28/09/2020 1:24  
Đời doanh nhân, từ khi lập nghiệp đến lúc thành công lại càng không thể bình lặng. Bất cứ doanh nhân nào cũng có một kho tàng gồm những trải nghiệm và bài học để đời. Tôi ví von đó là những cuốn sách…sống.

Sách là kho tàng tri thức bất tận của nhân loại, điều ấy như là một chân lý ai cũng thừa nhận. Và sách do doanh nhân, những người thành đạt viết lại càng đáng giá, vì lẽ chất chứa trong ấy là tất cả tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, ý chí, bài học kinh nghiệm, thất bại, thành công… Như tỷ phú người Thái Vikrom Kromadit – sáng lập tập đoàn Amata đã từng chia sẻ “Muốn thành công hãy đọc tự truyện danh nhân”.

Nhìn ra thế giới, chúng ta dễ dàng tìm thấy những tựa sách của người thành đạt, điển hình như Bill Gates, Jack Ma, Steve Job, … hầu như mỗi doanh nhân thành đạt đều có ít nhất 1 cuốn sách để lại cho đời.

Nhìn lại Việt Nam, sách do người thành đạt viết cũng khá nhiều nhưng chủ yếu ở các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật, … còn sách của doanh nhân thì có thể nói là… quý và hiếm. Là một doanh nhân đã và đang viết sách, tôi nghĩ có nhiều lý do dẫn đến sự quý hiếm này. Thứ nhất, doanh nhân sẽ ưu tiên phát triển việc kinh doanh, không có nhiều thời gian để viết. Thứ hai, doanh nhân nói tốt thì rất nhiều còn viết tốt lại là một câu chuyện khác. Thứ ba, không phải ai cũng muốn chia sẻ chuyện đời mình, đó là sự tế nhị và can đảm khi công khai những góc khuất, những thăng trầm trong cuộc đời. Nhưng khi họ đã chia sẻ thì chắc chắn là những bài học hay, những kinh nghiệm sống động để chúng ta học hỏi.

Về văn hóa đọc sách, theo thông tin từ Hội thảo quốc gia về “Xây dựng văn hóa đọc” gần đây, số giờ đọc sách của người Việt Nam chúng ta trung bình 1,2 cuốn sách/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Từ con số giật mình này cho thấy chúng ta rất lười đọc, điều mà chúng ta nên làm nhiều hơn, thường xuyên hơn để khai thác tối đa kho tàng tri thức của nhân loại.

Tôi nghiệm ra điều này khi đọc cuốn sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình của một tác giả nước ngoài. Tôi cứ ngỡ như cuốn sách này viết cho mình, vì lẽ những điều sách viết tôi đã làm, trải nghiệm. Đọc xong cứ chặc lưỡi tiếc hùi hụi, sao mình không đọc nó sớm hơn để đỡ mất thời gian, công sức mò mẫm thử và sai và lại thử để có được thành công như hôm nay. Nếu tôi đọc sách trước rồi ứng dụng thì có phải là tiết kiệm được rất nhiều thời gian không? Và biết đâu tôi đã thành công sớm hơn bây giờ?!

Cũng đứng ở góc nhìn về văn hóa đọc, doanh nhân làm gì cũng tính đến nhu cầu, hiệu quả. Khi đại đa số người Việt không mê đọc sách thì doanh nhân viết cho ai đọc? Khi mà các bạn trẻ - lực lượng doanh nhân kế thừa có thể dành thời gian 2,5 giờ/ngày cho mạng xã hội và chưa thiết tha với vốn kiến thức trải nghiệm của thế hệ doanh nhân đi trước thì động lực viết của doanh nhân cũng mai một chăng? 

Tôi quan niệm, đời người chính là sự tiếp nối những câu chuyện, vui có, buồn có, có đau khổ, hạnh phúc, thành công lẫn thất bại. Mỗi chúng ta ai cũng sẽ có những nếm trải, đối diện với những chông gai, trắc trở, bao thử thách, lắm thăng trầm, thậm chí là đối diện với sinh tử. Hiếm có ai được ban tặng một cuộc đời chỉ trải hoa hồng. Đời doanh nhân, từ khi lập nghiệp đến lúc thành công lại càng không thể bình lặng. Bất cứ doanh nhân nào cũng có một kho tàng gồm những trải nghiệm và bài học để đời. Tôi ví von đó là những cuốn sách… sống.

“Sách sống” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì doanh nhân chúng tôi vẫn đang trải nghiệm từng ngày với những biến động không ngừng của nền kinh tế. Và cho dù giàu có, thành công đến mức nào, khi nằm xuống, chúng tôi cũng không thể mang theo tài sản, trí tuệ và cả kinh nghiệm của mình. Vậy nên, tuần lễ Sách và Doanh Nhân theo tôi không nên dừng lại ở việc thúc đẩy văn hóa đọc ở doanh nhân, bởi lẽ mỗi doanh nhân thành đạt tự bản thân họ đã có cả kho sách để gối đầu giường, mà nên thúc đẩy văn hóa viết, nhằm khơi dậy trong mỗi doanh nhân thành đạt một động lực để lại di sản cho thế hệ mai sau bằng chính cuốn sách đời mình. Bằng cách nào đó, chúng ta tạo điều kiện cho doanh nhân nói, kể, viết, … về những thăng trầm trong chuyện kinh doanh của mình để người đi sau tránh vết xe đổ, kế thừa thành quả và sáng tạo cái mới. Tôi tin mỗi người thành đạt đều có sẵn một tấm lòng muốn sẻ chia, muốn trao truyền, chỉ cần cho họ cơ hội để thể hiện mà thôi.

Về tác giả:

Lê Thị Thanh Lâm - Nữ doanh nhân, tác giả sách, người cố vấn – mentor, người truyền cảm hứng cho giới trẻ và thúc đẩy phát triển bình đẳng giới.

Phó Tổng Giám Đốc Sài Gòn Food – Phó Chủ tịch Hội Nữ Nhân TP.HCM, Phó chú tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Phó Chủ tịch Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia – phía Nam, Thành viên Hội đồng Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ – VBCWE.

Sách đã xuất bản: Người Thả Diều – những câu chuyện chắp cánh ước mơ tuổi trẻ.

Sách sắp xuất bản: Người Dẫn Chuyện – những bí quyết làm nên thương hiệu doanh nhân, tháng 10/2020. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


truyện   thành công   Sách   Doanh Nhân   doanh nhân   Khởi nghiệp   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...