03/10/2020 13:55  
Thiếu tướng Tô Ân Xô nói vụ nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai không phải vụ đầu tiên, nhưng cũng không phải là vụ cuối cùng được điều tra tại các viện trên cả nước. Dư luận đặt câu hỏi, còn những viện nào sẽ bị điểm tên?
Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/10, nói về vụ việc nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, đây không phải là vụ đầu tiên, nhưng cũng không phải là vụ cuối cùng được điều tra tại các bệnh viện khác trên cả nước.
Tướng Xô nói rằng, việc mở rộng điều tra vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ căn cứ vào tài liệu thu thập được. Từ vụ án của bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra sẽ phải căn cứ vào lời khai của bị can để tính toán tới việc điều tra mở rộng.
"Diễn tiến vụ án đến đâu chúng tôi sẽ điều tra đến đó. Nếu có những vụ việc tương tự tiếp theo, cơ quan công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra" - ông Xô nói.
Tại cuộc họp báo này, báo chí cũng đặt câu hỏi về tình trạng nhiều bệnh viện (không chỉ Bạch Mai mà còn những bệnh viện lớn đầu ngành khác) đẩy giá thiết bị y tế. Sau khi xảy ra vụ việc ở CDC Hà Nội, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát. Đồng thời hỏi Bộ Y tế về kết quả và kế hoạch tiếp tục rà soát tại bệnh viện công?
Trả lời câu hỏi trên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thừa nhận một thực tế, thông qua xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị. Đồng thời cho biết, Giám đốc các Sở Y tế, người đứng đầu các bệnh viện phải có trách nhiệm khi phê duyệt đề án dịch vụ y tế, công khai đến người dân.
Dư luận đặt câu hỏi, ngoài việc nâng giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh viện nào sẽ bị điểm tên?
Vụ “thổi” giá thiết bị y tế - máy robot Rosa, cơ quan điều tra xác định, thiết bị máy robot hỗ trợ Rosa bị “thổi” giá từ 7,6 tỷ đồng lên đến 39 tỷ đồng. Đáng chú ý, với việc thổi giá thiết bị y tế lên gấp 4 lần như trên, BV Bạch Mai và doanh nghiệp đã thu của bệnh nhân số tiền cao hơn gấp nhiều lần số tiền các bệnh nhân phải trả. Một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ 4 triệu đồng nhưng người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng.
Liên quan vụ án này, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, nguyên PGĐ BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận, kế toán trưởng, trưởng phòng Tài chính kế toán BV Bạch Mai đã bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai không chỉ có robot Rosa bị nâng khống giá, một thiết bị khác là robot Mako sử dụng trong phẫu thuật thay thế khớp gối, khớp háng cũng do doanh nghiệp cung cấp cho bệnh viện bị "thổi giá" với số tiền rất lớn.
Cụ thể, theo hợp đồng, ftổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỷ đồng, do doanh nghiệp đầu tư 100% vốn. Thời hạn liên kết là 7 năm (đến năm 2024), sau khi trừ thuế thu nhập và các chi phí chung thì công ty được chia lợi nhuận 50% và bệnh viện hưởng 50%. Thiết bị này khi nhập về Việt Nam được khai báo hải quan có giá 23,94 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền được nâng lên khi đưa robot Mako vào bệnh viện là 20 tỷ. Từ đó, số tiền mà người bệnh phải trả khi sử dụng dịch vụ này cũng bị nâng lên nhiều lần.
Đáng chú ý, hiện nay, không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh viện đang được thanh tra, kiểm tra vì mua sắm hoặc đầu tư theo diện xã hội hóa thiết bị y tế với giá cao. Riêng với robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh Rosa, hiện còn một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng đang đặt loại thiết bị này và giá cũng tương tự như giá ở Bạch Mai là 39 tỷ đồng. Nhiều bệnh viện cũng có dấu hiệu cho thấy có tình trạng nâng giá gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi so với giá mua vào, nhằm nâng mức thu khấu hao thiết bị trong giá thành, dẫn đến người bệnh phải chi trả quá cao.
Sau khi xảy ra vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 bất ngờ trả hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống - robot Modus V Synaptive do Canada sản xuất cho đơn vị cho thuê. Nguyên nhân được bệnh viện đưa ra là do hoạt động không hiệu quả kinh tế, lỗ.
Theo phương án thuê, hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống, máy mới 100%, thế hệ mới gồm 4 thành phần: hệ thống cánh tay, hệ thống lập trình cuộc phẫu thuật, hệ thống định vị bằng hình ảnh 3D, hệ thống quan sát hình ảnh, trị giá gần 47 tỷ đồng. Ngoài ra là chi phí vận chuyển, nhập khẩu, bảo hiểm trong quá trình nhập khẩu; chi phí lắp đặt hệ thống; chi phí đào tạo… hơn 5,4 tỷ đồng. Chi phí bảo hiểm máy móc, bảo hành, bảo trì trong quá trình vận hành hơn 1,5 tỷ đồng… Tổng chi phí là 54 tỷ đồng cho việc thuê hệ thống robot này.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành điều tra việc Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh có dấu hiệu nâng khống thiết bị y tế từ 2,094 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng.
Bước đầu xác định, từ tháng 8 đến tháng 12/2018, bà Mai Thị Hoa - Giám đốc cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy của Công ty cổ phần The One Việt Nam (địa chỉ TP Hà Nội, người đại diện pháp lý là ông Nguyễn Trung Dũng). Giữa hai bên thống nhất giá 01 bộ máy giặt, máy sấy là hơn 523 triệu đồng (đã tính thuế GTGT). Tổng số tiền mua 4 bộ máy giặt, máy sấy là 2,094 tỷ đồng.
Trong 4 bộ máy, chỉ có bộ máy lắp đặt cho Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà là có hóa đơn, còn các Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn không có hóa đơn. Điều đáng nói, khi máy về đến các đơn vị bệnh viện, số tiền thực mua đã từ 2,094 tỷ đồng đã được nâng lên ... 12 tỷ đồng.
Trước thực trạng, xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019 xây dựng 2 thông tư về giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Hiện đã xây dựng dự thảo thông tư từ quý I, quý II năm 2019.
Tuy nhiên, khi ban hành cũng phải có sự chấp thuận của các bộ, ngành, bên cạnh đó phải phụ thuộc vào giá tiêu dùng, làm sao để không bị ảnh hưởng đến CPI của quốc gia.
“Chúng tôi dự định sẽ ban hành Thông tư này sớm nhất để hướng dẫn các đơn vị có trách nhiệm công khai giá dịch vụ theo yêu cầu, tuân thủ theo khung giá của Bộ Y tế. Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc công khai giá trang thiết bị lên Cổng TTĐT Bộ Y tế, giá thuốc, vật tư y tế cũng vậy, để làm kênh thông tin khi tổ chức mua sắm, xã hội hoá. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai giá dịch vụ lên Cổng TTĐT Bộ Y tế. Chúng tôi dự kiến từ tháng 9/2020, hoàn tất vào 31/12/2020, tất cả các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế như vậy” - ông Sơn nói.

Nguồn: VTV 1

 

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Bệnh viện   Chính phủ   Công an   Hà Nội   Tài chính   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ y tế   kế toán   lập trình   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...