22/10/2020 19:21  
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc bị thua lỗ bởi kế hoạch cho vay ngang hàng (P2P), cộng thêm khoản nợ khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (119 tỷ USD) vẫn chưa trả hết.

Vào năm 2017, Liu Yijia sống tại tỉnh Chiết Giang, Li Wei từ Thâm Quyến và Feng Mei từ Giang Tô đã cùng hàng triệu người dân Trung Quốc tham gia gửi tiền tiết kiệm vào các chương trình đầu tư hứa hẹn lợi nhuận hàng năm lên tới hai con số.

Đây quả thực là một sự cám dỗ lớn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng một năm là 1,75% và lãi suất tài khoản thanh toán 0,3%/năm tại các ngân hàng truyền thống. Ba người họ có cùng mục tiêu là tìm kiếm lợi tức từ các khoản đầu tư của bản thân.

Tuy vậy, sau 3 năm, họ đều chìm vào tuyệt vọng vì giờ không những không nhận được lợi nhuận như đã hứa mà còn mất trắng số tiền đầu tư gốc. Đây chính là những hậu quả mà họ đang phải gánh chịu từ sự sụp đổ của mô hình cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến và ủy thác đầu tư dành cho người giàu.

Đây là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Cụ thể, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Theo ước tính, hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại do sự sụp đổ của các chương trình cho vay ngang hàng. Khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (119 tỷ USD) vẫn còn bị nợ lại, tính đến cuối tháng 6, sau khoảng 3,5 năm chính phủ nước này mạnh tay siết hình thức vay ngang hàng.

“Có ít nhất tầm khoảng tám người quen của tôi từ bạn bè, đồng nghiệp và người thân hiện đang là nạn nhân của các ứng dụng P2P khác nhau,” Li nói, “Chúng tôi cũng biết rằng rất khó để lấy lại được số tiền gốc đầu tư”.

Theo Li, vài năm trước, khi nhắc đến khởi nghiệp và đổi mới, người dân đều liên tưởng rằng P2P rất cao cấp, sáng tạo và được chính phủ khuyến khích. Những người quen của Li đều bị cám dỗ bởi lãi suất hứa hẹn của P2P. Nhưng bây giờ, họ còn không muốn nhắc tới chuyện này nữa.

“Vài tháng trước, hai người bạn của tôi cũng trở thành nạn nhân khi một chương trình huy động vốn không hoàn trả tiền cho họ. Tôi từng thề sẽ không bao giờ đầu tư vào các sản phẩm tài chính ở Trung Quốc, dù là của nhà nước hay tư nhân”, Li nhấn mạnh.

Theo Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, ngành công nghiệp cho vay P2P ở Trung Quốc hầu như đã biến mất. Tính đến tháng 8 vừa qua, chỉ còn khoảng 15 nền tảng cho vay hoạt động, giảm 99,5% so với cùng kỳ hai năm trước.

Hiện chưa rõ số lượng nhà đầu tư P2P ở Trung Quốc chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, giới chức tài chính nước này ước tính con số đã giảm 88% từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 8 năm nay, nhưng hiện con số chính xác đã lên đến hàng chục triệu nạn nhân.

Theo kết quả từ một cuộc báo cáo riêng của Ủy ban Chuyên gia Quốc gia về Công nghệ An ninh Tài chính Internet cho biết, ít nhất 50 triệu người tham gia vào P2P tại thời điểm cuối tháng 6/2018. Mỗi người đầu tư khoảng 22.788 nhân dân tệ (3.400 USD).

Liu Yijia từng bị lôi kéo đầu tư sau khi xem một tài liệu quảng cáo từ Tập đoàn JC có trụ sở tại Hàng Châu, cung cấp “các sản phẩm quản lý tài sản” hứa hẹn lợi nhuận hàng năm là 12%. Ông đã đầu tư số tiền tối thiểu là 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 148.000 USD). Tập đoàn JC tuyên bố họ đã ký thỏa thuận với nhiều chính quyền địa phương để xây dựng “những thị trấn nhỏ duyên dáng”.

Công ty này quản lý ít nhất 350 “quỹ tư nhân” và huy động được khoảng 10 tỷ USD trước khi trụ sở chính bị cảnh sát đột kích và người sáng lập bị bắt vì cáo buộc gây quỹ bất hợp pháp vào tháng 4/2019.

Feng Mei cũng là một trong những “nạn nhân” bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao từ JC, ngay lập tức đầu tư 2,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 388.000 USD).

Chỉ sống bằng tiền lương hàng tháng, bà Li đã mạo hiểm đầu tư khoản tiết kiệm cả đời khoảng 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD) thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Các chương trình cho vay P2P sử dụng tiền do công chúng đầu tư để cho các công dân khác vay. Mặc dù không được các quan chức khuyến khích, nhưng ban đầu chúng đã được chính phủ Trung Quốc chấp nhận khi mức độ phổ biến của chúng tăng lên.

“Các khách hàng của tôi, hầu hết là người giàu có, đang rất gay gắt. Họ tức giận vì sự thiếu sót của quy trình xét xử đối với những trường hợp này”, Zhong Jian, luật sự tại Công ty Luật DHH, đại diện cho hàng chục nhà đầu tư trong các vụ kiện chống lại một số nhà cung cấp sản phẩm quản lý tài sản, cho biết.

Theo ông Zhong, các khách hàng của ông luôn nghĩ bản thân là người hưởng lợi từ sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Nhưng sau khi bong bóng vỡ, họ thấy mình không còn cách nào để bảo vệ quyền lợi. Từ khi nộp đơn kiện vào năm ngoái đến nay, họ hầu như không thấy tiến triển.

Các chương trình cho vay P2P sử dụng tiền đầu tư từ cộng đồng để cho người khác vay. Dù không được khuyến khích, mô hình này ban đầu vẫn được chính phủ Trung Quốc chấp nhận do cung cấp giải pháp hiệu quả và sáng tạo để kết nối cung và cầu vốn.

Đây là sự lựa chọn dễ dàng để thay thế cho các ngân hàng, khi chỉ yêu cầu một vài thao tác trên điện thoại di động để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang. Tuy nhiên, do không có sự giám sát của chính phủ, nạn gian lận đã tràn lan, với nhiều nền tảng thực chất là mô hình lừa đảo Ponzi (kim tự tháp).

Joe Zhang - chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính Trung Quốc, hiện là chủ tịch của Slow Bull Capital - cho biết suy thoái tài chính đã khiến các ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp hơn.

Một trong những nền tảng P2P sôi động nhất tại Thượng Hải, Tangxiaoseng, đã huy động được 59 tỷ nhân dân tệ (8,8 tỷ USD) từ 2,77 triệu nhà đầu tư trong những năm từ 2012 đến 2018. Tuy nhiên, công ty này đã sụp đổ, ôm khoản nợ 5 tỷ nhân dân tệ với 110.000 nhà đầu tư. Người đứng đầu - Wang Li bị kết án tù chung thân, còn ba giám đốc điều hành khác bị phạt tù lên đến 14 năm.

Những nhà đầu tư vào Tangxiaoseng và các nền tảng tương tự khác đã tạo nên làn sóng “dân tị nạn tài chính” khi họ không thể lấy lại tiền sau khi các công ty này tuyên bố phá sản. Một số người may mắn đòi được thì phải tốn nhiều thời gian và chấp nhận chịu lỗ lớn. Trong vụ gian lận của Ezubao, các nhà đầu tư thu hồi được khoảng 35% số tiền gốc họ đã đầu tư.

Ezubao là mô hình Ponzi lớn nhất của Trung Quốc, thu hút hơn 50 tỷ nhân dân tệ từ khoảng 900.000 nhà đầu tư bằng các dự án giả mạo. Vào năm 2017, giám đốc công ty Ding Ning bị tòa tuyên án tù chung thân, bị phạt 100 triệu nhân dân tệ và 500.000 nhân dân tệ tài sản cá nhân bị tịch thu.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, tổng giá trị các khoản vay của tất cả các nền tảng P2P của Trung Quốc, bao gồm những nền tảng đã bị đóng cửa, vào khoảng 7.800 tỷ nhân dân tệ (1.200 tỷ USD). Con số này rất nhỏ so với 170.000 tỷ nhân dân tệ dư nợ ngân hàng vào cuối tháng 9.

Ngoài ra, khoản lỗ 800 tỷ nhân dân tệ chỉ chiếm một phần nhỏ tài sản gia đình của Trung Quốc. Chỉ trong tháng qua, 9.950 tỷ nhân dân tệ đã được các hộ gia đình nước này gửi vào ngân hàng. Điều đó có nghĩa việc Bắc Kinh kìm hãm các chương trình P2P ít ảnh hưởng đến sự ổn định hệ thống tài chính.

Các nhà đầu tư như Liu và Feng thì vẫn đang theo đuổi các vụ kiện chống lại JC cùng khoảng 3.000 người khác. Tuy nhiên, các nguồn lực điều tra kinh tế và tư pháp của Trung Quốc được coi là không đủ để điều tra chính xác tất cả các vụ việc.

“Các thỏa thuận thương lượng có thể hiệu quả hơn trong nhiều trường hợp như vậy”, Zhao Xijun, Phó hiệu trưởng Trường Tài chính của Đại học Renmin đánh giá.

Hương Vũ

Theo SCMP

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công nghệ   Ngân hàng   Trung Quốc   Tài chính   Tập đoàn   chuyên gia   doanh nghiệp   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...