13/02/2021 19:15  
Việt Nam chỉ thật sự có nền kinh doanh theo lề luật và có tầng lớp doanh nhân trưởng thành từ thời kỳ bước đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bắt đầu từ sự kiện gia nhập khối ASEAN, tham gia APEC, WTO, ký kết các hiệp định thương mại tự do những năm gần đây. 

Sau khi chiếm được nước ta, nhằm mục tiêu khai thác thuộc địa, biến Việt Nam thành vùng cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm của nước Pháp, chính quyền thực dân đẩy mạnh những ngành công nghiệp thu lợi nhanh như khai thác than và quặng, vật liệu xây dựng, điện, nước, chế biến nông lâm sản; phát triển mạng lưới giao thông để vơ vét tài nguyên và đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Chúng khai thác, xuất về Pháp nguyên liệu thô của Việt Nam với giá rẻ và nhập khẩu thành phẩm từ chính quốc với giá đắt để thu lợi tối đa, bóp chết các ngành thủ công nghiệp Việt Nam. Về thương mại, một mặt nhà cầm quyền Pháp nắm độc quyền trong lĩnh vực này, một mặt ưu đãi thương nhân Hoa kiều để tiếp tay cho chúng trong việc lũng đoạn thị trường. Do các chính sách đó mà tầng lớp doanh nhân người Việt hoàn toàn thất thế. 

Nhưng cũng do các chính sách ấy cùng với hệ lụy của nó mà vào đầu thế kỷ XX, học hỏi nước Nhật, các trí thức yêu nước Việt Nam đã phát động phong trào Duy Tân - Đông Du (1905-1908) trên cả nước và phong trào Minh Tân (1907-1908) ở Nam Kỳ. Về kinh tế, các phong trào này khuyến khích hội viên xúc tiến kinh doanh để thực hành tư tưởng chấn hưng thực nghiệp, chuyển đất nước sang quỹ đạo hội nhập với văn hóa phương Tây. Để cổ súy phong trào, các tác phẩm Quốc dân độc bảncủa Đông Kinh Nghĩa Thục, Nam Quốc địa dư của Lương Trúc Đàm, Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền, Kim cổ cách ngônThương học phương châm của Lương Văn Can được phát hành. Các tác phẩm ấy đã thể hiện đầy đủ chủ thuyết Duy Tân: kinh doanh giúp hồi sinh nền kinh tế kiệt quệ và què quặt của Việt Nam, giúp xây dựng nội lực kinh tế cho cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, tiến tới dân giàu nước mạnh. Trong chủ thuyết ấy, doanh nhân Việt Nam đã được tôn trọng và được các nhà ái quốc đặt nhiều kỳ vọng.

Tuy vậy, do các chính sách kinh tế của thực dân, doanh nhân người Việt vẫn là kẻ cạnh tranh yếu thế so với doanh nhân người Pháp, người Hoa. Sau khi các cơ sở kinh doanh của phong trào Duy Tân - Đông Du và Minh Tân bị đóng cửa (trừ Liên Thành Thương quán của Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh ở Phan Thiết), phải đến năm 1916-1917 mới xuất hiện các hiệu buôn của Lương Thị Trí, Nguyễn Thị Hồng Đính ở Phnom Penh, từ năm 1919 trở đi mới xuất hiện các doanh nhân Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Trần Trinh Trạch, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Văn Vĩnh... 

Sau thời Pháp thuộc là thời chiến tranh giải phóng đất nước và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, rồi cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Đó là thời kỳ chững lại của kinh tế Việt Nam. Một trong những hậu quả là đến thập niên 1980, tầng lớp doanh nhân biến mất ở Việt Nam, động lực kinh doanh cũng không còn. Thậm chí kinh doanh còn bị đánh đồng với bóc lột, thương nhân bị "giáng cấp" xuống hàng "con phe", "con buôn". Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi bước vào thời kỳ đổi mới (1986-1995), việc kinh doanh ở Việt Nam rơi vào vòng hỗn loạn vì chỉ có đường lối, chủ trương chứ chưa có luật. Cơ quan nào cũng có thể nhảy ra lập "xí nghiệp đời sống", thương nhân nào cũng có thể lập ra "tổ hợp", "công ty", "hợp tác xã tín dụng", thực chất là để buôn đi bán lại, để gọi vốn, lấy tiền kinh doanh nhà đất, hoặc dùng tiền người góp sau trả lãi cho người góp trước, tiếp tay cho nhau "đục nước béo cò”. Cuối cùng là vỡ nợ, giải thể, vô tù.

Việt Nam chỉ thật sự có nền kinh doanh theo lề luật và có tầng lớp doanh nhân trưởng thành từ thời kỳ bước đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bắt đầu từ sự kiện gia nhập khối ASEAN năm 1995. Tiếp theo là tham gia APEC năm 1998, WTO năm 2006, ký kết các hiệp định thương mại tự do những năm gần đây. Đồng hành với quá trình đó là việc ban hành và sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh... Theo đó, văn hóa kinh doanh đã biến đổi hoàn toàn. Các ngành dịch vụ - công nghiệp - thương nghiệp đã đóng góp phần lớn vào tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ GDP. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, do đó đang trở thành động lực phát triển kinh tế nước nhà. 

Trước khi thế giới lâm vào đại dịch Covid-19, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, năm 2019 Việt Nam có 541.753 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tính đến hết năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 8,8 triệu chỗ làm, vượt rất xa con số 1,2 triệu chỗ làm của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 4,5 triệu chỗ làm của khu vực doanh nghiệp FDI. Về nguồn vốn, khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng giữ thế áp đảo khi thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng đứng đầu về tổng doanh thu thuần, với 11,7 triệu tỷ đồng năm 2017, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp... Về đạo đức kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm lồng ghép vào các văn bản "nội quy", "văn hóa công ty", "chính sách khách hàng"... với những yêu cầu trung thực, giữ chữ tín, tận tụy, bảo vệ môi trường... Trong hành động, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức ấy và thường xuyên tham gia công tác xã hội - từ thiện. 

Tương xứng với những đóng góp ấn tượng ấy, doanh nhân Việt Nam đã được tôn vinh, được đặt vào vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển và đưa nền kinh tế nước nhà hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Vào ngày 20/9/2004, theo đề xuất của Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2005, Lễ hội Tôn vinh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu lần thứ nhất đã được Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức thật trang trọng. Từ năm 2010 đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM trực tiếp tổ chức sự kiện này với quy mô ngày càng lớn, thay đổi danh hiệu thành "Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu" và thêm ba danh hiệu là "Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu", "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu", "Doanh nghiệp phát triển bền vững trên 30 năm", với hàng nghìn lượt doanh nhân, doanh nghiệp được UBND TP.HCM tôn vinh.

Hiện nay, doanh nhân Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp FDI, cạnh tranh trên thị trường trong nước mà hàng ngoại ngày một tăng với đủ chủng loại do các FTA mang lại, cạnh tranh trên thị trường thế giới với hàng rào thuế quan nghiệm ngặt. Bên cạnh đó, doanh nhân Việt Nam còn phải đương đầu với sự tụt hậu của chính mình trước tiến bộ rất nhanh của thời đại kinh tế tri thức, kinh tế số...

Làm thế nào để doanh nhân Việt Nam ngày nay xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế quốc gia? Cần biết rằng "doanh nhân" vẫn đang là một khái niệm khá mới trong văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Hầu như các từ điển tiếng Việt phổ thông đều chưa có mục từ "doanh nhân". Ngay cả Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 cũng không có định nghĩa "doanh nhân".

Nhưng tôi nghĩ, doanh nhân Việt Nam có thể tự khẳng định mình một cách tốt nhất thông qua việc kinh doanh trung thực, hiếu nghĩa, có trách nhiệm với xã hội, với môi trường, vừa làm giàu cho chính mình vừa làm giàu cho đất nước...

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Doanh Nhân   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   làm giàu   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...