22/10/2020 5:20  
Hàng trăm em học sinh của trường Tiểu học Nậm Hăn hàng ngày phải học trong những lớp học tạm bằng gỗ tạp, xuống cấp. Mỗi trận mưa to các em lại bỏ chạy lên nhà văn hoá xây kiên cố để lánh nạn.

Trời mưa to hàng trăm em học sinh lại bỏ chạy

Xã Nậm Hăn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), là xã đặc biệt khó khăn và có vị trí địa lý xa nhất huyện Sìn Hồ. Từ thành phố Lai Châu phải vượt qua quãng đường dài 80km toàn đồi núi, vực thẳm.

Thầy Hoàng Trung Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Hăn đưa tôi đến 3 lớp học được dựng tạm của trường Tiểu học Nậm Hăn. Thầy Hà cho biết, trường Tiểu học Nậm Hăn đã được nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, diện tích của trường chính thì nhỏ quá, không đủ diện tích để xây đủ phòng học cho các em học sinh.

Theo thầy Hà, 3 lớp học tạm này được nhà trường và chính quyền địa phương mượn một phần đất của nhà văn hoá xã Nậm Hăn, ở bản Pá Pha để dựng lên 3 lớp học bằng gỗ tạp. 10 năm trôi qua, mưa nắng, sương gió, đã làm cho toàn bộ phần gỗ dựng 3 lớp học này, mối mọt, xuống cấp nghiêm trọng có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

“Nhìn các em học sinh cùng các thầy cô giáo hàng ngày phải đến trường giảng dạy, học tập trong những lớp học tạm bợ như thế này thật sự tôi thấy rất đau lòng. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn địa phương không thể xây dựng được những phòng học kiên cố hơn cho các em học tập. Mái lớp học thì thấp, mùa hè nóng như đổ lửa. Mùa đông đến thì gió lùa tứ phía, các thầy cô phải lấy túi nilon che chắn, bịt những lỗ hổng trên vách gỗ để chắn gió”, thầy Hà chia sẻ.

Đây là điểm trường trung tâm của trường Tiểu học Nậm Hăn, hàng ngày có tới 100 em học sinh từ khối 1 đến khối 5 theo học. Năm nay khối lớp 2 ít nên không tổ chức lớp học tại đây mà gom về trường trung tâm. 100 em học sinh hiện đang chia thành 4 lớp, 3 lớp học tại 3 phòng tạm còn 1 lớp học nhờ trên nhà văn hóa trung tâm xã Nậm Hăn.

Cô giáo Vũ Thị Hằng, 12 năm gắn bó với trường Tiểu học Nậm Hăn, nhưng ở điểm trường năm nay cô được điều về đảm nhiệm công việc giảng dạy cho các em học sinh lớp 4 ở điểm trường trung tâm. Cô giáo Hằng nhận thấy những lớp học này đã xuống cấp rất nhiều, từ phần mái, trần nhựa, gỗ thì mục nát, cô trò luôn cảm thấy bất an khi giảng dạy, học tập trong những lớp học như thế này.

“Trời mưa to, nước mưa ở bên ngoài tạt hết vào cửa lớp, nước dâng cao tràn vào lớp học, làm cho việc học tập của các em vô cùng khó khăn. Có những trận mưa giông gió giật rất mạnh, thầy cô phải cho các em học sinh lên nhà văn hóa kiên cố lánh nạn, hết mưa mới dám quay lại lớp học, hoặc là cho các em nghỉ sớm. Mùa hè trời nắng, ánh nắng xuyên qua các lỗ hổng giữa các tấm gỗ chiếu thẳng vào bàn học, mùa đông thì lạnh đến tê dại chân tay vì gió lùa tứ phía”, cô Hằng chia sẻ.

Giấc mơ giản dị được ngồi trong lớp học kiên cố của hàng trăm em học sinh vùng cao

Hiện tại, ở điểm trường trung tâm trường Tiểu học xã Nậm Hăn đã có 9 lớp học, không còn đất trống để xây các lớp học mới. Việc xây dựng lớp học trên khu vực đất của nhà văn hóa xã Nậm Hăn đã được sự thống nhất của chính quyền địa phương và bà con nhân dân từ 10 năm trước.

Đến bây giờ khi Ban Giám hiệu trường Tiểu học Nậm Hăn có mong muốn được xây dựng lại 3 lớp học kiên cố trên nền cũ nằm trong phần diện tích đất của nhà văn hóa xã Nậm Hăn thì chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân trong bản Pá Pha hoàn toàn ủng hộ việc làm này nếu như có kinh phí xây dựng. Có điều kiện xây trường kiên cố cho các con em trong xã học tập là điều đáng mừng, ông Lù Văn Vúi - Trưởng bản Pá Pha cho biết.

Theo thầy Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Hăn thì hơn 100 em học sinh đang theo học tại điểm trường này đều có nhà quanh khu vực với bán kính trong vòng 1km, nếu 3 lớp học được xây dựng lại kiên cố thì rất thuận lợi cho việc đến trường của các em học sinh.

Nếu có kinh phí đầu tư xây dựng lại 3 phòng học kiên cố, tường xây gạch, có cột bê tông cốt thép, mái lợp tôn xốp thì kinh phí dự kiến mỗi phòng học rộng khoảng 35m2 là khoảng 200 triệu đồng. Do địa hình đồi núi, giao thông đi lại vô cùng khó khăn nên toàn bộ vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển từ thành phố Lai Châu vào nên giá thành đội lên khá cao.

Đưa tôi rời khỏi xã Nậm Hăn, chiếc xe máy của thầy Hà băng qua hết quả đồi này đến quả đồi kia, về chiều cảnh vật ở Nậm Hăn phải nói đẹp đến nao lòng. Từ trên đỉnh đồi tôi có thể quan sát được một phần lòng hồ thuỷ điện Sơn La, nước xanh, nắng thu vàng, đẹp thật nhưng buồn.

Thầy Hà mong muốn thầy cô và học sinh của trường Tiểu học Nậm Hăn sẽ đạt được ước mơ của mình là sẽ được học tập, giảng dạy trong những lớp học kiên cố, để không phải vừa lo học, vừa lo chạy mưa, chạy bão, chạy rét, nhờ vào những tấm lòng hảo tâm.

Xã Nậm Hăn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ với 56% hộ dân thuộc diện nghèo, lao động sản xuất thô sơ và dựa chủ yếu vào tự nhiên, mặt bằng dân trí thấp. Toàn xã Nậm Hăn có 16 bản, 5.300 nhân khẩu và 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chiếm số đông là đồng bào dân tộc Thái.

 Trọng Trinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Tiểu học   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...