11/04/2021 10:06  
Chiều qua 10.4, truyền thông Hồng Kông đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh sáng nay bắt đầu tiến vào Biển Đông.

Nhiều chiến hạm tập trung

Trước đó, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako từ khuya 3.4 cho đến rạng sáng 4.4. Lực lượng hộ tống tàu này gồm có 2 tàu khu trục Type 052D, 1 tàu khu trục Type 055, 1 tàu hộ tống Type 054A và 1 tàu hỗ trợ Type 901.
Tiếp đến, nhóm tàu chiến này đã di chuyển từ biển Hoa Đông, đi qua eo biển giữa đảo chính của quần đảo Okinawa với đảo Miyakojima, rồi tập trận ở vùng biển gần Đài Loan, và nay tiến vào Biển Đông. Hồi tháng 4.2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng thực hiện hải trình tương tự và tập trận ở Biển Đông.
Động thái trên của hải quân Trung Quốc diễn ra sau khi Lầu Năm Góc ngày 9.4 thông báo vừa điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island phối hợp hoạt động viễn chinh ở Biển Đông.
Hai nhóm này bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71), 2 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 52) và USS Port Royal (CG 73) thuộc lớp Ticonderoga, tàu khu trục USS Russell (DDG 59) thuộc lớp Arleigh Burke, tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island (LHD 8), 2 tàu mẹ vận tải đổ bộ USS Somerset (LPD 25) và USS San Diego (LPD 22) cùng thuộc lớp San Antonio.

Gây sức ép nhiều bên

Trả lời Thanh Niên ngày 10.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: “Lâu nay, Trung Quốc thường điều động nhóm tác chiến tàu sân bay ra khơi trong khoảng thời gian giữa mùa xuân với mùa hè. Nhưng hoạt động lần này có lẽ không đơn giản là hoạt động thường lệ, bởi các lý do sau”.
Lý do đầu tiên mà TS Nagao chỉ ra là nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trận ở vùng biển gần Đài Loan. Điều này được hiểu như một sự răn đe Đài Bắc, bên cạnh hàng loạt biện pháp gây sức ép như điều động chiến đấu cơ xâm nhập vùng trời Đài Loan.
“Bắc Kinh đang muốn gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc đại lục đang bao vây Đài Loan và Mỹ lẫn các nước khác đều không thể hỗ trợ Đài Loan”, ông nhận xét.
Đối với Biển Đông, theo ông Nagao, không chỉ có nhóm tàu Liêu Ninh mà còn có các nhóm tàu chiến của Mỹ cũng đang hoạt động, bao gồm cả tập trận. Vì thế, việc nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông lần này nhằm thể hiện khả năng hoạt động ở vùng biển này, đáp trả lại thông điệp của Mỹ là Biển Đông không chỉ dành riêng cho Trung Quốc.
Lý do thứ ba mà TS Nagao đặt ra là nhiều nguồn tin cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp nhận tàu sân bay thứ 3 trong năm nay. Chính vì thế, nhu cầu tăng cường lực lượng binh sĩ cho tàu sân bay của Bắc Kinh sẽ tăng nhanh. Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh cần điều động các tàu sân bay sẵn có liên tục hoạt động để huấn luyện cho lực lượng nhân sự sẽ được triển khai ở tàu sân bay mới. Tàu Liêu Ninh lần này mang theo nhiều chiến đấu cơ, nên mục đích có thể nhằm đào tạo lực lượng cho tàu sân bay.
Liên quan tới hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc ở Thái Bình Dương, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá Bắc Kinh đang tăng cường hoạt động tàu sân bay bởi đây là một phần trong chiến lược hoạt động của hải quân nước này bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất”.
Dựa trên học thuyết chiến lược 3 chuỗi đảo ở Thái Bình Dương, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines.
Theo ông Schuster, Bắc Kinh đang muốn thể hiện sự tự tin ngày càng tăng cao về khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến tàu sân bay ngoài phạm vi hỗ trợ bằng không quân xuất phát từ các căn cứ trên lục địa. Trong đó, Trung Quốc cũng muốn thể hiện năng lực hoạt động ở Biển Đông nhằm đe dọa các bên.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Nhật Bản   Trung Quốc   chiến lược   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...