09/04/2021 20:11  
Nếu ung thư gan đã ở giai đoạn nặng khi được phát hiện, một số bệnh nhân thậm chí có thể không điều trị được vì chức năng gan kém.

Ở giai đoạn đầu của ung thư gan, người bệnh sẽ không cảm nhận được các triệu chứng và có thể phải đợi đến khi khối u phát triển đến 10-20 cm mới có các tín hiệu cảnh báo rõ rệt như: cổ trướng, đau vùng bụng trên bên phải, chướng bụng và vàng da. Do đó, đa số trường hợp bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh ung thư gan thì đã ở giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối.

Khám sàng lọc và theo dõi định kỳ

Ưu điểm của việc tầm soát thường xuyên là có thể phát hiện được khi khối u khi chúng chỉ có kích thước từ 1 đến 2 cm. Lúc này có thể áp dụng phương pháp đốt điện, chích cồn tại chỗ để điều trị mà không cần phẫu thuật.

Những người mắc viêm gan B, viêm gan C, gan nhiễm mỡ nặng và tiền sử di truyền trong gia đình, nghiện rượu và các nhóm nguy cơ ung thư gan cao khác, nên theo dõi định kỳ 6 tháng/lần.

Cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn và rượu

Trong cuộc sống hiện đại, thực phẩm chế biến sẵn là một phần khó tách rời trong bữa ăn của nhiều gia đình vì tính tiện dụng. Tuy nhiên, cần biết rằng, để có màu sắc, hương vị và kéo dài thời gian bảo quản, các chất hóa học được thêm vào nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Những chất này khi vào cơ thể đều cần gan chuyển hóa. Nếu tiêu thụ một lượng lớn trong thời gian dài sẽ gây ra gánh nặng cho quá trình chuyển hóa của gan.

Gan cũng có nhiệm vụ chuyển hóa rượu, uống rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Sau khi rượu được chuyển hóa tại gan, các chất chuyển hóa không chỉ gây viêm gan, kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường mà còn gây tích tụ mỡ hình thành gan nhiễm mỡ.

Nếu bạn bỏ rượu vào thời điểm này, gan có thể phục hồi các chức năng bình thường vì khả năng tái tạo của nó. Nếu tiếp tục uống rượu bia sẽ khiến gan bị viêm và tổn thương nhiều lần, làm tăng nguy cơ xơ gan hoặc ung thư gan. Những người mang virus viêm gan duy trì thói quen uống rượu có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm gan virus mãn tính, nguy cơ cao diễn tiến ung thư gan và tăng tỷ lệ tử vong.

Tránh thức khuya

Ngoài việc ăn thực phẩm chế biến sẵn và uống rượu bia, những người thức khuya, làm việc ca đêm, hay cáu gắt cũng có khả năng mắc bệnh gan cao hơn thông thường. 

Theo quan điểm của đông y và tây y, thức khuya đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng là thời gian hoạt động sửa chữa gan và túi mật, lúc này tốt nhất nên đi ngủ.

Theo các chuyên gia, vẫn còn thức trong khoảng thời gian này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tự phục hồi của gan.

Những người khó đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc, giấc ngủ không sâu và các rối loạn giấc ngủ khác cũng nên đi khám để được điều trị. Một nghiên cứu trên tạp chí Sleep Medicine năm 2012 cho thấy những người bị rối loạn giấc ngủ có nhiều khả năng bị ung thư gan hơn bình thường.

Ngoài ra, theo đông y, gan cũng liên quan đến cảm xúc. Hạn chế tức giận và giữ tâm trạng lạc quan sẽ giúp nuôi dưỡng gan. Nghiên cứu hiện đại cũng đã xác nhận rằng những cảm xúc như niềm vui, hứng khởi có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa và chống lại bệnh ung thư.

Minh  Nhật

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


chuyên gia   thói quen   thực phẩm   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...