08/01/2021 16:10  
Sau bữa rượu từ chiều với bạn, anh Thanh (Phố Nối, Hưng Yên) bỏ cả bữa tối, bữa sáng. Đến khi gia đình phát hiện, thì anh đã hôn mê sâu, não tổn thương không thể phục hồi.

Theo gia đình, 14h chiều 3/1, anh Thanh có đi uống rượu cùng bạn, đến 16h thì về nhà nằm ngủ. Tối cùng ngày gia đình gọi dậy, anh có trả lời nhưng không ăn. Anh cũng bỏ cả bữa sáng ngày hôm sau. Đến khi gia đình gọi thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê, gọi không biết gì, tay chân lạnh, duỗi cứng.

Ngay lập tức gia đình đưa anh vào bệnh viện huyện. Lúc này anh đã hôn mê sâu, có dấu hiệu đồng từ giãn, ứ đọng dờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, bị hạ đường huyết, phải đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ cho thấy có hình ảnh phù não, tổn thương não lan tỏa hai bên.

Sau đó, tối 4/1, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vận nặng, suy thận. Bệnh nhân bị tổn thương não do hạ đường huyết dẫn đến suy hô hấp.

"Bệnh nhân được hồi sức tích cực nhưng vẫn hôn sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng, không có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, sáng 6/1, gia đình xin bệnh nhân về nhà", Bs Nguyên chia sẻ.  

Theo Bs Nguyên, những trường hợp ngộ độc rượu bị hạ đường huyết, hôn mê sâu, tổn thương não như trên không phải hiếm gặp. Ngoài những trường hợp ngộ độc rượu methanol, thời gian gần đây Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu thông thường, do uống quá nhiều rượu.

"Một sai lầm nhiều người mắc phải khi nhậu là chỉ mải uống rượu mà không ăn uống gì. Thậm chí vì say quá bỏ cả bửa ăn tiếp theo. Bản thân uống rượu cũng gây no giả, khiến bệnh nhân không muốn ăn. Ngoài ra, ethanol cũng trực tiếp gây đường huyết, cộng thêm việc bỏ bữa, cơ thể gày gò…, khiến đường huyết bị hạ, thậm chí có người chở về mức 0, gây tổn thương não", Bs Nguyên lý giải.

Bên cạnh đó, khi nệnh nhân bị say, hôn mê sâu quá thì có nguy cơ ngưng thở do thiếu ôxy, suy hô hấp. Nếu đưa đến viện kịp thời thì có thể cứu được. Theo Bs Nguyên, những trường hợp tử vong, tổn thương do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết.

Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Để bảo đảm sức khỏe, người dân không nên uống rượu nếu uống thì nên uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Đặc biệt lưu ý, uống rượu khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%).

Nam Phương

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Hà Nội   sai lầm phổ biến   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...