20/02/2021 12:11  
Tổng thư ký NATO cảnh báo các đồng minh và đối tác phương Tây cần thắt chặt quan hệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề hiện hữu đối với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương với những hậu quả tiềm tàng cho an ninh, thịnh vượng và lối sống của chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich được tổ chức trực tuyến hôm 19/2.

"Đó là lý do NATO cần làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng ta với các đối tác thân cận như Australia và Nhật Bản, đồng thời thiết lập các đối tác mới trên toàn thế giới", ông Stoltenberg nói thêm.

Tổng thư ký NATO cho rằng Trung Quốc và Nga đang tìm cách "viết lại các quy tắc theo hướng mang lại lợi ích cho họ".

Theo Reuters, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang định hình lại các ưu tiên của liên minh NATO. Trước đây, NATO thường tập trung vào mối đe dọa từ Nga, còn bây giờ liên minh này đang tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước phương Tây rằng Trung Quốc không còn là đối tác thương mại "ôn hòa".

Mặc dù Nga vẫn được xem là đối thủ chính của NATO trong thập niên hiện tại, song liên minh này cũng đang cân nhắc đưa Trung Quốc vào tài liệu chiến lược tổng thể mang tên "Khái niệm Chiến lược", nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu với chủ đề về cạnh tranh toàn cầu và Trung Quốc hồi tháng 6 năm ngoái, ông Stoltenberg cũng cho rằng NATO không nên xem nhẹ sự phát triển của Trung Quốc.

"Chúng ta nhận thấy thực tế rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới. Họ đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lực quân sự hiện đại, bao gồm tên lửa có thể vươn tới toàn bộ các nước đồng minh NATO. Họ đang đuổi kịp chúng ta về không gian mạng. Chúng ta nhận thấy sự hiện diện của họ ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của chúng ta. Và họ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Nga", ông Stoltenberg nói.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   chiến lược   hợp tác   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...