27/10/2020 21:10  
Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa vắc xin Covid-19 tới khu vực Mỹ Latinh nhằm tăng cường sức mạnh mềm của Bắc Kinh.

Khi Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria tuyên bố sẽ tiêm chủng bắt buộc vắc xin ngừa Covid-19 của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) cho người dân tại bang đông dân nhất của Brazil, đối thủ chính trị của ông - Tổng thống Jair Bolsonaro đã “phản pháo” trên mạng xã hội rằng vắc xin của Trung Quốc phải được chứng minh hiệu quả khoa học trước khi phân phối cho người dân.

“Người dân Brazil sẽ không làm chuột bạch cho bất kỳ ai”, ông Bolsonaro viết, đồng thời lưu ý rằng vắc xin Covid-19 của công ty Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Tổng thống Bolsonaro, nhà lãnh đạo có mối quan hệ thân thiết với Mỹ, đang tìm mua vắc xin từ nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca của Anh - đơn vị đang hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thống đốc Doria được xem là ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil năm 2022. Ông Doria gần đây kêu gọi chính quyền liên bang nhanh chóng phê chuẩn vắc xin của Sinovac.

Theo Nikkei, Trung Quốc được cho là đang tìm cách “khai thác” cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Thống đốc Doria và đương kim Tổng thống Bolsonaro.

Sinovac không chỉ tìm cách xuất khẩu vắc xin Covid-19 của công ty này tới Brazil, mà còn thuyết phục Thống đốc Doria cam kết chuyển giao công nghệ cho các cơ sở tại Sao Paulo. Sinovac nói rằng vắc xin Covid-19 có ý nghĩa với tất cả người dân Brazil, chứ không riêng người dân ở Sao Paulo.

Ngành công nghiệp dược phẩm kém phát triển của khu vực Mỹ Latinh đã trở thành rào cản lớn cho khu vực này trong việc đảm bảo nguồn cung vắc xin Covid-19. Cả khu vực công và tư của Trung Quốc đều tuyên bố ủng hộ Mỹ Latinh, với mục tiêu ngầm nhằm đưa vắc xin do Trung Quốc sản xuất xâm nhập vào thị trường này.

Hai công ty dược phẩm Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc đều đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng các vắc xin Covid-19 tại Peru, Chile, Argentina và một số nơi khác trong khu vực. Peru đang lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin trên 6.000 người, trong khi tổng thống nước này đã tới thăm bệnh viện nơi tiến hành các cuộc thử nghiệm vắc xin giai đoạn cuối hồi cuối tháng 9.

Chính quyền Trung Quốc hồi tháng 7 thông báo sẽ cho các nước Mỹ Latinh vay 1 tỷ USD để mua vắc xin. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước Mỹ Latinh và đại dịch Covid-19 càng đẩy mạnh hơn xu thế này.

Trung Quốc đã vượt Brazil trở thành nước xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Argentina hồi tháng 4. Brazil đã xuất khẩu 34% hàng hóa sang Trung Quốc trong 3 quý đầu năm 2020, tăng đáng kể so với 28% một năm trước đó.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng căng thẳng với Mỹ và châu Âu trên nhiều lĩnh vực, Bắc Kinh đang có xu hướng xích lại gần khu vực Mỹ Latinh.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố các vắc xin do Trung Quốc phát triển nội địa sẽ trở thành "hàng hóa toàn cầu". Bắc Kinh từ lâu vẫn coi việc đóng góp cho hệ thống y tế toàn cầu là cơ hội để nâng cao sức mạnh mềm.

Theo giáo sư Mauro Rochilin tại Quỹ Getulio Vargas - một viện nghiên cứu tư nhân tại Brazil, Trung Quốc đang tập trung nguồn lực đáng kể vào nền chính trị của châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong khi đó, sự hiện diện của Mỹ tại Mỹ Latinh đang yếu dần. Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo với khẩu hiệu “Nước Mỹ là số một”, chỉ tới thăm Mỹ Latinh một lần trong nhiệm kỳ 4 năm khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina năm 2018.

Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại ở New York (Mỹ), nhận định hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin có thể giúp Trung Quốc nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

"Nếu Trung Quốc dùng ngoại giao vắc xin, điều này sẽ củng cố sức mạnh mềm của Trung Quốc, giúp Trung Quốc hồi sinh việc thực hiện Sáng kiến Vành đai Con đường", SCMP dẫn lời ông Huang nói.

Thành Đạt

Theo Nikkei, SCMP

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Donald Trump   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...