08/03/2021 19:20  
Mực nước trên sông Tonle Sap và sông Mekong đoạn chảy qua Campuchia giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người sống dựa vào nguồn nước.

Phóng viên Reuters gặp ngư dân Campuchia Tin Yusos trên một chiếc thuyền đôi neo bên bờ sông Tonle Sap. Yusos cùng vợ và cháu gái chuẩn bị tiếp tục một ngày đi đánh cá ở khu vực sông Tonle Sap và sông Mekong, dù không hi vọng gì nhiều.

Tin Yusos, 57 tuổi, chia sẻ: “Không còn cá lớn ở đây nữa”. Trước đây, Yusos có thể câu được 30kg cá mỗi ngày. Bây giờ, mỗi ngày ngư dân này chỉ câu được hơn 1kg, tương đương khoảng 15,000 riel (khoảng 85.000 đồng).

Các chuyên gia đổ lỗi cho các dự án thủy điện, khai thác cát, phá rừng, chuyển đổi đất ngập nước và biến đổi khí hậu khiến mực nước các con sông, hồ trong khu vực giảm mạnh, đe dọa đến nguồn sống của hàng triệu người.

Trước đây, mực nước sông Mekong dâng cao vào mùa mưa, cung cấp nước chảy vào sông Tonle Sap ở Campuchia, tạo ra dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap khiến mực nước hồ dâng cao và cung cấp nguồn cá dồi dào.

Nhưng trong vài năm qua, dòng chảy đổ vào hồ nước ngọt nhất Đông Nam Á này đã nhiều lần đến muộn. Một trong những nguyên nhân chính là do khô hạn và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong có ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia ở vùng hạ lưu, đặc biệt là những người sống phụ thuộc vào con sông dài 4.350km. Mỹ đang thúc giục các quốc gia ở vùng hạ lưu như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia yêu cầu Trung Quốc giải thích.

Marc Goichot, chuyên gia về các tuyến đường thủy ở khu vực, thuộc tổ chức Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), nói các con đập và hoạt động khai thác cát góp phần làm mất đi lượng cá.

"Cơ bản toàn bộ hệ thống sông ngòi đang thay đổi. Chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những thay đổi đó”, Goichot nói.

Ly Safi, 32 tuổi, một ngư dân Campuchia khác, nói mùa đánh bắt cá năm nay là tệ nhất. Anh cảm thấy mình mắc kẹt trong cuộc sống mưu sinh mà không có tương lai.

“Một số ngư dân có tiền tiết kiệm, đã rời đi kiếm sống ở đất liền. Nhưng chúng tôi thì không thể”, Safi nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Reuters   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...