27/12/2021 7:15  
Năm 2021, kinh tế của Việt Nam đối mặt với những thách thức. Tuy vậy, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực thích ứng và có kế hoạch để bứt tốc trong năm tới.

"Nốt thăng" những tháng đầu năm

Trong những tháng đầu năm 2021, Covid-19 hạ nhiệt, chuỗi cung ứng được nối lại. Xuất khẩu có chiều hướng tốt lên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I tăng 4,48%, cao hơn quý I/2020 (3,68%). Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,7% vào mức tăng trưởng chung. Trong thời điểm ấy, các ngành hàng đều có kế hoạch tăng tốc với rất nhiều tín hiệu khả quan.

Tuy vậy, từ giữa tháng 4/2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm mọi kế hoạch kinh doanh đảo lộn. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, gần như mọi hoạt động của DN bị đình trệ. 

Theo đại diện một công ty xuất khẩu tôm ở Cà Mau, việc giãn cách xã hội khiến công ty phải tổ chức sản xuất theo phương án "một cung đường hai địa điểm" và "ba tại chỗ”, chi phí sản xuất từ đó tăng cao. Việc xuất khẩu chỉ cầm chừng để giữ chân khách hàng. Nguyên nhân chính là thiếu nguyên liệu sản xuất do người dân ngại thả nuôi do sợ dịch Covid-19 kéo dài. Giá cước tăng cao, chưa kể việc đặt chỗ trên tàu, hay thuê container cũng rất khó. 

Công ty TNHH Cơ khí Việt Sơn cũng cho hay, dù vẫn duy trì sản xuất nhưng việc thực hiện "ba tại chỗ” khiến chi phí tăng cao. Bình quân mỗi người lao động ở lại làm việc, DN phải chi thêm từ 2-3 triệu đồng/tháng. Đơn hàng tại thời điểm đó giảm đến 70% so với lúc bình thường, chưa kể dòng tiền luân chuyển chậm hơn vì hầu hết đối tác đều gặp khó khăn về tài chính.

Vượt thách thức, đón cơ hội

Dù trải qua một năm đầy biến động nhưng các DN vẫn lạc quan và chuẩn bị kế hoạch bứt tốc. Bà Bùi Tuyết Mai - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Việt Sơn cho biết: "Hiện tại, số lượng đơn hàng đã có khoảng 60-70% so với trước, cho thấy công ty đã đi đúng hướng trong thời gian khó khăn nhất. Trong năm tới, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển. DN FDI vẫn tin tưởng đầu tư vào Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Nhật Bản đã có 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan và DN hai nước, gồm thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá nhiều tỷ USD, trong đó có thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Lạng Sơn trị giá 1,75 tỷ USD; dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD, là dấu hiệu FDI tăng tốc vào Việt Nam rõ ràng nhất.

Bà Mai tiếp: "Trong thời gian giãn cách, nhận thấy cần phải đổi mới để nắm bắt những cơ hội trong năm tới, trong khi tiến trình chuyển đổi tại Việt Sơn chưa thực sự toàn diện nên kế hoạch dài hơi, công ty sẽ sớm số hóa 100% để đón đầu những cơ hội sắp tới".

Không chỉ DN Việt bứt tốc tìm cơ hội mới, các tập đoàn nước ngoài cũng có kế hoạch đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam. Cuối năm 2021, việc Tập đoàn Lego đầu tư 1 tỷ USD mở nhà máy tại Việt Nam đã mở ra triển vọng lạc quan cho kinh tế Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư từ châu Âu, việc Lego đầu tư vào Việt Nam còn tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Giám đốc vận hành Tập đoàn Lego Carsten Ramussen cho biết, nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn. Bên cạnh việc tạo ra 4.000 việc làm khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng tăng.

Để hỗ trợ DN bứt tốc năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông cũng thông tin đã dự thảo chương trình phục hồi doanh nghiệp, với một số giải pháp cụ thể như hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN (giãn, hoãn thời gian nộp thuế), cấp bù lãi suất cho DN trong những nghề bị tác động mạnh bởi Covid-19 và nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển, hỗ trợ DN chuyển đổi số, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là tạo cơ hội phát triển các chuỗi giá trị liên kết mới, hình thành mô hình, ngành nghề kinh doanh mới.

Với các DN nhỏ và vừa, các giải pháp cũng đã cụ thể hóa và tập trung, trong đó tập trung cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ...

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...