27/11/2020 10:45  

“Vận chuyển vaccine đầy thách thức, đặc biệt là đối với vaccine cần lưu trữ ở nhiệt độ cực thấp”, theo lời nhận xét của nhà nghiên cứu cấp cao Amesh Adalja từ Trung tâm an ninh y tế thuộc Đại học Johns Hopkins.

Mỹ công bố có thể phân phối vaccine của hãng Pfizer và BioNTech từ sau ngày 10-12 sau khi vaccine được cơ quan quản lý dược FDA chuẩn thuận. EU, Ấn Độ, Úc và nhiều nước khác đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc vận chuyển và phân phối vaccine từ tháng tới cho đến tháng 3-2021.

Schiphol đã sẵn sàng

Sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan là sân bay đầu tiên trên thế giới sẵn sàng cho thứ thách mới. Trong những kho lạnh ở Schiphol, công nhân hãng bay KLM đang chuẩn bị cho những lô hàng vaccine ngừa Covid-19 sẽ được chuyển đi khắp thế giới ở nhiệt độ cực thấp.

Là một cảng tập trung chính yếu cho các mặt hàng dược phẩm, trước đây Schiphol đã từng vận chuyển các lô hàng vaccine thử nghiệm. Vị CEO của KLM tự tin nói rằng các dây chuyền trữ lạnh của hãng bay có thể đáp ứng với lô hàng vaccine dồn dập khi việc tiêm chủng đại trà bắt đầu.

“Vâng, chúng tôi đã sẵn sàng. Chắc chắn là đối với các nước và ngành công nghiệp hàng không, điều này có ý nghĩa quan trọng to lớn nếu vaccine được phân phối với tốc độ nhanh nhất mà chúng tôi có thể”, CEO KLM Pieter Elbers nói với hãng tin Reuters.

Chưa có loại vaccine ngừa Covid-19 nào được các cơ quan quản lý Mỹ hay châu Âu chuẩn thuận. Tuy vậy, các vaccine ứng viên do Pfizer và BioNTech được phát triển sớm nhất và có thể đưa vào sản xuất và phân phối nhanh chóng từ tháng 12 tới.

Nhưng các vaccine này cần được lưu trữ và vận chuyển ở nhiệt độ -70oC trong khi vaccine của Moderna có thể lưu trữ ở -20oC ít nhất cho tới khi đến điểm y tế tiếp nhận và có thể không bị hư hại khi lưu trữ trong tủ lạnh bình thường trong thời gian ngắn.

Trong các container lạnh chạy bằng điện ở sân bay Schiphol, nhân viên của hãng Air France – KLM đeo găng tay xanh, đang chất đá khô vào container. Các bộ cảm ứng trong container bảo đảm nhiệt độ luôn cố định ở mức thấp -20oC.

“Chắc chắn, Schiphol sẽ là một trong những sân bay chính toàn cầu vận chuyển vaccine ngừa Covid. Thị phần vận chuyển vật phẩm y tế trên các tuyến bay của chúng tôi từ 10-20%. Vì thế, chúng tôi hy vọng ít nhất là có được tỉ lệ đó trong phân phối vacine Covid”, theo lời Marcel Kuijn, người phụ trách vận chuyển hàng y tế toàn cầu của hãng Air France – KLM.

Vaccine của Pfizer được vận chuyển ở -80oC trong các hộp lạnh nhỏ có sức chứa khoảng 5.000 liều tiêm. Các hộp này cần phải được vùi trong đá khô cho đến khi sử dụng. Vaccine ứng viên của Moderna thích hợp vận chuyển trong các thùng lớn hơn có sức chứa đến 30.000 liều. Vaccine do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phối hợp sản xuất có thể trữ ở nhiệt độ 2-8oC, vì thế có thể vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Ông Kuijn ước đoán rằng trong khi vaccine được vận chuyển phần lớn bằng xe đông lạnh, ít nhất 30% sẽ được vận chuyển theo đường hàng không. Schiphol là sân bay trung tâm lớn thứ hai sau Frankfurt, Đức trong vận chuyển vật phẩm y tế. Vì thế, Schiphol sẽ là nơi tập trung cho các loại vaccine từ Ấn Độ, Ý hoặc Mỹ, và sẽ là nơi xuất phát cho các loại vaccine do châu Âu sản xuất.

Các loại vaccine khác do Trung Quốc sản xuất có thể ổn định trong điều kiện tủ lạnh thường. Ông Kuijn cho rằng chỉ có rất ít vaccine ngừa Covid được vận chuyển trong tủ đông.

Air France - KLM bay 537 chuyến mỗi tuần đến khoảng 100 điểm ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Hãng bay Pháp - Hà Lan này sẽ là hãng hàng không chính đến các nước nước châu Phi do mạng bay phủ rộng khắp của hãng.

Tình trạng tắc nghẽn ở Schiphol, theo Kuijn, là khó có thể xảy ra. Trong khi tình trạng thiếu container rỗng đang rất trầm trọng dịp cuối năm, ông nói rằng điều này khó xảy ra trong vận chuyển vaccine bởi các loại vaccine sẽ được xuất xưởng vào các thời điểm khác nhau.

“Các lô vaccine đầu tiên có thể vào đầu tháng 12, tháng 1 năm tới. Và sau đó thì các loại vaccine mới sẽ được cải thiện”, Kuijn nói. Bộ phận hàng hóa của KLM có bốn khu trữ lạnh cho vật phẩm y tế ở Schiphol và khu trữ thứ năm sẽ sẵn sàng vào tháng 1-2021.

“Các container lớn có thể chứa đến 30.000 liều”, theo Paul Crombach, giám đốc chương trình trữ lạnh và cũng là trưởng nhóm phụ trách vận chuyển vaccine của KLM. “Chúng tôi biết rằng lượng vaccine vận chuyển là rất lớn. Nhưng chúng tôi đủ khả năng vận hành”, Crombach nói và chỉ về nhà kho khổng lồ phía sau mình với các dây chuyền và cánh tay robot lớn.

Chiến dịch logistics lớn nhất trong lịch sử

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước đoán: Nếu 50% dân số toàn cầu chích hai liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi người trong năm tới, thì số máy bay cần thiết để vận chuyển vaccine là 8.700 chiếc nếu khả năng mỗi chiếc Boeing 747 là một triệu liều.

IATA cũng nói rằng vận chuyển vaccine và các bộ xét nghiệm có thể giúp ngành hàng không đạt được 50% mức độ của trước dịch. Ngành hàng không dự kiến lỗ đến 118 tỉ đô la trong năm nay, nhưng mức lỗ sẽ giảm xuống còn 38 tỉ đô la trong năm tới. Tình hình tài chính của các hãng hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cải thiện trước tiên, sau đó là các hãng ở các nước tiên tiến.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng vận chuyển vaccine bằng đường không sẽ bắt đầu nhộn nhịp từ tháng tới và lên dần điểm đỉnh. Và khi mức độ tiêm chủng ngày một tăng, lượng khách sẽ nhanh chóng tăng theo trên các đường bay nội địa và lấn sang các đường bay quốc tế khi các nước ngừng phong tỏa và mở cửa biên giới.

Các nhà phân tích khoảng sáu tháng sau khi các liều vaccine đầu tiên được tiêm chủng đại trà, hành khách sẽ tự tin hơn và mức độ khôi phục niềm tin sẽ như trước dịch.

Frankfurt sẽ là trung tâm vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới. Hãng bay Lufthansa đã chuẩn bị cho công việc kinh doanh mới, mà họ cũng gọi là một sứ mệnh. Cũng như các hãng hàng không khác, Lufthansa đã bung ghế một số máy bay chở khách để chuyển sang vận tải hàng hóa, trong đó có cả việc trù bị cho chuyên chở vaccine Covid.

Vận chuyển vaccine là chiến dịch logistics lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. “Điều này báo hiệu điểm bước ngoặc thay đổi mà ngành hàng không chúng tôi chờ đợi từ lâu. Chúng tôi đã sẵn sàng và tự hào với công việc mới”, CEO Lufthansa Carsten Spohr phát biểu với hãng tin AA. Ông đồng thời kiêm chức Chủ tịch IATA.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


CEO   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Reuters   Trung Quốc   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...