11/04/2021 11:46  

SGTOSuperTitle"> Sửa Thông tư 01

Có thể nói, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam cách đây hơn một năm, một trong những giải pháp vĩ mô được đánh giá là kịp thời và hiệu quả trong việc hỗ trợ nền kinh tế chính là việc NHNN ban hành Thông tư 01/2020 quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh (có hiệu lực từ ngày 13-3-2020).

Nhờ đó, đã có hàng vạn doanh nghiệp trên cả nước được giãn nợ theo Thông tư 01, thời gian trả nợ được kéo dài, áp lực nợ giảm. Cùng với đó là lãi suất, các loại phí giao dịch cũng được giảm, góp phần hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cụ thể, tính đến ngày 22-2-2021, đã có khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ trên 366.000 tỉ đồng được giãn, hoãn trả nợ. Hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng được miễn, giảm lãi suất. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5 điểm phần trăm/năm so với trước dịch.

Theo quy định, Thông tư 01 chỉ có hiệu lực trong vòng một năm, tức là đến ngày 13-3-2021 vừa qua đã hết thời hạn áp dụng. Tuy vậy, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn mong ngóng được tiếp tục hỗ trợ tín dụng để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp.

Và cuối tuần vừa qua, sau nhiều chờ đợi của các NHTM cũng như cộng đồng doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01. Theo đó, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng sẽ được gia hạn đến hết ngày 31-12-2021.

Về miễn, giảm lãi suất và phí, trong Thông tư 03, NHNN cũng yêu cầu TCTD quyết định theo quy định nội bộ việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng đến hết năm nay.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản vay khi đáp ứng đủ tám điều kiện như: dư nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021; TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng vay do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại...

Về trích lập dự phòng rủi ro, theo hướng dẫn, TCTD thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể, tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến thời điểm 31-12-2021; tối thiểu 60% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến thời điểm 31-12-2022 và 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến thời điểm 31-12-2023. Từ ngày 1-1-2024, TCTD sẽ quay trở lại phân loại, trích lập toàn bộ dư nợ theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ

Việc NHNN cho phép kéo dài thời hạn cơ cấu nợ cũng như trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ quá hạn sẽ tạo ra “tấm đệm”, giúp lợi nhuận của các NHTM không bị ảnh hưởng quá mạnh trong năm 2021. Thay vì tăng vọt trong một năm, chi phí trích lập dự phòng sẽ được san đều ra ba năm, tạo cơ hội cho các ngân hàng củng cố nguồn lực để hấp thụ hết lượng nợ xấu tăng mạnh thêm (nếu có).

Bên cạnh việc chi phí dự phòng không tăng nhiều, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay còn được hỗ trợ bởi kinh tế phục hồi khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào - đầu ra vẫn duy trì ở mức cao... Điều này mang đến triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm nay.

Cũng có lẽ bởi nguyên nhân trên mà nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nắm giữ, bất chấp họ liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong ba tháng qua. Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 16.000 tỉ đồng.

Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% tổng số cổ phiếu. Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% vào đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên sàn HOSE liên tục giảm cho đến nay.

Trong số các quỹ ngoại đang nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng có nhiều cái tên nổi bật. Điển hình như PYN Elite, quỹ Phần Lan hiện đang quản lý khối tài sản ròng trị giá 471 triệu đô la Mỹ đang rót hơn 30% tỷ trọng danh mục vào nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm CTG, HDB, TPB và MBB. Chưa kể, PYN Elite còn nắm giữ các chứng chỉ quỹ theo dõi chỉ số VNDIAMOND (chiếm 9,5% danh mục đầu tư), trong đó có một vài cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn. PYN Elite cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quí 1 năm nay có thể đạt mức 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Vietnam Holdings, quỹ tiếp tục được hưởng lợi từ việc nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phiếu ngân hàng, bao gồm CTG, VPB, MBB. Theo đó, Vietnam Holdings đánh giá triển vọng ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Với quỹ VOF của VinaCapital, tỷ trọng nhóm ngân hàng chiếm hơn 17% với sự góp mặt của ACB, OCB và EIB.

Với quỹ có quy mô lớn nhất trên thị trường hiện nay là quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng trên 34% với bốn mã cổ phiếu: ACB, VCB, VPB và TCB. 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HOSE   NHNN   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...