23/10/2020 9:10  
Trần Thị Trà (21 tuổi), sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ với chúng tôi bằng chất giọng của người Quảng Trị đầy sự mộc mạc, thân thương: “Đây là năm mà lũ nặng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống”. Trong thời gian quê nhà bị lũ, Trà chỉ biết gọi về hỏi thăm ba mẹ, dặn dò các em. Vẫn còn là SV nên chưa làm ra tiền để phụ giúp ba mẹ, thời gian này Trà chủ động tìm việc làm thêm, chi tiêu tiết kiệm để giảm bớt gánh nặng cho người thân ở quê nhà.
Trà chia sẻ, giờ chỉ mong lũ mau rút để mọi người bớt khổ vì người miền Trung vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. “Từ xưa tới giờ có thể nói miền Trung là vùng khổ nhất trong ba miền. Nắng thì có lúc hạn đến không có lấy giọt mưa, còn lũ thì ngập hết nhà cửa. Có hai mùa, thì cả hai mùa người dân phải gánh chịu thiên tai nên nơi đây quanh năm không làm ra được cái gì để tích lũy”, Trà nghẹn ngào.
Khổ cực là thế nhưng ba mẹ Trà cũng như đa số người dân miền Trung chưa bao giờ bỏ cuộc, họ kiên trì làm lại từ đầu sau những cơn bão, tự chữa lành vết thương sau những mất mát.
Còn người bạn đồng hương của Trà - Hồ Thị Mỹ Hảo (21 tuổi), SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ hình ảnh quê hương mình chìm trong biển nước khiến Hảo không sao ngủ được. May mắn vì nhà ở vùng trung du khá cao nên gia đình Hảo không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng cô gái trẻ vẫn một lòng hướng về quê hương. “Hai ngày nay mình và nhóm bạn đã đi khắp nơi quyên góp quần áo để gửi về quê cũng chỉ với hy vọng người dân bớt khổ”, Hảo tâm sự.
Phan Thị Hoài Phương (21 tuổi), SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thương về quê nội Hà Tĩnh: “Mưa lũ không thể nào liên lạc về nhà vì mất điện, không có sóng điện thoại. Chỉ biết cầu nguyện cho mọi thứ không quá xấu và người thân được an toàn”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...