16/10/2020 20:21  
Khoảng 4,5 tỷ năm trước, hành tinh của chúng ta là một nơi hoàn toàn khác. Đó là một thế giới không thể ở được với nhiệt độ cực nóng, không khí độc hại và bức xạ phát ra từ Mặt trời.

Nhưng mọi thứ có thể đã thay đổi với sự hình thành của Mặt trăng.

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế do NASA đứng đầu, Trái đất và Mặt trăng từng có từ trường chung hoạt động như một lá chắn chống lại các hạt gió Mặt trời.

Trong một thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng Mặt trăng không có từ trường lâu dài do lõi của nó có kích thước nhỏ. Kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày 14 tháng 10 trên tạp chí Science Advances, cho biết bằng cách sử dụng công nghệ mới, các nhà nghiên cứu của NASA đã phân tích các mẫu bề mặt Mặt trăng được thu thập trong các sứ mệnh Apollo được niêm phong trong nhiều thập kỷ.

Nghiên cứu cho thấy nhiệt trong quá trình hình thành Mặt trăng đã giữ cho sắt của nó chảy, do đó tạo ra từ trường, mặc dù nó không tồn tại lâu do kích thước của lõi.

Jim Green, nhà khoa học chính của NASA, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết: "Nó giống như nướng một cái bánh và nó vẫn đang nguội. Khối lượng càng lớn thì càng mất nhiều thời gian để nguội".

Trong những ngày đầu, Mặt trăng gần Trái đất hơn rất nhiều, nhưng qua nhiều năm đã di chuyển ra xa do lực hấp dẫn. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình máy tính để xem từ trường của Trái đất và Mặt trăng tương tác với nhau như thế nào. Mô phỏng cho thấy, các từ trường của cả hai thiên thể được kết nối trong các vùng cực của mỗi vật thể.

Các nhà khoa học tin rằng cái gọi là lá chắn này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của Trái đất vì nó không cho phép các hạt gió Mặt trời cuốn đi bầu khí quyển của hành tinh chúng ta. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng từ quyển chung của Trái đất và Mặt trăng tồn tại từ 4,1 đến 3,5 tỷ năm trước.

Theo thời gian, phần bên trong của Mặt trăng nguội đi và vệ tinh của Trái đất cuối cùng mất đi từ quyển cùng bầu khí quyển. Các nhà khoa học cho biết từ trường của Mặt trăng suy yếu đáng kể cách đây 3,2 tỷ năm trước khi biến mất hoàn toàn khoảng 1,5 tỷ năm trước.

Nghiên cứu mới cho thấy rằng các Mặt trăng khác có thể đã giúp các hành tinh chủ bảo tồn bầu khí quyển của chúng và có khả năng đóng góp vào các điều kiện có thể sinh sống được trên các hành tinh này. Nghiên cứu này cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của vệ tinh Trái đất.

“Hiểu được lịch sử của từ trường Mặt Trăng sẽ giúp chúng ta hiểu không chỉ khí quyển có thể có ban đầu mà còn cả cách bên trong Mặt Trăng phát triển giống như có thể là sự kết hợp của cả kim loại lỏng và rắn vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của nó và đó là một phần rất quan trọng của câu đố về cách Mặt trăng hoạt động ở bên trong như thế nào”, David Draper, đồng tác giả nghiên cứu của NASA cho biết.

Trang Phạm

Theo Sputnik

Nguồn tin: dantri.com.vn


Mặt Trăng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...