11/04/2021 11:46  

“Món quà” bất ngờ từ sự cố nghẽn lệnh

Hiện có khoảng 70 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Tuy vậy, tốp 10 CTCK hàng đầu đang nắm giữ tới 65% thị phần môi giới, 60 công ty nhỏ và vừa còn lại chia nhau 35% thị phần. Với cấu trúc thị phần như trên, câu hỏi đặt ra là các CTCK nhỏ và vừa phải làm gì để cạnh tranh với các “ông lớn”?

Kể từ khi Thông tư 128 được Bộ Tài chính ban hành với nội dung chính là “cởi trói” mức phí sàn giao dịch, chiến lược được nhiều CTCK nhỏ và vừa chọn lựa làm vũ khí cạnh tranh là giảm mạnh, thậm chí miễn phí giao dịch. Các gói cho vay margin lãi suất thấp cũng liên tục được các công ty này tung ra.

Trên thực tế, những biện pháp nêu trên cũng đã có những hiệu quả nhất định. Điển hình nhất là sự vươn lên mạnh mẽ của VPS. Từ một cái tên còn nằm ngoài tốp 10 hai năm trước đây, với định hướng khá “khôn ngoan” khi đánh chiếm mảng thị trường phái sinh cũng như các gói hỗ trợ cho vay margin lãi suất thấp, thị phần của VPS đã có cú bứt phá ngoạn mục trong năm 2020. Tuy vậy, không phải CTCK tốp giữa nào cũng có đủ nguồn lực và định hướng đúng đắn để vươn lên như VPS.

Dù gặp rất nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh với các “ông lớn” trên nhiều mảng kinh doanh cốt lõi như môi giới, cho vay margin và phái sinh, nhưng bối cảnh hiện tại cũng đang mang đến những điều kiện thuận lợi nhất định cho các CTCK nhỏ và vừa.

Đó chính là hiện tượng hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) thường xuyên bị nghẽn lệnh, mang đến lợi thế dư chỉ tiêu lệnh cho các CTCK nhóm dưới. Nhiều nhà đầu tư đã mở thêm tài khoản tại các CTCK nhỏ để có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu khi các công ty lớn ở trong tình trạng nghẽn lệnh khi hết chỉ tiêu lệnh được phân bổ.

Ngoài ra, trong quí đầu năm, nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa cũng thu hút dòng tiền khá mạnh. Nhiều cổ phiếu có các nhà đầu tư đóng vai trò tạo lập thực hiện giao dịch ở các CTCK ngoài tốp 10. Yếu tố này cũng giúp các CTCK nhỏ và vừa thu hút thêm được một lượng khách hàng, có giá trị tài khoản đáng kể và giao dịch thường xuyên bên cạnh lượng khách hàng là nhà đầu tư mới (F0).

Sự khởi sắc của các CTCK ngoài tốp 10 thể hiện rõ nét kể từ quí 4-2020. Điển hình như CTCK Rồng Việt (VDS) trong quí cuối năm ngoái đã ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 203,4 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỉ đồng, qua đó đưa doanh thu và lợi nhuận lũy kế cả năm đạt lần lượt 454,4 tỉ đồng và 192,7 tỉ đồng (lợi nhuận cao nhất trong các năm hoạt động).

Tương tự, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cũng ghi nhận 97,9 tỉ đồng doanh thu hoạt động và 56,1 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong quí 4-2020, lũy kế cả năm đạt lần lượt 351,5 tỉ đồng và 70,4 tỉ đồng (lãi gấp 7 lần năm 2019). CTCK Maybank Kim Eng đạt doanh thu hoạt động 376,3 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 131,4 tỉ đồng trong năm 2020, tăng lần lượt 29% và 52,8% so với năm 2019.

Còn theo báo cáo thường niên của CTCK Trí Việt (TVB), doanh thu năm 2020 tăng 2,4 lần so với năm 2019 chủ yếu nhờ các nghiệp vụ đầu tư, giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán và môi giới. Trong đó, doanh thu từ giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán tăng 250%, chiếm 40% tổng doanh thu; doanh thu môi giới tăng 218%, chiếm 30% tổng doanh thu.

Làm gì để tận dụng thời cơ?

Trước bối cảnh thuận lợi từ việc sàn HOSE nghẽn lệnh, các CTCK nhóm nhỏ và vừa, nếu muốn vươn lên, cần tận dụng cơ hội này để bứt tốc. Nhìn về dài hạn hơn, dư địa gia tăng quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất lớn (hiện mới có khoảng 3% dân số tham gia đầu tư chứng khoán, trong khi mục tiêu hướng tới năm 2025 là 5% dân số). Chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện, không cấp phép mới nên khi thị trường tăng trưởng các CTCK sẽ đều có “phần”, nên cần lớn lên để tham gia sân chơi lớn hơn.

Để tận dụng được cơ hội khi “miếng bánh” thị trường ngày một “nở ra”, một trong những bài toán cấp thiết đối với các CTCK nhỏ và vừa là phải tăng vốn, đa dạng hóa  sản phẩm và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Thực tế gần đây đã chứng kiến động thái của một số CTCK theo định hướng này.

Điển hình như CTCP Chứng khoán Trí Việt vừa tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên hơn 700 tỉ đồng và dự định tiếp tục tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 trong năm nay, qua đó nâng vốn lên hơn 1.000 tỉ đồng. Nguồn vốn tăng thêm sẽ phục vụ hoạt động cho vay và dịch vụ nói chung.

Trước đó, CTCK Tiên Phong cũng tăng vốn điều lệ từ hơn 400 tỉ lên 1.000 tỉ đồng trong quí 4-2020, thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Với CTCK Đại Nam, năm 2020 có chuyển biến đáng kể trong định hướng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính, áp dụng công nghệ. Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 160 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng trong năm 2021, thực hiện qua hai giai đoạn, để đáp ứng yêu cầu về vốn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh cũng như các nghiệp vụ khác.

Với việc định giá còn khá rẻ (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách chỉ dao động quanh một lần), nhóm các CTCK nhỏ và vừa đang có cơ hội thuận lợi để huy động vốn. Trong cuộc đua này, tốc độ sẽ đóng vai trò quan trọng vì sau khi hệ thống phần mềm giao dịch mới của HOSE được đưa vào hoạt động, lợi thế sẽ lại quay trở lại với nhóm các CTCK hàng đầu.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   HOSE   TPHCM   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...