25/01/2021 21:05  
7 ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM CP Bản Việt (VCCB), Á Châu (ACB), Phát triển TP.HCM (HDB), Bảo Việt (BVB), Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Việt Nam Thương tín (Vietbank).
Sự kiện ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất.
Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của 7 ngân hàng đầu tiên vào tháng 5.2019, đến tháng 12.2020 đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành thẻ chip nội địa và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS. Sự kiện ra mắt này trong kế hoạch triển khai tiếp theo của NAPAS và các ngân hàng đối với công tác chuyển đổi và đa dạng hóa sản phẩm thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN và Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành.
Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng phát hành có những đặc điểm: chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày; chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM… Ngoài ra, đây cũng là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Napas, cho biết: “Vai trò của Napas là cung cấp cho ngân hàng, đối tác những giải pháp về phát hành và thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thẻ thanh toán nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thẻ nội địa cung cấp sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi khách hàng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện”.
Phát biểu tại sự kiện, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng đánh giá, việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ mới là dấu mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm thẻ thanh toán, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia. Góp phần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Trao đổi với báo chí tại sự kiện, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết thêm, đối với các giao dịch thanh toán tại đại lý, cửa hàng chấp nhận thẻ, mức phí giao dịch của thẻ chip tín dụng nội địa sẽ ở mức từ 1,1 - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 - 2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng) cũng thấp hơn rất nhiều so với các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (đang áp dụng 4%).

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   NHNN   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...