27/10/2020 17:10  
Các tỉnh, thành miền Trung chưa kịp gượng dậy sau trận mưa lũ - ngập lịch sử, nay lại phải hối hả căng mình chuẩn bị đối phó với trận "siêu bão" - cơn bão số 9.

Ứng phó với bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi lên phương án di dời, sơ tán hơn 31.000 hộ dân, với 119.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Việc di dời dân các xã ven biển được các địa phương Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ triển khai từ sáng sớm ngày 27/10. Nhiều lực lượng được huy động hỗ trợ di dời dân, đặc biệt là hỗ trợ người già yếu, neo đơn.

PV Dân trí ghi nhận việc triển khai di dời dân tại huyện Bình Sơn - địa bàn được dự báo có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cơn bão số 9.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán nhân dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, khu vực thấp trũng, ven sông, nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét… đến nơi an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm di dời tập trung.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị lên kế hoạch sơ tán dân đối với hơn 6.300 hộ dân với gần 18.000 người đến nơi an toàn.

Trước đó, tỉnh Quảng Trị cũng ban hành công điện yêu cầu, tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9. Cho học sinh các cấp nghỉ học từ sáng 28/10. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 21h ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới.

Tại Thừa Thiên Huế, trên 600 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và trên 2.500 chiến sĩ dân quân đã được huy động về các địa phương để cùng với người dân tập trung ứng phó với cơn bão số 9.

Bên cạnh đó, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 6 đã nhanh chóng cơ động về 2 địa phương Huyện Quảng Điền và Thị xã Hương Trà để giúp nhân dân ứng phó với cơn bão số 9.

Các lực lượng đã chia làm nhiều hướng, nhiều địa điểm cùng với lực lượng dân quân địa phương giúp nhân dân chằng chống lại nhà cửa, chặt cây, tỉa cành tại các trục đường chính, các cây lớn xung quanh nhà của người dân, đắp bao cát lên các mái nhà của trường học tất cả đang được thực hiện một cách khẩn, nhanh nhất.

Với tinh thần khẩn trương, gấp rút giúp người dân ứng phó nhanh nhất với cơn bão thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các lực lượng đến 16h chiều nay phải hoàn thành các công tác phòng chống bão cho nhân dân, tranh thủ từng giờ từng phút để kịp thời giúp nhân dân ứng phó với mọi diễn biến của cơn bão.

Đồng thời, công an tổ chức cưa, đốn hạ các cành cây lớn có thể gây nguy hiểm khi mưa bão đến. Hiện Công an TP Huế đã thành lập 1 Trung đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xấu do bão gây ra.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, người dân vẫn đang còn chủ quan trước những cảnh báo. Do vậy, yêu cầu các lực lượng phải ứng trực, chuẩn bị sẵn các phương tiện tại chỗ để sẵn sàng huy động khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, đưa phụ nữ mang thai có dấu hiệu sắp sinh đến bệnh viện trong ngày hôm nay để không xảy ra các tình huống thương tâm như trận lũ ở Huế vừa qua.

“Tuyệt đối không để có thêm người dân nào chết trong lũ bão”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói.

Sáng 27/10, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, người dân TP Đà Nẵng đã hối hả chuẩn bị phòng chống bão số 9.

Tại 2 phường ven biển là Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà), từ sáng sớm, người dân cùng nhau hợp sức đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão với sự hỗ trợ của lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ.

Lực lượng chức năng cũng chức năng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để phòng chống với cơn bão được dự báo là cuồng phong này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (trú phường Mân Thái) cho biết: “Theo kinh nghiệm, thời tiết nắng to thế này khi bão đổ bộ vào sẽ rất lớn. Vì vậy, không ai dám chủ quan, mọi người đều lo đưa tàu thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa cẩn thận”.

Ngày 27/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nghệ An cũng đã có Công điện hỏa tốc về việc tập trung ứng phó với bão số 9 (Molave).

Nghệ An mặc dù xa tâm bão nhưng từ chiều tối và đêm 27/10, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 4 đến 6m. Đặc biệt, phía Nam Nghệ An xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 28/10 đến ngày 31/10, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200 đến 400 mm/đợt và có nơi trên 500 mm/đợt.

Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung đối phó mưa bão, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tính mạng của nhân dân và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.

Sẵn sàng sơ tán dân những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Quốc Triều - Đăng Đức - Đại Dương - Khánh Hồng - Nguyễn Tú

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công an   Sơn Trà   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...