nhưng còn một lối thoát khác phù hợp hơn cho hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Đó là cho mượn sách giáo khoa miễn phí trên toàn quốc. Tính ưu việt của một xã hội thể hiện ở việc đưa lại nhiều phúc lợi nhất cho người dân, trong đó có giáo dục miễn phí. Cho nên, Việt Nam cần sớm tiến đến miễn phí giáo dục phổ thông trên toàn quốc.

Trong hoàn cảnh chưa thể miễn phí toàn phần cho học sinh phổ thông, thì hãy miễn phí từng phần, và cho học sinh mượn sách giáo khoa miễn phí. Với cách thức quản lý khoa học về viết sách và in sách, thì giá sách giáo khoa sẽ giảm. Tổng số tiền in sách giáo khoa cho học sinh mượn trên toàn quốc là khoản kinh phí nằm trong tầm tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan trọng hơn là sách khoa được dùng cho nhiều năm, cho nhiều thế hệ học sinh, cả nhà nước lẫn nhân dân sẽ tiết kiệm được một khoản tài chính khổng lồ.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn tin: vnexpress.net


Giáo dục   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...