12/02/2021 0:25  
Đêm giao thừa khác lạ so với các năm trước đây khi đường phố Hà Nội, TP HCM... không còn cảnh dòng người chen chân ở khu vực trung tâm.
Mới nhất Cũ nhất
  • 23h50

    Nhiều người Đà Nẵng đón giao thừa bên sông Hàn

    Nhiều người dân Đà Nẵng ra điểm trang trí hoa xuân ven sông Hàn dạo chơi chờ thời khắc Giao thừa. Năm nay đường hoa được trang trí đẹp mắt, với các tiểu cảnh xen lẫn mô hình linh vật của năm Tân Sửu. Hầu hết mọi người đều chấp hành đeo khẩu trang, chỉ tháo ra khi chụp ảnh lưu niệm. Số lượng người cũng không tập trung quá đông, chủ yếu đi chơi theo gia đình.

    Chị Nguyễn Thị Nga, 34 tuổi (trú quận Hải Châu), cùng chồng và hai con gái ra dạo chơi ở điểm trang trí hoa Tết trước toà nhà HĐND TP Đà Nẵng, cho biết đây là thói quen của gia đình. "Năm nay thành phố huỷ bắn pháo hoa đêm Giao thừa để đảm bảo công tác phòng chống dịch, công viên cũng không mở cửa nên không khí có chùng xuống hơn so với năm trước", chị nói và mong muốn "năm mới mọi người cùng mạnh khoẻ"".

    Trên đường phố Đà Nẵng, không khí vắng vẻ hơn những năm trước. Đường Lê Duẩn nối về trung tâm thành phố cũng không bật đèn điện trang trí năm mới. Nhiều người dọn mâm cúng giao thừa sớm. Nhộn nhịp nhất là một số quán cà phê, quán nhậu còn mở cửa. Nhiều người không có nhiều điểm vui chơi đã chọn quây quần bên người thân, bạn bè trong quán xá.

  • 23h47

    Người Sài Gòn đến chùa cầu an đêm giao thừa

    23h45 tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, nhiều người đến thắp hương, dâng hoa cầu an mong sự an lành đến với bản thân và gia đình năm mới. Nhiều người đứng cầu khấn, lặng lẽ chờ thời khắc giao thừa. Để phòng dịch, nhà chùa liên tục phát loa nhắc "Xin quý phật tử hoan hỷ đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa. Quý phật tử vui lòng chỉ thắp ba nén nhang". Nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang cũng được chuẩn bị sẵn ở cửa ra vào.

    Chùa Vĩnh Nghiêm rộng khoảng 6.000 m2, được xây năm 1964 và là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP HCM. Nơi này là địa điểm nhiều gia đình thường đến vào thời khắc giao thừa hoặc đi chùa đầu năm sáng mùng 1 Tết. "Lên chùa lễ Phật giúp suy nghĩ an yên hơn và mong chờ những điều tốt lành sẽ đến vào năm mới", bà Phương Lan, ngụ quận 4 nói.

  • 23h40

    Tết vắng lặng của người Việt ở Mỹ

    Ông Nguyễn Dục, 54 tuổi, ở thành phố Wylie, tiểu bang Texas (Mỹ) cho biết, lúc này đang là buổi sáng. Thời tiết rất lạnh và rét. Bên ngoài, đường phố vắng lặng.

    Ông Dục cho hay, khu ông sống có nhiều cửa hàng bán món ăn, thực phẩm của Việt Nam và có cả bánh Tét. Mọi năm, đêm giao thừa ông và vợ sẽ đi mua vài thứ bài trí cúng, cho có không khí Tết. Tuy nhiên lần này thời tiết khắc nghiệt, nên họ không thể đi mua sắm và phải nghỉ làm ở nhà trong nhiều ngày. "Chúng tôi chỉ tận dụng lại thực phẩm trong nhà gồm cá, thịt, măng khô... và vợ nấu vài món ăn Việt để cúng", ông nói.

    Gia đình ông Dục định cư Mỹ được 6 năm. Hồi tháng 10/2019, họ về quê nhà tại tỉnh Thừa Thiên Huế và dự tính năm nay sẽ về đón Tết tại quê hương. Thế nhưng, ảnh hưởng Covid-19, khiến mọi kế hoạch bị đảo lộn. Suốt một năm qua, họ nhiều lần bị đứt quãng công việc, liên tục ở nhà.

    Ông nói, trong dịp Tết không được về Việt Nam rất buồn. Hơn nữa, ông còn cha già ngoài 80 tuổi, còn các em đi làm xa và dịch bệnh bùng phát nên không ai về cùng cha những ngày này, nên càng buồn hơn.

    Từ nhiều hôm trước, vợ chồng ông Dục nhờ người thân ở quê mua sắm Tết cho cha và liên tục điện thoại để ông được an lòng. Năm mới, ông Dục gửi lời chúc đến mọi người, đến gia đình của mình và mong mọi thứ bình an.

    Trong căn nhà nhỏ ở TP Clarksville, bang Tennessee, Mỹ, anh Sơn Bùi xin nghỉ làm một ngày để cùng con gái tự tay trang trí không gian Tết. Một cành cây khô được anh chặt ngoài vườn, đính thêm những bông hoa giả màu vàng, kèm câu đối đỏ, giống hệt như cành hoa mai. Anh Sơn cho biết đây là năm thứ 4 ở Mỹ. "Năm nào tôi cũng tranh thủ về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình nhưng năm nay ở đây vì Covid-19", anh nói.

  • 23h30

    Bình Dương

    22h, UBND TP Thuận An quyết định tháo gỡ khoanh vùng y tế vòng ngoài tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú sau 6 ngày phong tỏa. Địa phương này chỉ giữ lại cách ly tòa nhà C2, nơi ở của hai bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) và 1980 (em "bệnh nhân 1979") với khoảng 600 người, cách ly đến 20/2 theo quy định.

    Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết khu vực dỡ phong tỏa vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.

    Sau khi công bố quyết định thu hẹp phạm vi phong tỏa, nhiều chốt chặn, hàng rào đã được lực lượng chức năng tháo gỡ, thu dọn. Người dân hò reo, vui mừng đón giao thừa.

    Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu sàng lọc trong cộng đồng đối với khu dân cư Ehome 4, sử dụng phương pháp mẫu gộp. Kết quả, 73 trường hợp F1, 39 trường hợp F2 của "bệnh nhân 1980" và 87 mẫu gộp của 236 người dân đều âm tính nCoV.

  • 23h20

    Bà Rịa - Vũng Tàu: Cứu người bị tai biến trong đêm 30 Tết

    Đêm giao thừa, Câu lạc bộ hỗ trợ sự cố giao thông miễn phí TP Bà Rịa nhận cuộc gọi của người dân đề nghị hỗ trợ đưa người thân bị tai biến. 6 thành viên trong đội tức tốc lên đường. Hơn mười phút sau, người phụ nữ lớn tuổi được xe cứu thương của đội đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Vừa xong việc, điện thoại của nhóm liên tục đổ chuông và một người đi đường bị hỏng xăm được trợ giúp. Nhận lời cám ơn, họ chúc người gặp sự cố một năm mới sức khỏe và may mắn.
    Hai năm qua, câu lạc bộ gồm 14 thành viên thay phiên nhau hỗ trợ người đi đường ở TP Bà Rịa và vùng lân cận gặp sự cố, tai nạn hàng đêm từ 9h tối đến 3h sáng hôm sau. Năm nay, nhóm làm việc xuyên Tết. "Được giúp người dân gặp nạn trên đường, nhất là trong những ngày Tết là niềm hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi", anh Nguyễn Tấn Phúc, thành viên trong câu lạc bộ nói.

  • 23h00

    TP HCM: Chuyến xe cuối cùng đưa người dân về quê ăn tết

    Tại bến xe miền Đông, chuyến xe cuối cùng năm Canh Tý đưa khách về quê đón tết đã khởi hành lúc 23h. Vẻ mặt háo hức sau khi đã yên vị trên giường nằm của chiếc xe 29 chỗ chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, lập trình viên cho biết, ban đầu chị có ý định không về Đà Lạt do lo sợ sẽ bị cách ly và ảnh hưởng đến công việc nhưng đã đổi ý vào phút chót.

    "Mẹ tôi ở nhà một mình gọi điện khóc nên đã quyết định mua vé về quê cùng mẹ", chị Trâm nói và cho biết sẽ tự giác cách ly tại nhà để đảm bảo phòng chống dịch. Đi cùng chuyến xe với nữ lập trình viên, một nam hành khách khác cho biết, do giải hoàn thành công việc vào lúc 21h ngày 30 Tết nên phải bắt chuyến xe cuối cùng về quê.

    Để khích lệ tinh thần của hành khách, ông Phạm Viết Nghĩa, đại diện bến xe miền Đông đã tặng một người phần quà cùng lì xì trước thời khắc xe khởi hành. Nhiều năm liền đón giao thừa trên cabin, tài xế Thành (52 tuổi) cho biết, tình hình dịch bệnh năm nay đã khiến người khách về quê ít đi nhiều. "Khi chạy vào đêm giao thừa. Tôi thấy trọng trách lái xe an toàn của mình lớn hơn. Khi thấy khách đã về tới nhà tôi thấy vui lắm", ông Thành nói.

  • 23h00

    Trực kiểm soát y tế đêm giao thừa ở TP Chí Linh 

    Bên trong ổ dịch TP Chí Linh (Hải Dương), hàng trăm chốt kiểm soát y tế trực thông Tết. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết, mỗi chốt trực gồm 4 lực lượng quân sự, công an, y tế và tình nguyện viên. Những người này được chia thành 3 ca trực mỗi ngày kể cả trong những ngày Tết để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. "Chúng tôi đang đi đến các chốt trực để động viên các lực lượng khi phải làm việc xa nhà nhà, xa gia đình trong thời khắc giao thừa cũng như những ngày Tết sắp tới" ông Hưng nói.

  • 23h00

    TP Vinh

    Gần 23h trời se lạnh, đường phố TP Vinh khá đông xe cộ song mật độ ít hơn so với đêm hôm qua. Dọc đường Trần Phú, đại lộ Lê Nin, Phan Đình Phùng, Lê Mao... vẫn còn nhiều hàng quất, đào bày bán. Một số khách cho hay, họ đợi đêm cuối năm mới đi mua nhằm tìm hàng hạ giá. "Loại quất những ngày trước giá một triệu đồng mỗi chậu thì hôm nay hạ xuống 700.000 đồng", anh Phạm Văn Huy, chủ buôn quất nói.

    Khuôn viên quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố Vinh đêm nay vắng vẻ, khác với cảnh chen chân chờ xem pháo hoa những năm trước.

    UBND tỉnh Nghệ An đã hủy bắn pháo hoa tại hai điểm ở thành phố Vinh, trong đó có một điểm tại quảng trường. "Năm trước tôi đưa vợ con ra quảng trường cùng với nhóm bạn thân đợi xem thời khắc bắn pháo hoa, chúc tụng nhau năm mới trước khi trở về nhà. Năm nay mọi người đều nói với nhau chỉ chúc nhau qua tin nhắn và gọi điện để phòng Covid-19", anh Đồng Quang Vinh, trú thành phố Vinh, nói.

  • 22h55

    Người dân Bình Thuận đón giao thừa tại nhà

    Hưởng ứng lời kêu gọi của ngành y tế, người dân Bình Thuận không tụ tập đông người trong những ngày Tết nguyên đán để phòng dịch.

    Tại xã Trà Tân (huyện Đức Linh), đa phần người dân trong đêm 30 Tết ở nhà, hạn chế ra đường. Ngày cuối cùng của năm ít xe cộ xe đường như mọi năm. Người dân quanh quẩn trước sân, chờ đón thời khắc giao thừa.

    Ông Phạm Ngọc Thành, 52 tuổi (thôn 5) sau khi đi ăn tất niên bên nhà hàng xóm, ông ra trước sân nhà ngắm nghía những cành hoa mai vừa bung nở vàng rực đón chào xuân mới. "Tôi quê ở Quảng Bình vào Nam lập nghiệp hơn 30 năm, ngắm mai vàng nở vào đêm giao thừa thực sự thú vị", ông Thành nói.

    Người Công giáo địa phương cũng vừa dự lễ tất niên tại Nhà thờ Khiết Tâm trở về. Họ chuẩn bị làm mâm cơm đón giao thừa theo phong tục truyền thống người Việt, cầu mong chúa xuân chúc lành mang an vui đến cho muôn nhà.
    "Tống cựu nghinh tân, ai cũng mong những xui rủi của dịch bệnh năm cũ sẽ qua mau để người dân Việt Nam được yên lành", bà Đào Thị Kim Xuyến, người dân Trà Tân mong ước.

  • 22h50

    Công viên Lý Tự Trọng bên sông Hương vắng người 

    Công viên Lý Tự Trọng bên dòng sông Hương thưa vắng người trong đêm 30. Công nhân môi trường và công trình đô thị bắt đầu công thu gom rác thải khi chưa đến 24h. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, 36 tuổi, TP Huế, cho biết năm nay không khí đón giao thừa hơi tẻ nhạt khi các chương trình nghệ thuật chào đón năm mới đã bị hủy bỏ. " Mọi năm, tôi đều ra đây chờ xem pháo hoa xong mới về nhà. Năm nay pháo hoa không bắn, chương trình văn nghệ mừng năm mới cũng hủy nên tôi đưa hai con ra công viên ngắm đài phun nước rồi về" chị Sương nói và cho biết, mong năm mới dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế.

    Trên phố, nhiều người dân ở TP Huế cũng bắt đầu bày biện mâm cổ cúng giao thừa. Một số gia đình cúng sớm để đi ngủ thay vì chờ đón thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới.

Nguồn tin: vnexpress.net


Bình Thuận   Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Người Sài Gòn   Việt Nam   du lịch   hoàn thành công việc   hành vi   lập trình   sân bay   thói quen   thực phẩm   Đà Nẵng   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...