31/10/2020 8:40  
Mạo danh công ty tài chính để lừa cho khách hàng vay tiền lãi suất thấp là thủ đoạn phạm tội được cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo. Người dân phải biết cách tự bảo vệ mình, không nên chỉ nhìn vào bề ngoài, thông qua quảng cáo mà giao dịch, bởi như vậy có thể bị lừa khiến “tiền mất, tật mang”.
Lừa khách hàng vay tiền lãi suất thấp
Mới đây, Công an TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra hành chính tại số nhà 368, đường Trần Phú, thuộc phường Cao Xanh, TP Hạ Long, phát hiện và tạm bắt giữ 12 đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Quá trình kiểm tra phát hiện tại cơ sở này có rất nhiều điện thoại, máy tính, sổ sách ghi chép tên tuổi, địa chỉ của người vay tiền, các kịch bản cho vay tiền.
Lực lượng công an xác định người cầm đầu nhóm tội phạm này là Lương Ngọc Đức (sinh năm 1996, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Lương Ngọc Đức cũng là người đứng ra thuê căn nhà trên làm địa điểm cho các nhân viên hoạt động. Đức thống nhất với Trần Trung Hiếu (SN 1995); Phạm Đức Nguyện (SN 1990), cùng trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, lập các fanpage mạo danh các công ty tài chính như: Công ty Hạ Thái, Công ty HSJC, Công ty GC, Công ty Hoàng Lâm… để lừa khách hàng vay tiền với lãi suất thấp.
Khi khách hàng đồng ý vay tiền, phải nộp số tiền 550.000 đồng là tiền bảo hiểm khoản vay. Sau khi khách hàng tin tưởng và đóng tiền bảo hiểm, Đức chỉ đạo chặn số nhằm chiếm đoạt số tiền này. Làm việc cho Lương Ngọc Đức còn có Trần Thu Dung, quản lý tại cơ sở Hạ Long; Phạm Văn Nghĩa (SN 1999, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) quản lý tại cơ sở ở phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả; Chu Minh Hải (SN 1996, trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) là nhân viên. Ngoài ra, còn nhiều nhân viên khác làm việc tại 4 cơ sở khác nhau ở TP Hạ Long và TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tổng số tiền mà nhóm tội phạm này đã lừa đảo người dân lên tới hàng tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Công an TP Hạ Long điều tra làm rõ.

Việc mạo danh các công ty tài chính lừa khách hang vay tiền lãi suất thấp không phải là chiêu lừa mới mẻ. Theo thông tin cảnh báo từ Ngân hàng Techcombank, thời gian qua đã xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của kẻ gian, lợi dụng lòng tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Trong đó, có trường hợp đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng liên lạc với khách hàng để chào mời dịch vụ hấp dẫn (vay nhanh chóng với chi phí thấp) để lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật (mã token, OTP, thông tin thẻ, số thẻ, tài khoản…) nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho ngân hàng theo số hotline, hoặc điểm giao dịch của ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Tăng nặng hình phạt đối với hành vi giả mạo

Theo các chuyên gia luật, do sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, mạng internet dẫn đến xuất hiện tràn lan các trang web, fanpage không được kiểm chứng và không đáng tin cậy cùng với sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi cá nhân. Các đối tượng đánh trúng tâm lý thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới bẫy lừa đảo này là người dân ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi này chưa thật sự mang tính răn đe; lực lượng và biện pháp đối phó với tội phạm công nghệ cao chưa thật sự hiệu quả do chúng ngày càng hoạt động dưới nhiều hình thức cũng như sử dụng các chiêu trò, cách thức khác nhau khiến lực lượng chức năng không thể kiểm soát được hết nguồn tin cũng như kiểm soát được độ tin cậy của tất cả các fanpage.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, các đối tượng lập fanpage mạo danh các công ty tài chính để lừa khách hàng vay tiền với lãi suất thấp sẽ bị xử phạt theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức xử lý cao nhất đối với hành vi này là bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, hành vi này còn vi phạm khoản 4 Điều 16 Luật An ninh mạng 2014: “Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán”; sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 5 Luật này.

Biện pháp hạn chế các trường hợp mạo danh công ty tài chính lừa khách hàng vay tiền lãi suất thấp, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, liên thông trong hoạt động quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tăng chế tài đối với hành vi giả mạo, mạo danh cơ quan, tổ chức để trục lợi, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức và ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Đối với người dân, phải biết cách tự bảo vệ mình trước tình trạng giả mạo. Phải nắm bắt, tìm hiểu đầy đủ thông tin tổ chức trước khi tiến hành ký kết, giao dịch nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Người dân tuyệt đối không nên chỉ nhìn vào bề ngoài, thông qua quảng cáo mà giao dịch, ký kết, chuyển giao tài sản của mình, bởi như vậy có thể bị lừa khiến “tiền mất, tật mang” mà quyền lợi rất khó có thể đòi lại được.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Công an   Kinh tế   Ngân hàng   SJC   chuyên gia   dịch vụ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...