01/03/2021 17:15  
Theo đánh giá của một số công ty tư vấn bất động sản, trong năm 2020, bất động sản vẫn là kênh sinh lời và tin rằng thị trường bất động sản sẽ tăng giá vào năm 2021-2022.

Xu hướng đầu tư

Không nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản có nhiều "nốt trầm", tuy nhiên so với hai kênh đầu tư khác là vàng và chứng khoán thì bất động sản vẫn khiến chủ đầu tư yên tâm hơn cả.

Thực tế cũng đã chứng minh, trong suốt năm 2020, mặc dù rất nhiều ngành kinh tế suy giảm nhưng giá bất động sản không hề giảm. Điều này cho thấy, bất động sản vẫn có "sức đề kháng" tốt trước những biến động của thị trường.

Vậy, liệu những điểm sáng của bất động sản trong năm 2020, nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà ở, đất nền có tiếp tục "lên ngôi" trong năm 2021? 

Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Savills Việt Nam, năm 2021 thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới hoàn thành và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn tăng.

"Thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở nói riêng luôn là  sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, nên năm 2021-2022 sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển", ông Khương nhận định.

Chuyên gia phân tích tài chính của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) Nguyễn Duy Phương cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ là bức tranh lẫn lộn màu sắc, có khu vực màu tối, có khu vực màu xám và cũng sẽ có một số khu vực có gam màu sáng rực rỡ.

Cụ thể, những khu vực có tiềm năng phát triển lâu dài sẽ có màu sáng, những khu vực không hội đủ điều kiện phát triển lâu dài sẽ có gam màu xám. Trong đó, khu vực thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư đổ vốn vào.

Dư luận so sánh giá nhà đất trong khu vực thành phố Thủ Đức với khu vực nội thành TP.HCM, từ đó kết luận giá nhà đất khu vực thành phố Thủ Đức "bốc hỏa". Bởi giá bất động sản khu vực đã phát triển ổn định và khu vực đang phát triển bao giờ cũng khác nhau. Tùy vào góc nhìn, người ta có thể chọn cách so sánh: so sánh về hiệu quả đầu tư, so sánh về tính thanh khoản, so sánh về khả năng tăng giá đột biến... Tuy nhiên, ở thành phố Thủ Đức, các chuyên gia bất động sản cho rằng, chỉ khi nào có giao dịch thực sự thì mặt bằng giá (giá được thị trường chấp nhận) mới được thiết lập, bởi hiệu quả đầu tư vào bất động sản giữa các khu vực rất khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Trường Phát Invest nhận định, năm 2021, phân khúc tốt nhất vẫn là đất nền. Đây được xem là nơi trú ẩn dòng tiền an toàn và khả năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là khu vực thành phố mới như Thủ Đức, Phú Quốc và khu vực các tỉnh lân cận khi giao thông được kết nối thuận lợi.

Năm 2021, theo các nhà đầu tư bất động sản lớn, nếu đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, ngành du lịch và hàng không sẽ là những lĩnh vực phát triển nhanh nhất. Điều đó sẽ giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã bị "đè nén" suốt năm qua sẽ "bật dậy" trong năm 2021.

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, tương lai gần, bất động sản nghỉ dưỡng có đà tăng trưởng tốt. Ở thời điểm hiện tại, sau thời gian phát triển nóng và mang tính tự phát cao, phân khúc này có dấu hiệu giảm tốc và bước vào giai đoạn điều chỉnh. Đại dịch Covid-19 là "cú bồi" khiến bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình cảnh trầm lắng nhưng cũng là cơ hội để loại hình này tiếp tục điều chỉnh theo hướng phù hợp với thị trường. Xét về lâu dài, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc tiềm năng. Bất động sản công nghiệp cũng sẽ vươn mình mạnh mẽ trong năm 2021. Đây sẽ là phân khúc thu hút dòng tiền đổ vào. Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng tiền đầu tư do những lợi thế về vị trí, quỹ đất, chính sách và nguồn nhân công. Sự phục hồi và mở rộng kinh tế của doanh nghiệp trong nước khi đại dịch được kiểm soát cũng là một trong những nguồn cầu chính để bất động sản công nghiệp phát triển.

Bên cạnh hai phân khúc đất nền và công nghiệp thì phân khúc nhà ở, đất ở cũng đã tăng giá khá mạnh trong năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021-2022.

Tiền sẽ vẫn chảy vào bất động sản

Tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản, theo thống kê vẫn tăng trưởng trong quý IV/2020. Mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra số liệu dư nợ tín dụng đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần trong từng quý. Cụ thể, trong quý III/2020 tăng 4,3% so với quý II/2020, quý IV/2020 tăng 4,53% so với quý III/2020. Điều này cho thấy tốc độ tăng về dư nợ bất động sản đã ổn định hơn trong quý III và IV/2020.

Bên cạnh hai phân khúc đất nền và công nghiệp thì phân khúc nhà ở, đất ở cũng đã tăng giá khá mạnh trong năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021-2022.

Ngoài nguồn cung vốn chủ yếu là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn thu hút các nguồn vốn khác, như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn như quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngành ngân hàng. Theo đó, từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng.

Bộ Xây dựng đánh giá, so với thời điểm cuối năm 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay lãi suất đã giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây. Điều này được dự báo giúp cho kênh đầu tư bất động sản sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bất động sản   Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tài chính   Việt Nam   Xu hướng   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...