28/11/2020 17:15  
Chuyển đổi số không phải thứ gì cao siêu, nó bắt đầu từ chính nhu cầu quản trị của doanh nghiệp với mong muốn tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả. Đó là đánh giá chung của doanh nghiệp về quá trình chuyển đổi số khi tham gia chương trình Café Doanh nhân HUBA sáng ngày 28/11/2020.

Giáo sư Hồ Tú Bảo chia sẻ, chuyển đổi số là vấn đề cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), nhưng nó không phải là chuyện quá cao siêu. Chuyển đổi số đơn giản là chuyển hoạt động của các cơ quan chính quyền, kinh tế và xã hội lên môi trường số. Theo ông, lãnh đạo phải là người dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp. “Lãnh đạo phải tự lên kế hoạch chuyển đổi, chứ không phải đối tác. Có như vậy mới sát thực tế và thể hiện được quyết tâm thay đổi của mình”, Giáo sư Bảo nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lâm Thúy Ái – Chủ tịch HĐTV Mebi Group cho rằng, chuyển đổi số chỉ là một câu chuyện để kể của doanh nghiệp. Cái chính là thay đổi tư duy và cách làm việc của lãnh đạo doanh nghiệp đó. Do có hoạt động sản xuất phức tạp, Mebi Group đã chủ động chuyển đổi số được hơn hai năm qua. “Tính tôi thích đi du lịch nên muốn công việc phải được xử lý nhanh và thuận tiện. Hiện giờ dù đi đâu xa tôi vẫn có thể duyệt kế hoạch marketing hay ký ủy nhiệm chi để giao dịch với ngân hàng được”, bà chia sẻ.

Hoạt động trong lĩnh vực thú y, Mebi Group hiện có hơn 600 sản phẩm với hơn 3.000 quy cách sản xuất. Có những sản phẩm cần đến 10-70 loại nguyên liệu khác nhau. Vì vậy, việc quản lý là không dễ dàng. Bà Ái muốn chuyển đổi số để dễ quản lý hơn, nhưng khi bắt đầu vẫn gặp cái khó khác. Chọn đơn vị cung cấp phần mềm đã khó rồi, đến lúc chọn ngân sách và phương án thực hiện càng khó hơn.

Nguyên nhân là trong hội đồng quản trị có người đồng tình, có người sợ cái này cái kia. Cuối cùng, Mebi Group thống nhất chuyển đổi từng công đoạn thành các mô-đun riêng, rồi sau đó ghép lại. Sau hơn hai năm triển khai, đến giờ có khoảng 90% hoạt động của Mebi Group được bà Ái quản lý qua hình thức trực tuyến. Dù vậy, đánh giá về hiệu quả chuyển đổi, bà chỉ cho rằng mới đạt 50-60% hiệu quả mong muốn. “Công cuộc chuyển đổi còn dài, mỗi lần làm là mỗi lần phải học cái mới”, chủ tịch Mebi Group bộc bạch.

Tại Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, Tổng giám đốc Vũ Ngọc Tuấn cho biết, việc chuyển đổi số có phần dễ dàng hơn. Là khu vui chơi giải trí lớn ở TP.HCM, Đầm Sen thường gặp cảnh quá tải trong khâu bán và kiểm soát vé vào các dịp cao điểm. “Vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ, chỉ trong khoảng 8h sáng đến 11h trưa, Đầm Sen có khi đón hơn 10.000 khách đi qua cái cổng nhỏ xíu. Nhân viên và lãnh đạo đều rất đau đầu”, ông Tuấn kể.

Cũng có đơn vị tư vấn cho Đầm Sen dùng thẻ từ. Nhưng phương án này vừa tốn kém vừa chậm. Sau thời gian dài tìm kiếm giải pháp, đến đầu năm 2020, bài toán này đã được giải. Cổ đông lớn của Đầm Sen là Ngân hàng Việt Á hợp tác với đơn vị tư vấn triển khai giải pháp bán và kiểm soát vé trên nền tảng đám mây. Khâu bán và kiểm soát vé trước đây có cả chục nhân viên giờ chỉ còn vài nhân viên cầm hai máy tính bảng kiểm tra mỗi ngày. Hiện giờ, vào các ngày cuối tuần, có khoảng 15.000 khách đi vào trong vòng ba tiếng nhưng nhân viên vẫn rất nhàn nhã. Theo ông Tuấn, sắp tới Đầm Sen sẽ nâng cấp quá trình kiểm soát vé bằng quản lý qua con chip. Mỗi khách khi vào Đầm Sen chỉ cần đeo một con chip, sau khi vui chơi thoải mái, khách chỉ cần thanh toán khi ra về mà không cần mua vé.

Tập đoàn Napoli Coffee cũng chuyển đổi số theo hướng của Đầm Sen. Ông Nguyễn Đức Hưng – CEO của chuỗi café nhượng quyền hơn 2.000 quán trên cả nước cho biết, quy trình khách vào quán chọn món và thanh toán theo kiểu cũ rất phí phạm thời gian và tiền bạc. Do đó, hơn một năm trước, ông quyết định chuyển quy trình này thành tự động.

“Khách vào quán chọn món bằng cách chụp hình bằng điện thoại của mình, hệ thống truyền tải điện tử của quán sẽ tự động chuyển đến quầy pha chế. Khi thanh toán, khách có thể trả tiền mặt hoặc qua ví điện tử. Hoạt động giao hàng cũng được thực hiện nhanh hơn nhờ chức năng trợ lý ảo trên hệ thống”, ông Hưng chia sẻ. Quá trình chuyển đổi này giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, vì doanh nghiệp chỉ lo phần biến phí, còn định phí đã có đơn vị tư vấn đầu tư sẵn.

Dù đã có nhiều trường hợp chuyển đổi số thành công, nhưng vẫn còn một nỗi lo chung ở doanh nghiệp là vấn đề bảo mật. Vì khi đưa dữ liệu lên hệ thống máy tính, nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu trở nên hiển hiện. Theo ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu đánh giá, không hệ thống nào đảm bảo an toàn 100%. Do đó, doanh nghiệp cần tìm doanh nghiệp uy tín và hạ tầng tốt để hợp tác.

“Khả năng mất cắp dữ liệu từ bên ngoài không quan trọng bằng rủi ro mất dữ liệu từ bên trong. Song song với quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình làm việc chặt chẽ để tránh bị thất thoát dữ liệu nội bộ”, ông Tuấn khuyến cáo.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) đánh giá, chuyển đổi số là quá trình dài và không dễ dàng. Huba đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM chuyển đổi số với chi phí thấp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đồng thời, ông kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để sớm thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới và ngày càng phát triển.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Công nghệ   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Lãnh đạo   Ngân hàng   Tập đoàn   doanh nghiệp   du lịch   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...