23/02/2021 10:40  
Đó là tâm sự của một nhà đầu tư trong bối cảnh muốn bán không bán được, muốn mua chẳng xong, cứ cao điểm là hệ thống lại “rút phích điện” khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép thời gian gần đây. Nhà đầu tư cần có nơi (là Ủy ban Chứng khoán, là HOSE và cao hơn là Bộ Tài chính), có người chịu trách nhiệm (là người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán, đứng đầu HOSE) cho thực tế nhiều bức xúc này, chứ không phải liên miên những lời xin lỗi.

* Cần có nơi và có người chịu trách nhiệm với thiệt hại của nhà đầu tư

Báo Kinh tế và Đô thị trân trọng giới thiệu bài viết của nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán (TTCK) Nguyễn Bích Ngọc khi hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt đơn, thiệt hại kép gần đây.

Cao điểm lại “rút phích điện”

Chưa khi nào TTCK lại liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ thường xuyên như thời gian gần đây. Hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ trước Tết Nguyên đán và sau Tết, từ sàn HOSE qua sàn HNX, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng. Hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và bắt buộc phải “sống chung với lỗi” một cách đầy bức xúc. Thuật ngữ “lại rút phích điện” trở thành đề tài nóng trên khắp các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19/2, tôi và nhiều nhà đầu tư khác lệnh đặt mua từ 13 giờ 02 nhưng tới 14 giờ 48 hệ thống mới chậm chạp báo “hết hạn”- khi chưa hết giờ phiên giao dịch. Các lệnh đặt mua sau 13 giờ 30 hoặc 14 giờ thường xuyên trong 1 tháng nay báo tình trạng “chờ” vì nghẽn, lệnh không đẩy lên sàn được.

Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán có những phiên giao dịch xảy ra tình trạng có mã đang trần, tự nhiên có lệnh đẩy ra bán sàn và ngược lại, khiến thị trường lũng loạn như một canh bạc do giá thay đổi bất ngờ, các quyết định khi đặt lệnh mua/bán sau 13 giờ 30 là hệ thống đơ nghẽn không thể đẩy lên sàn, cảm nhận rõ sự thiếu minh bạch và công bằng trên thị trường.

Tình trạng nghẽn lệnh không chỉ trước Tết Nguyên đán, mà sau Tết cũng lặp lại thường xuyên, bất chấp những lời giải thích, biện minh của những nhà quản lý. Những lời biện minh thiếu một giải pháp rõ ràng không làm nguôi ngoai nỗi bức xúc của nhà đầu tư, trái lại càng khiến chúng tôi thêm bức xúc vì sự thiếu trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Ủy ban Chứng khoán, của các sàn HOSE hay HNX.

Hiện tại, không còn cách nào khác, nhà đầu tư phải chấp nhận sống chung với hệ thống lỗi, phải chịu mọi rủi ro khi giao dịch muốn bán mà không thể bán, khi muốn mua nhưng lệnh nghẽn và thường xuyên nhận những lời xin lỗi, thông cảm từ các công ty chứng khoán một cách bất khả kháng.

Một thị trường thiếu minh bạch

Câu chuyện TTCK Việt Nam có một năm 2020 đầy khởi sắc, số tài khoản mở mới tăng kỷ lục, thanh khoản tăng vọt. TTCK chứng kiến có những phiên giao dịch tới gần 1 tỷ USD là những tín hiệu tốt khi dòng tiền mạnh mẽ đổ vào chứng khoán. Tỷ lệ nghịch với những kết quả và chỉ số khởi sắc trên, hơn 1 tháng nay thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt các phiên giao dịch nghẽn lệnh trên sàn HOSE khiến các quyết định mua/bán của nhà đầu tư bị thiệt hại, gây bức xúc.

Thiệt hại của nhà đầu tư cần có nơi chịu trách nhiệm khi người dân tham gia đầu tư chứng khoán hiện đang đóng góp rất nhiều loại thuế cho ngân sách, từ mức thuế 5% khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thêm thuế 0,1% khi thực hiện giao dịch bán chịu trên giá trị chứng khoán. Việc nghẽn lệnh đã diễn ra thường xuyên như giọt nước tràn ly khiến tôi và bạn bè tôi, những nhà đầu tư lâu năm đến những nhà đầu tư mới tham gia thị trường mất niềm tin vào sự minh bạch, công bằng của thị trường chứng khoán.

Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận “năng lực hệ thống giao dịch sàn HOSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán”. Trách nhiệm của người quản lý không tính toán, lường trước được sự tăng đột biến của hệ thống, không có các giải pháp tối ưu, không có kế hoạch dự phòng thì có nên chăng cần xem xét lại năng lực.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


HOSE   Kinh tế   Tài chính   Việt Nam   diễn đàn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...