11/02/2021 7:05  
Một đàn trâu, một bầy vịt và một ngôi nhà cùng với chủ nhân đã vẽ nên hình trái tim giữa bao la sông nước. Bức ảnh như một cuốn phim chiếu chậm, tua ngược thời gian của 30 năm trước để kể về mối tình của đôi vợ chồng Thủy - Đa. Họ đã viết nên câu chuyện cổ tích bằng chính những trúc trắc của đời mình.

Trái tim ở giữa dòng sông

Bức ảnh có tên The Buffalo Man (Người đàn ông chăn trâu) đạt giải Highly Commended trong cuộc thi Drone thế giới, là một trong những cảnh đẹp chụp từ trên cao được các hãng thông tấn lớn đăng tải. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Alex Cao kể mùa hè vừa rồi, mấy anh em trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ ở Quảng Ngãi vác máy đi “săn”. Đến vùng sông nước Diêm Điền, nơi dòng sông chuẩn bị đổ ra Biển Đông, chợt thấp thoáng trong nắng mai một ngôi nhà được vây bọc bởi những tán cây um tùm. Cả đoàn nhanh chóng tiếp cận “mục tiêu” để tác nghiệp. Mỗi nhiếp ảnh gia đều cảm nhận và thu về ống kính của mình ngôi nhà ấy theo một cách riêng. The Buffalo Man là góc nhìn theo cách của Alex Cao - một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng du học nước ngoài về, mới ngoài 30 tuổi. Là tác giả ảnh, song anh Cao cũng thật sự bất ngờ về đứa con tinh thần của mình: một đàn trâu “bơi” cạnh ngôi nhà để lại một vệt bùn màu nâu trên dòng sông, một đàn vịt được bọc bởi “lưới vây” cùng ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng trong màu xanh của lá, mang hình một trái tim. Trái tim ấy, ngẫu nhiên đến mức, chủ nhân ngôi nhà, ông bà Đa - Thủy, cũng chưa bao giờ nghĩ tới cho đến khi họ xem bức ảnh. Nhưng, hình như có một sự sắp đặt nào đó của tạo hóa, mối tình khá trắc trở của họ đã hóa thân thành “trái tim” nơi cuối dòng sông này.

Người tình bên kia sông

Nghe tôi tò mò hỏi chuyện anh Đa đi tán gái bên Sơn Mỹ, chị Phùng Thị Thủy cười ồ: “Theo gái chứ tán chi đâu. Theo miết mà được luôn đó”. Nghe vợ “nói xấu” mình, anh Đa “nổ” như bắp rang: “Cổ bỏ Sơn Mỹ theo tui về Tịnh Hòa này 30 năm nay, theo anh thì ai tán ai?”. Họ trêu chọc nhau như thuở thanh xuân rồi cùng cười vui như chưa hề đi qua những trắc trở của đời mình.
Để “rước” được cô Thủy xinh nhất làng bên Sơn Mỹ, anh Phạm Đức Quang (tên thường gọi là Đa) đã phải điêu đứng bao phen.
Nhà Đa bên sông Diêm Điền, cách Sơn Mỹ - nơi xảy ra vụ thảm sát năm 1968, quê chị Thủy một dòng sông. Đò giang cách trở là vậy, song chỉ mới gặp lần đầu trong tiệc cưới của một người bạn, anh Đa đã bị hút hồn để rồi vượt sông hằng đêm. “Hồi đó (những năm 1987 - 1988) mà mặc quần nhung đỏ, đi dép sa pô là… oách lắm. Tóc ảnh lại lòa xòa giống mấy người trong ban nhạc chơi đám cưới nữa, gái thấy là mê tít thôi. Nhưng tui thì không”, chị Thủy kể. Hỏi sao lại không mê tít? Chị nói, thường những anh chàng như vậy là… cà chớn lắm. Nhưng trong tiệc cưới, thấy ảnh ngồi im, thi thoảng liếc một cái về phía tui, tui tấn công luôn: “Uống đi chứ sao đặt lên để xuống vậy mỏi tay lắm anh gì quần nhung đỏ ơi”. Là tui thấy ảnh không uống, lại rụt rè, ngồi trong bàn mà một tay thì cứ cho vô túi quần, thấy kỳ nên chọc thế thôi. Anh Đa bị chọc quê giữa đám đông nhưng chỉ tủm tỉm cười. Thi thoảng lại liếc về phía cô gái lém lỉnh kia một phát, rồi ngồi im.
Sau lần ấy, Đa bắt đầu “trồng cây si”. Anh rủ một người bạn trong làng, đêm đêm lại… chèo ghe qua bên kia sông để chỉ nhìn em Thủy một chút rồi về. Thấy Đa tấn công mạnh quá (dù chỉ là trồng cây si đơn phương), cô bạn thân của Thủy nói thật về Đa với mong muốn Thủy đừng xiêu lòng: “Anh Đa cụt tay đó Thủy ơi!”. Đến lúc ấy thì chị Thủy mới vỡ lẽ là tại sao tay anh Đa lúc nào cũng cho vào túi quần.
Thế rồi những mối tình cứ lần lượt trôi qua đời chị Thủy. Gia đình bắt đầu sốt ruột vì bọn con trai cứ dập dìu lui tới, chỉ tốn nước chè chứ chả được tích sự gì. Sau những thất lỡ của đời mình, Thủy bắt đầu “nghĩ lại”. Hay nhận lời lấy anh Đa cho yên phận? Và rồi chị gật đầu luôn khi cha con anh Đa sang nhà dạm ngõ và đề nghị cưới chị.
Lòng Đa vui như hội khi chị Thủy đồng ý lời đề nghị của anh. Nhưng đấy là lúc anh đứng trước những thử thách lớn nhất của đời mình: bỏ cuộc hay tiếp tục để cưới chị Thủy?

Một tay gây dựng cơ đồ

Câu Kiều trên đúng theo nghĩa đen với anh Đa. Vùng Tịnh Hòa sau năm 1975 dày đặc bom mìn thời chiến tranh. Một trái M79 đã cướp đi nguyên một bàn tay lành lặn của cậu bé Đa. Anh có thể che giấu thương tật với nhiều người nhưng với chị Thủy, anh không thể cho cánh tay cụt ấy vào túi quần mãi được. Nhận trầu cau rồi, Thủy bắt đầu nghe lời ong tiếng ve từ hàng xóm: “Cụt tay thế thì làm ăn được gì. Lấy nó rồi cũng khổ vào thân thôi”. Đến mức vợ chồng ông Thái, bố mẹ Thủy, cũng nghi ngờ: “Nhận lời cũng con chứ cha mẹ không ép. Nhưng giờ trả trầu cau cũng chả sao nếu con không muốn lấy thằng Đa. Cha nghĩ, cụt tay như nó thì cuốc cày khó đấy!”. Dù đã là vị hôn phu tương lai nhưng Thủy vẫn “né” Đa mỗi khi anh về… làm rể. Ba năm cù cưa như thế, sau bao lần cha mẹ Đa đề nghị cưới nhưng Thủy thì tìm cách “hoãn binh”. Thế rồi ông Thái đột ngột qua đời. Anh đã lo trọn vẹn đám tang cho bố vợ bằng một cánh tay còn lại của mình mà người bình thường cũng khó làm được. Chị Thủy lần đầu tiên thấy Đa “trình diễn” những việc khó nhất từ gánh nước, nấu ăn, khuân vác đến việc… khiêng cha ra nghĩa địa, lòng dậy lên một niềm ân hận khôn nguôi.
Nhưng “cơ đồ” anh Đa không chỉ là cưới được người đẹp bên kia sông Diêm Điền mà là những gì cả hai vợ chồng để lại nơi giữa dòng sông này. Gần hai mẫu ruộng bên kia sông, một đàn trâu chục con, một đàn vịt trời được thuần hóa và một khoảnh đất 400 m2 giữa dòng sông này do một tay Đa gầy dựng được vợ hỗ trợ một phần công sức. “Cứ mùa hè về, ảnh chèo thuyền qua bên kia sông, một tay đào đất bỏ lên khoang rồi chèo về, đắp lên thành mảnh vườn này. Kiên trì suốt 25 năm như thế để có một “trái tim ở giữa dòng sông”. Đó là một kỳ tích. Người lành lặn, để đắp một hòn đảo giữa sông như thế đã khó, huống chi là người chỉ còn một cánh tay như Đa.
Nghe tôi khen thế, anh chỉ vào chị Thủy: “Tình yêu của cô ấy đã khiến tôi làm những việc khó tin như vậy đấy”. Say chuyện như thế nhưng việc vẫn không quên. Anh nhìn đồng hồ rồi cắt ngang câu chuyện: “Hẹn anh dịp khác. Tôi phải đi làm công việc của làng”. “Việc của làng”, ấy là xuống đập Hòa Khê để “khóa” van lại không cho thủy triều xâm nhập mặn vào cánh đồng 100 ha. Việc làng ấy, người dân và chính quyền cũng tin vào “một tay” của Đa thôi.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Thái độ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...