28/02/2021 8:35  

Chính quyền Mỹ gần đây đã chấp thuận cho Boeing xuất khẩu các máy bay chiến đấu F-15EX cho Không quân Ấn Độ. Vậy khả năng của F-15EX là gì? Ưu điểm hơn các máy bay chiến đấu khác ra sao? Liệu Ấn Độ có mua nó? Tiêm kích F-15EX là phiên bản được phát triển từ chiến đấu cơ F-15, đây là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hạng nặng, hai động cơ hoạt động trong mọi thời tiết do MacDonald Douglas của Mỹ (hiện thuộc sở hữu của Boeing) thiết kế. F-15 được McDonald Douglas bắt đầu phát triển vào những năm 1960, được Không quân Mỹ lựa chọn vào năm 1967; chiến đấu cơ F-15 với tên mã Eagle, bay thử lần đầu vào tháng 7/1972 và đưa vào biên chế năm 1976. F-15 là một trong những máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, thành công nhất thời hiện đại; đã bắn hạ hơn 100 máy bay địch trong các trận không chiến, mà không để xảy ra bất kỳ tổn thất nào. Phần lớn thành tích của nó là thuộc về Không quân Israel. F-15 đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, như Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia. F-15 ban đầu được thiết kế như một máy bay chiếm ưu thế trên không thuần túy, vào cuối thập niên 1980, phiên bản tấn công mặt đất F-15E được phát triển. Đến nay, đã có tổng cộng hơn 1.700 chiếc F-15 ở tất cả các phiên bản được chế tạo. F-15 có chiều dài 19,43 mét, cao 5,64 mét, sải cánh 13,06 mét; là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nên F-15 có khả năng cơ động cao. Tốc độ tối đa của F-15 là 2,5 Mach (2.655 km/h); bán kính hoạt động: 1.965 km; trần bay: 20.000 mét, tốc độ leo: 250 m/s, khả năng quá tải đến 9G. Vào năm 2018, Không quân Mỹ và công ty Boeing đã thảo luận về phiên bản cải tiến của F-15EX, đây là phiên bản mới nhất của F-15, được trang bị hệ thống vũ khí và điện tử hàng không hiện đại, được thiết kế để thay thế số máy bay chiến đấu F-15C/D, đã gần hết niên hạn sử dụng của Không quân Mỹ. Sau khi sớm chấm dứt sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-22, sự "già hóa" của phi đội F-15C và tiến độ sản xuất F-35 quá chậm, Không quân Mỹ đã chọn F-15EX, để duy trì số lượng máy bay chiến đấu của mình. Tuy nhiên, F-15EX được cho là sẽ "khó tồn tại" dưới hệ thống phòng không hiện đại; nhưng F-15EX có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không nội địa và thực hiện các cuộc tấn công vào các khu vực không có hệ thống phòng không của đối phương, hoặc các hệ thống phòng không này yếu kém. Những cải tiến chính của F-15EX bao gồm khả năng mang tới 22 tên lửa không đối không, bổ sung hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), thay thế các thiết bị điện tử và điện tử hàng không tiên tiến, radar mảng pha quét điện tử chủ động và nâng cấp hệ thống khung thân bằng những vật liệu mới. Không quân Mỹ có kế hoạch mua 144 chiếc F-15EX. Vào tháng 8/2020, Không quân Mỹ đã công bố kế hoạch sử dụng F-15EX để thay thế số F-15C của Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Florida và Oregon. F-15EX đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào ngày 2/2/2021 vừa qua. Đối với Không quân Ấn Độ, hiện đã trang bị một số lượng lớn máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKI và loại chiến đấu cơ này, hiện là xương sống của Không quân Ấn Độ. Tiêm kích Su-30MKI được đánh giá là loại máy bay chiến đấu cơ động hơn; các tính năng khác tương đương F-15EX. Ngoài ra, dự án MMRCA 2.0 đang được Không quân Ấn Độ đấu thầu là loại máy bay chiến đấu hạng trung/hạng nhẹ, chứ không phải hạng nặng. Không quân Ấn Độ trước đây chưa từng trang bị chiến đấu cơ của Mỹ, nên một khi được trang bị F-15EX, sẽ là cơn ác mộng về công tác đảm bảo hậu cần. Nếu Ấn Độ chọn F/A-18E/F Block III (cũng của Boeing) có khi phù hợp hơn hơn F-15EX. F/A-18E/F có một số điểm chung với các máy bay chiến đấu khác của Ấn Độ, cùng sử dụng động cơ F414. Hiện nay động cơ F414, được chấp nhận lắp trên chiến đấu cơ Tejas do Ấn Độ tự phát triển. Vì vậy việc Ấn Độ lựa chọn F/A18E/F sẽ giúp giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng cho Không quân Ấn Độ. Quan trọng hơn, F/A18E/F cũng có thể đáp ứng nhu cầu của Hải quân Ấn Độ về máy bay chiến đấu đa chức năng trên tàu sân bay. Nguồn ảnh: Pinterest. Chiến đấu cơ Su-30MKI của Ấn Độ trình diễn khả năng bay lượn cực khủng.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Florida   Nhật Bản   Tiêm kích   sân bay   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...