22/10/2020 18:20  
Bất chấp sự xuất hiện của Covid-19, dòng vốn rót vào các nền tảng khởi nghiệp tăng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi nhận hàng triệu USD đầu tư, những nền tảng bắt đầu mở rộng thị trường ở khu vực này.

Rót thêm triệu đô để mở rộng thị trường

Theo dữ liệu từ nền tảng DealStreetAsia, trong quý II/2020, giá trị các giao dịch huy động vốn trong khu vực Đông Nam Á đạt 2,7 tỷ USD, tăng 91%, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 59% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực dẫn đầu nhận vốn là thương mại điện tử (huy động được 691 triệu USD), tiếp theo là logistics (360 triệu USD) và fintech (496 triệu USD).

Còn theo số liệu tổng hợp của Cento Ventures (quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore), trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục chảy mạnh vào các công ty công nghệ internet tại Đông Nam Á.

Về tổng thể, báo cáo đánh giá số lượng và tổng vốn đầu tư giảm nhẹ so với cùng kỳ vì sự xuất hiện của Covid-19, tuy nhiên chủ yếu sự sụt giảm là do các thương vụ lớn (quy mô huy động trên 100 triệu USD). Trong khi đó, các thương vụ có quy mô siêu nhỏ cho đến trung bình vẫn tiếp tục “giữ nhịp” thị trường.

Thống kê cho thấy có 6 thương vụ huy động từ 50-100 triệu đô la, với tổng 403 triệu đô la huy động được trong 6 tháng đầu năm. Số thương vụ trong nhóm này chỉ “đếm trên đầu ngón tay” trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vào tháng 7, một thương vụ nổi trội khác được công bố.

Đó là khoản huy động 58 triệu đô từ Temasek (Singapore), Pavilion Capital và Jungle Ventures với vòng gọi vốn Series E của Social Bella, start-up hàng đầu về công nghệ - làm đẹp đến từ Indonesia. Trước đó, vào năm 2019, Social Bella cũng đã nhận khoản đầu tư 40 triệu USD trong vòng Series D từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là East Ventures Growth (Singapore) cùng với Temasek.

Người dùng Việt Nam thường biết đến các startup của Indonesia với “kỳ lân” Gojek (ứng dụng gọi xe) hay Tokopedia (thương mại điện tử), hay phổ biến hơn là Traveloka, nhưng lại khá xa lạ với một nền tảng hàng đầu về làm đẹp tại Indonesia, được tạp chí Forbes trao giải Disruptor Award - giải thưởng danh giá dành cho các Start-ups trong “Giai đoạn Tăng trưởng có Tiềm năng nhất Indonesia” vào năm ngoái.

Khởi nghiệp vào năm 2015, từ một nền tảng thương mại điện tử uy tín trong việc cung cấp các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân chính hãng, đa dạng với giá cả phải chăng, Social Bella đã phát triển nhanh chóng và vươn lên trở thành hệ sinh thái toàn diện.

Tính đến nay, hệ sinh thái bao gồm 5 đơn vị kinh doanh khác nhau là SOCO, Beauty Journal, Sociolla, Lilla by Sociolla và Brand Development, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng với trải nghiệm được cá nhân hóa và tối ưu hóa trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân, một thị trường không ngừng phát triển.

Làn gió mới cho thị trường Việt

Sau những thành công ở thị trường bản xứ, các startup Đông Nam Á thường đặt ra tham vọng “mang chuông đi đánh xứ người”, đặc biệt là sau khi được “tiếp sức” với dòng vốn triệu đô. Việt Nam được xem là một điểm đến quan trọng với quy mô nền kinh tế số vào năm ngoái ước tính có thể lên đến 12 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng bứt phá đứng thứ hai, chỉ sau Indonesia, theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á của Google và Temasek và Bain vào cuối năm ngoái.

Điển hình là câu chuyện của ứng dụng gọi xe Gojek mới đây “thay chân” GoViet, tiếp tục “cuộc chiến” với ông lớn khác là Grab. Còn vào giữa tháng 10 vừa qua, Social Bella chính thức có mặt tại Việt Nam, mở đầu bằng nền tảng thương mại điện tử Sociolla, cung cấp hàng nghìn sản phẩm chính hãng chất lượng cao.

“Là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại Đông Nam Á với dân số trẻ và yêu thích công nghệ, Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với Indonesia. Chúng tôi tin rằng Việt Nam là lựa chọn đúng đắn trong chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế lần đầu tiên của Social Bella”, ông Christopher Madiam, Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Social Bella, mới đây chia sẻ.

Sociolla dự kiến mang đến làn gió mới cho thị trường mỹ phẩm Việt Nam khi cam kết cung cấp 100% sản phẩm chính hãng và được đăng ký với Bộ Y tế. Toàn bộ thông tin về số đăng ký của sản phẩm được công bố minh bạch trên nền tảng thương mại điện tử Sociolla.

Từ trước đến nay, sự minh bạch là một vấn đề của thị trường mỹ phẩm. Nhiều loại sản phẩm bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chỉ gây bất tiện và rủi ro cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín thương hiệu và quản lý giám sát thị trường của các cơ quan chức năng.

Tại Indonesia, vào thời điểm nền tảng thương mại điện tử Sociolla, một trong năm đơn vị kinh doanh thuộc Social Bella ra mắt, trên thị trường không có nhiều sản phẩm làm đẹp đến từ các nhà phân phối được ủy quyền.

Social Bella giải quyết bài toán thị trường bằng cách làm việc trực tiếp với các nhà phân phối được ủy quyền và chủ sở hữu thương hiệu, đảm bảo chỉ có hàng chính hãng, có chứng nhận của Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đến tay người dùng.

Tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn được sản xuất và phân phối ngày càng tinh vi, đặc biệt là từ khâu nhập khẩu nước ngoài và phân phối qua các trang bán hàng trực tuyến, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị định số 98 của Chính phủ ban hành tháng 8/2020, về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 15/10. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và mạnh mẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết các vi phạm trên.

Do đó, thị trường chăm sóc cá nhân và làm đẹp của thị trường tiềm năng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể nhờ những quy định pháp lý mới và sự tham gia của những nền tảng như Social Bella.

Trường Thịnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Khởi nghiệp   Nghị định   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   logistics   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...