18/01/2021 16:20  
Những cư dân sống ven hồ thủy điện Bản Vẽ thuộc xã Hữu Khuông (Tương Dương – Nghệ An), người lành lặn đã gặp vô vàn khó khăn, với người khuyết tật, khó khăn càng thêm bội phần. Họ như bị giam hãm bởi bệnh tật, giữa trập trùng sông nước, núi đồi và đôi khi là cả sự định kiến và tự ti.

Nỗi buồn của "người cá"

Bản Pủng Bón xã Hữu Khuông của Ngân Thị Mai nằm giữa hồ thủy điện Bản Vẽ và con đường đến với cộng đồng người Thái này thực sự là thách thức với những ai không phải người bản địa. Từ thị trấn Hòa Bình huyện Tương Dương (Nghệ An) đi thêm 25km nữa thì đến đập thủy điện Bản Vẽ. 

Từ đây lại phải mất 2 giờ di chuyển bằng xuồng máy mới đến được trung tâm xã Hữu Khuông. Và mất thêm nửa giờ đồng hồ ngồi xe máy chỉ để vượt qua hơn 3km đường núi lởm chởm đá và khe suối để vào Pủng Bón. Nơi cư ngụ của Mai - cô gái trong câu chuyện này - lọt thỏm giữa bốn bề rừng cây rậm rạp, những ngọn núi đất và đường sá chỉ dành cho những đôi chân lội rừng. 

14 năm trước, hàng nghìn hộ dân vùng lòng hồ thủy điện di dời khiến 4 xã ở huyện Tương Dương phải giải thể. Dù đã nhiều năm qua nhưng vấn đề ổn định cuộc sống cho người dân vùng lòng hồ thủy điện vẫn còn nhiều điều cần giải quyết.

Chúng tôi đến Pủng Bón vì theo lời Chủ tịch xã Hữu Khuông Lô Văn Chiến bảo rằng, “cộng đồng này là “điểm sáng” ở xã khó khăn nhất toàn tỉnh này. Bà con nông dân rất nỗ lực trong việc khai hoang ruộng nước để không phải làm rẫy nữa”. 

Tại đây, chúng tôi tình cờ biết đến câu chuyện của Mai khi nhìn thấy cô gái trạc 30 tuổi lễ mễ trên tay cầm theo những vật dụng cá nhân đi lên cầu thang ngôi nhà sàn thấp tè giữa bản. Mấy vật dụng giản đơn, không lấy gì làm nặng nề nhưng cô phải rất vất vả mới đưa được lên nhà trên đôi chân dị dạng, yếu đuối.

Cô gái có vẻ ái ngại khi những vị khách đường đột tới. “Nó bị như vậy từ khi mới sinh ra. Chân cứ như đuôi cá ấy.” – Ngân Thị Thớ, chị gái  Mai cho hay. Chị kể từ khi lên 10 tuổi thì theo mẹ về chung sống cùng bố dượng và đã thấy đôi chân của Mai nhỏ xíu, dị dạng như vậy. Thương em, chị cũng chỉ biết đỡ đần việc nhà. Nơi đây xa bệnh viện và cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện chạy chữa cho Mai.

Sau khi câu chuyện trở nên thân tình hơn, Mai kể: bản thân chỉ học xong lớp 3 ở bản rồi bỏ dở vì nhà nghèo, cha mẹ đã già yếu. Cho đến cái tuổi này, cô chưa bao giờ được đưa đến bất cứ một bệnh viện nào để thăm khám. Cô đã quen với đôi chân khập khiễng của mình. “Em chỉ đi trong nhà, trong bản, chắc cũng không cần chân khỏe lắm đâu”, – Mai cười gượng gạo.

Suốt ngày chỉ quẩn quanh trong nhà nên cô gái thậm chí không nhớ mình bao nhiêu tuổi. “29 hay 30 chi đó. Em không biết”. – Mai nói khi chúng tôi hỏi tuổi. Sau đó, phải mượn xem quyển hộ khẩu gia đình thì thấy ghi “Ngân Thị Mai sinh năm 1987”, nhưng người chị gái cho hay, khi làm hộ khẩu cách đây gần 10 năm, những cán bộ thôn bản chỉ dựa vào trí nhớ của họ để ghi ngày, tháng, năm sinh. 

Hơn 20 năm nuôi em trai "không xương"

Chị em Mai dẫn khách lên thăm ngôi nhà sàn của mình. Ngay đầu cầu thang, chúng tôi nhận ra một thiếu niên đang nằm trên sàn nhà. Mai cho biết “thiếu niên” mà chúng tôi vừa đi ngang qua là cậu em trai của mình, Ngân Văn Là, năm nay đã 23 tuổi. Còn khốn khổ hơn cô chị, từ khi lọt lòng, Là chưa bao giờ biết tự ngồi dậy. Còn bước đi trên chính đôi chân của mình là một niềm mơ ước xa xôi đối với anh thanh niên mang hình hài của một đứa trẻ lên mười này. 

Chị Thớ nhớ lại: ngày mới theo mẹ về một nhà với bố dượng đã thấy Là ốm liên miên. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ, cậu bé cũng ốm vặt như bao nhiêu đứa trẻ khác. Khi bạn cùng trang lứa đã biết đi đứng, chạy nhảy mà Là vẫn chưa ngồi dậy được, mọi người mới cảm thấy lo lắng cho tương lai sau này của Là. Nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở mối lo. Giữa ốc đảo không đường sá, không sóng điện thoại này, dường như người ta quen bỏ mặc sinh mệnh cho số phận và thần linh. 

Là hầu như chỉ giao tiếp được bằng tiếng Thái. Anh cố ngẩng đầu lên nhìn khách, ánh mắt đờ dại. “Thấy khách đến chơi là nó vui lắm. – Mai nói về cậu em - Nó rất muốn ngồi dậy nhưng không được”. 

Đã đến bữa trưa, Mai đứng dậy đi đến chiếc chạn lấy một ít xôi cho cậu em. Đó là bữa ăn chính của cả hai chị em. Thức ăn chỉ có xôi, một ít hành, ớt và một số loại rau rừng giã với muối gọi là món chẻo. Cô chị bón cho cậu em ăn trong tư thế nằm. Là đã phải ăn như vậy suốt hơn 20 năm qua. Đó cũng là số năm Mai phải chăm sóc cậu em.

Một ngày của Mai bắt đầu bằng việc dậy đồ xôi cho cha mẹ lên rẫy, rửa mặt và cho cậu em ăn. Khi Là muốn đi chơi trong bản, cô phải gọi hàng xóm đến đỡ Là xuống cầu thang rồi cho ngồi lên chiếc xe lăn. Mai bảo từ ngày có nó – chiếc xe lăn – mấy năm về trước đó cũng là lần đầu tiên, Là được đưa đi chơi khắp bản. 

Không lao động được, mọi sinh hoạt của gia đình Mai đều nhờ vào cha mẹ đều đã ngoài 70 tuổi. Ông Ngân Văn Thiết (sinh năm 1944), bà Ngân Thị Điểm (1946) trở thành lao động chính trong nhà. Khi chúng tôi đến nơi thì họ đều đang ở trên rẫy. “Mình thương mẹ, cha, thương em nhưng không biết giúp đỡ thế nào. Chính nhà mình cũng khó khăn”. – Chị Thớ thanh minh khi khách hỏi về gia cảnh...

“Ước mơ của em là được một lần đưa em đi khám bệnh. Dù có chữa được hay không nhưng em cũng muốn thử một lần”. – Mai nói, mặt buồn bã. Cô kể, ngày trước cũng có nghe kể cha mình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam nhưng không rõ có nhiễm chất độc da cam hay không? Còn phía chính quyền xã Hữu Khuông cho hay ông Thiết không nằm trong danh sách nạn nhân chất độc da cam của địa phương. Chị em Mai thì có được hưởng chế độ dành cho người tàn tật, trên 400 nghìn đồng cho mỗi người, mỗi tháng.

Anh Lô Văn Phượng, Công an viên bản Pủng Bón cho hay, trong bản có 6 người mang những dị tật. Ngoài chị em Mai còn phải kể đến Kha Thị Là. Cô gái sinh năm 1990 từ nhỏ đã bị gù. Trên lưng xuất hiện một khối xương lớn khiến cô lúc nào cũng như cúi rạp. Dị tật này khiến Là tự ti nên tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Cô gái chưa một ngày dám đặt chân đến trường, chỉ quanh quẩn bên ông nội đã 95 tuổi đang ốm liệt giường.

Cũng như Mai, Là cho hay: bản thân cũng mong một lần được đến bệnh viện thăm khám. Thế nhưng dường như đó là một điều ước xa vời bởi mọi thu nhập của gia đình đều nhờ vào người khỏe mạnh duy nhất trong nhà, anh Kha Văn Khu. Anh trai của Là thường xuyên vắng nhà vì phải theo những công trường xây dựng. Hàng tháng, số tiền anh trai gửi về cũng chỉ đủ để Là trang trải những sinh hoạt phí cũng như mua thuốc cho ông nội đã như ngọn đèn trước gió. “Anh trai em nói sẽ không lập gia đình vì còn phải lo cho em và ông”. – Là nói về người anh.

Chúng tôi đem những câu chuyện ở bản Pủng Bón kể cùng ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông. Vị lãnh đạo xã 36 tuổi cho hay: “Chính quyền địa phương trong khả năng của mình cũng chỉ biết tạo điều kiện để họ được hưởng những trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước”. 

Cũng theo ông Chiến thì một trong những nguyên nhân khiến bản Pủng Bón có khá nhiều người mang những dị tật có thể là hệ lụy của tình trạng hôn nhân cận huyết. Hôn nhân cận huyết cũng là vấn đề nan giải ở một số dân tộc vùng sâu.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Công an   Hôn nhân  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...