10/04/2021 9:11  
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, mỗi lần "sốt" đất sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho việc điều hành kinh tế xã hội. Kể cả khi giá đất giảm thì cũng sẽ ở một mặt bằng giá mới.

Tại tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất" vừa diễn ra, ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết: Dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông nhận thấy cứ qua mỗi lần "sốt" đất sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho việc điều hành kinh tế xã hội.

"Kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi mặt bằng quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội, nhà nước phải bỏ ra lượng ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn", ông Bình nói.

Đồng thời các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra lượng tiền lớn hơn để đầu tư vì giá cho thuê đất tăng. Những điều đó làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

"Tôi không phủ nhận việc giá đất không cần tăng, tuy nhiên việc tăng cần tăng trong khuôn khổ phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội", ông Bình nêu quan điểm.

Thứ hai, theo ông Bình, đó là hệ lụy về mặt chính sách. Sau mỗi đợt "sốt" đất, cơ quan quản lý phải vào cuộc để tìm ra giải pháp, yêu cầu các địa phương có biện pháp để ổn định tình hình.

Trong đó quy định những loại đất nào được đưa ra giao dịch, nếu có sự thay đổi mục đích sử dụng đất phải nộp chi phí cho ngân sách bởi người dân nhiều khi theo tâm lý đám đông, chưa có sự am hiểu về luật pháp.

Ông Trần Ngọc Minh - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hệ lụy đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi "sốt" đất chính là những nhà đầu tư lao vào "cơn sốt" này và người cuối cùng chịu hậu quả.

"Người Việt Nam mình có tâm lý đám đông nhưng đến một lúc nào đó, hiện tượng bong bóng bất động sản vỡ thì có thể giá đất sẽ tụt xuống hoặc bán không ai mua", ông Minh nói.

Cũng theo vị này, khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi. Chính vì thế việc thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai các nhà đầu tư vào đầu tư dự án cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, các trung tâm thẩm định giá sẽ cao lên, sẽ đẩy giá nhà kinh doanh cao lên. Từ đó, hệ lụy tới việc đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới những người có nhu cầu sử dụng nhà đất.

"Ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi ưu tiên phát triển dự án nhà ở xã hội. Để giải quyết tổng thể chúng ta cần minh bạch thông tin, có sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền và định hướng dư luận từ báo chí", ông Minh nói.

Nguyễn Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bất động sản   Hà Nội   Kinh tế   Tổng cục   Việt Nam   chính sách   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...