25/10/2020 8:20  
Tại lễ khai giảng ĐH Sư phạm Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, trong đó có vấn đề lương giáo viên.

Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vì vậy, nhiều vấn đề cơ bản của ngành sư phạm, trong đó có những băn khoăn về mức lương đã được thẳng thắn trao đổi, giải đáp.

Kinh tế tăng trưởng sẽ cải cách tiền lương

Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 732 phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, rà soát căn bản các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo, trong đó có chế độ đãi ngộ.

Nhấn mạnh phải tạo được động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm thực hiện các chế độ đãi ngộ, Bộ trưởng chia sẻ, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các Bộ/ngành liên quan xây dựng, đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân, cào bằng.

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.

Về vấn đề lương giáo viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ trưởng Bộ GDĐT có trách nhiệm rất nặng nhưng không có quyền quyết định mức lương. Đổi mới lương có hội đồng rất lớn do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và cân đối, tương quan giữa các ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, lộ trình đổi mới lương sẽ thực hiện từ năm 2021, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình này chậm lại. Việt Nam như mọi năm đều cố gắng tăng trưởng 6% trở lên, năm nay đặt mục tiêu phấn đấu 7%. Nhưng vì dịch Covid-19, nếu duy trì mức tăng trưởng thì năm nay cũng chỉ đạt hơn 2%, do đó, đến năm 2022 mới có lương mới.

“Lương mới hiện nay vẫn chưa được công khai nhưng tôi xin chia sẻ riêng, lương mới khởi điểm cao hơn hiện nay. Dự kiến, lương giáo viên mới ra trường lúc đó tương đồng với các ngành khác, thì thay vì hơn 3 triệu đồng/tháng như hiện nay, lúc đó sẽ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng muốn thế, nền kinh tế nhất định phải tăng trưởng, phát triển, mới có tiền để cải cách lương”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, chăm sóc đội ngũ giáo viên còn được Bộ GDĐT quan tâm ngay khi còn là sinh viên sư phạm. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, đây cũng là cố gắng của Chính phủ trong điều kiện hiện nay. Những hỗ trợ thiết thực này sẽ giúp các em sinh viên yên tâm học tập và nỗ lực học tập tốt.

Ưu tiên chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Trước câu hỏi về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của nền giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc tới hai định hướng quan trọng: đó là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT với sự tư vấn hiệu quả của các trường sư phạm đã xây dựng được bộ chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Các trường sư phạm căn cứ vào chuẩn đó để tổ chức dạy học, hướng tới sự chuẩn hóa ngay trong quá trình đào tạo, chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Về hội nhập quốc tế, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và giáo dục không nằm ngoài xu thế hội nhập này. Nhấn mạnh hội nhập để trở thành công dân toàn cầu, Bộ trưởng thông tin, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, chứ không phải tiếp cận theo nội dung kiến thức như chương trình cũ.

Đây là cuộc cách mạng rất quan trọng. Và vì đổi mới căn bản, toàn diện nên thời kỳ đầu khó tránh khỏi khó khăn, từ nhận thức, quan điểm đến điều kiện thực hiện.

Qua những năm gần đây, toàn ngành Giáo dục và cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc; sự quan tâm của xã hội rất lớn và đó là tín hiệu đáng mừng, vừa là động lực, đôi khi là áp lực để đổi mới ngày càng tốt lên.

Bộ trưởng Nhạ thông tin, Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Ban Bí thư ghi nhận kết quả bước đầu quan trọng và chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

“Hướng đi của chúng ta đang dần sáng rõ. Sự nghiệp đổi mới này không tính bằng năm mà tính bằng cả thế hệ. Chúng ta có niềm tin và hy vọng, thế hệ sinh viên ngồi đây sẽ là những thầy cô trong tương lai để thực hiện chủ trương đổi mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lần đổi mới lần thứ tư này của giáo dục nước nhà theo xu hướng chung của thế giới. Con người mới ngoài tinh thần dân tộc, còn phải có tinh thần của công dân toàn cầu, không chỉ yêu thương con người mà còn yêu thương muôn loài. Việt Nam có trách nhiệm giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.

Đồng thời, nếu trước kia người học thụ động nhận kiến thức thì ngày nay chủ trương khơi dậy sự sáng tạo, sự độc lập của mỗi cá nhân, kích thích tinh thần tự học, dám bộc lộ, phát huy cái riêng của mình.

Đào tạo giáo viên phải đầy đủ từ cao đẳng đến đại học

Về quy hoạch, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đã triển khai hai đề án quan trọng: rà soát sắp xếp các cơ sở giáo dục ĐH, rà soát sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm.

Dù bất cứ thời điểm nào, quan điểm nhất quán của Bộ GD&ĐT là mạng lưới các trường sư phạm đào tạo bồi dưỡng giáo viên phải đầy đủ từ cao đẳng đến đại học.

Việc quy hoạch, rà soát sẽ theo các hướng: các địa phương đang có trường cao đẳng sư phạm hoạt động tốt thì củng cố, tăng cường điều kiện cho các trường phát huy; kết hợp hoặc sáp nhập các trường CĐ địa phương nhưng bộ phận sư phạm vẫn phải duy trì để bồi dưỡng trên địa bàn; sáp nhập vào một số trường ĐH đa ngành nhưng có khoa sư phạm. Phải duy trì mạng lưới các trường sư phạm ở các địa phương.

Bộ GD&ĐT cũng định hướng nội dung đào tạo sẽ tập trung ở nhóm các trường ĐH sư phạm nòng cốt, cụ thể có 8 cơ sở được Bộ GD&ĐT chọn và đầu tư. Đây là những trường có vai trò đầu tàu trong nghiên cứu chương trình giáo dục, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cử nhân sư phạm và có trách nhiệm nòng cốt phối hợp với các trường cao đẳng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên. Trong đó, 2 ĐH sư phạm ở hai đầu đất nước (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM) sẽ sớm trở thành hai trường ĐH trọng điểm.

Tham dự buổi giao lưu, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trao đổi: “Quan điểm cá nhân tôi, từ nhu cầu thực tế, nếu chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục, muốn thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thì dù xã hội hoá như thế nào, trách nhiệm đầu tư của Nhà nước đối với ngành khoa học cơ bản và ngành sư phạm vẫn hết sức quan trọng”.

Ông Thắng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nhà nước, Chính phủ sẽ có những tập trung đầu tư cho các trường sư phạm có chất lượng, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống giáo viên, cũng như các trường khoa học cơ bản có vai trò trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học nòng cốt cho đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan, tập trung rà soát, đầu tư cho những trường sư phạm chất lượng cao, đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Phương Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   HCM   Hà Nội   Kinh tế   Nghị định   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   quy hoạch   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...