30/10/2020 7:35  
Miếng dán “tôi đang mang thai” hiệu quả ở Nhật do giao thông nước này chủ yếu là giao thông công cộng như tàu điện ngầm. Trong khi tại Việt Nam, vẫn đa số là xe máy, giao thông phức tạp, lộn xộn, ý thức người tham gia giao thông chưa cao nên khó hiệu quả?
Nguy cơ tai nạn giao thông đối với phụ nữ đang mang thai vốn là nỗi lo của người dân suốt thời gian qua.
Con số thống kê cho thấy, Việt Nam là quốc gia có số người chết do tai nạn giao thông đứng thứ 2 Đông Nam Á (26,1/100.000 người). Hàng năm cả nước có khoảng 1,5 triệu phụ nữ mang thai và gần 90% số đó vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại trước, sau sinh. Thực tế đã từng xảy ra không ít các vụ thai phụ bị tai nạn đau lòng dẫn đến tử vong hoặc cứu được mẹ mà không cứu được con.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên sử dụng miếng dán ‘Tôi đang mang thai’ trên mũ bảo hiểm khi đi xe máy, trên túi xách, hoặc bất kỳ vật dụng nào đó dễ dàng quan sát để tránh nguy cơ bị tai nạn.
Mới đây, tại hội thảo tăng cường triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 29/10 tại TP HCM, đại diện JICA cho biết Nhật Bản là quốc gia áp dụng miếng dán cho thai phụ từ lâu và cho thấy phát huy hiệu quả.
Từ việc áp dụng hiệu quả tại Nhật Bản, các chuyên gia muốn khuyến khích phụ nữ mang thai tại Việt Nam sử dụng phương pháp này để phòng ngừa nguy cơ rủi ro tai nạn và giảm thiểu tối đa tình huống rủi ro như vô ý va chạm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các bà bầu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù được đánh giá là phương pháp có thể tránh nguy cơ bị tai nạn cho phụ nữ tại Nhật Bản nhưng khi triển khai tại Việt Nam, việc hiệu quả khó có thể chắc chắn.
Bởi Nhật Bản áp dụng hiệu quả nhưng giao thông ở Nhật đa số là loại hình giao thông công cộng phổ biến như tàu điện ngầm và nếu xe cá nhân đa phần là xe đạp. Trong khi tại Việt Nam, giao thông vẫn đa số là xe máy, hơn nữa tình trạng giao thông phức tạp, lộn xộn và ý thức người tham gia giao thông chưa cao.
Thực tế, có những vụ tai nạn giao thông mà người tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ hoặc đang đi bộ, đứng trên vỉa hè vẫn trở thành nạn nhân của những người tham gia giao thông thiếu ý thức, sử dụng rượu bia, lưu thông với tốc độ cao. Ngay cả đối với phụ nữ đang mang thai dù có nhiều biểu hiện dễ nhận biết khi ở những tháng cuối nhưng vẫn trở thành nạn nhân của các vụ giao thông từ những người thiếu ý thức.
Trong khi đó, miếng dán “Tôi đang mang thai” chỉ giống như những tấm bảng cảnh báo người tham gia giao thông và chỉ hữu ích với những người tham gia giao thông có ý thức và sẽ không hiệu quả đối với người ý thức kém.
Do đó, dù có dán “Tôi đang mang thai” nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, khuyến cáo các phụ nữ mang thai chú ý quan sát, tự giữ gìn bản thân khi tham gia gia giao thông.
Đồng thời, tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông để nâng cao ý thức người dân. Giải pháp lâu dài hơn nữa là cải thiện hạ tầng giao thông, giảm mật độ, lưu lượng tham gia giao thông, hạn chế xe cá nhân, tăng cường hơn nữa xe công cộng…
Không có miếng dán nào hiệu quả bằng ý thức người tham gia giao thông. Do đó, việc sử dụng miếng dán có hiệu quả ở Việt Nam có hiệu quả hay không vẫn là một dấu hỏi lớn?
>>> Mời độc giả xem thêm video Bình Dương: Lái xe tông chết 2 người, đại ca giang hồ gọi đàn em nhận tội thay

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Nguồn tin: kienthuc.net.vn


HCM   Nhật Bản   Việt Nam   chuyên gia   giang hồ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...