14/10/2020 14:20  
Trước giờ bão đổ bộ vào đất liền, ngư dân các vùng biển của Nghệ An đang hối hả cất thuyền bè vào đất liền để phòng tránh trú bão, nhiều trường cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Từ sáng sớm 14/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, một số nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt đầu xuất hiện mưa. Người dân lo sợ bão lớn vào nên từ chiều 13/10 và sáng nay 14/10 đã chủ động cất thuyền bè vào bờ để tránh trú bão.

Theo ghi nhận của PV tại xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thành… (huyện Diễn Châu, Nghệ An), từ sáng 14/10, hàng trăm ngư dân đã đưa các thuyền bè, tài sản lên đường để neo đậu tránh bão.

Đang vội vã thu dọn lưới sau chuyến ra khơi mới trở về, ngư dân Nguyễn Văn Tài (trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cho hay: "Nghe tin bão cơn bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến Nghệ An nên chúng tôi lo lắng lắm, sáng nay (14/10) mọi người hối hả thu dọn lưới, giằng chéo tàu, thuyền để đảm bảo an toàn”.

Để tránh thiệt hại do bão, hàng trăm ngư dân tại các xã Diễn Kim, Diễn Hải… đã mang các bè mảng lên bờ để chằng néo từ sáng hôm qua.

Ông Phan Văn Thuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải cho biết, toàn xã có hơn 300 bè mảng của ngư dân đã được đưa lên bờ hôm qua để tránh trú bảo, còn các tàu thuyền lớn đều cập cảng Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) an toàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ông Phan Xuân Vinh thông tin thêm: “Hôm qua, huyện đã tổ chức họp trực tuyến giao trách nhiệm cho lãnh đạo các xã. Công tác chuẩn bị đối phó với bão đang được triển khai quyết liệt và phải hoàn thành xong trong sáng nay. Cũng theo lãnh đạo huyện Diễn Châu, toàn bộ 1.460 tàu thuyền, bè mảng đã về bờ tránh trú an toàn; huyện cũng đã lên phương án di dời 314 hộ với 745 nhân khẩu tại các xã ven biển như Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Trung…”.

Tại các địa phương khác như Nghi Lộc, Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, công tác phòng chống bão số 7 đang được các địa phương thực hiện khẩn trương trước giờ bão đổ bộ đất liền. Theo các địa phương, phương án phòng chống bão đã được triển khai từ mấy ngày trước, đến sáng nay, cơ bản các biện pháp đối phó đã hoàn tất, chính quyền địa phương đang trực tiếp xuống cơ sở nhắc nhở, kiểm tra người dân trước thời khắc bão vào.

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Có 149 hộ dân vùng nguy cơ đã được huyện lên phương án di dời an toàn. Những vùng ven biển có nguy cơ ngập cũng được thông báo để dân biết. Sáng nay, lãnh đạo huyện đã xuống tận cơ sở đôn đốc, kiểm tra lần cuối về phương án đối phó bão của người dân. Trong sang nay, các biện pháp ứng cứu khi bão đổ bộ đã hoàn tất".

Trước đó, tỉnh Nghệ An cũng cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 15h ngày 13/10; đồng thời yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về neo đậu để đảm bảo an toàn trước 20h ngày 13/10.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan cứu hộ, cứu nạn (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh…) sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Nhiều trường ở Nghệ An cho học sinh nghỉ học. Tại TP Vinh, nhiều trường mầm non, tiểu học đã thông báo cho học sinh nghỉ học.

Ông Phùng Đức Nhân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thị xã chưa chịu ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7 nhưng phòng đã ra thông báo để tất cả các trường mầm non trên địa bàn cho học sinh nghỉ học. Riêng bậc Tiểu học và THCS, học sinh sẽ học hết buổi sáng và nghỉ buổi chiều.

Trước đó, vào chiều 13/10, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên khi đến trường; chủ động cho phép học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.

Ninh Bình họp khẩn ứng phó với bão số 7

Sáng 14/10, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã chủ trì cuộc họp trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 7 trên địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Bình, từ ngày 12/10, khi có thông tin về cơ bão số 7, tỉnh đã nghiêm cấm không cho tầu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tầu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi tránh trú; tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu xong trước 19h ngày 13/10.

Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, huyện đã triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi xong trước 12h ngày 14/10; kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò kể từ 10h ngày 14/10 đến khi bão tan.

Công tác di dân được thực hiện nghiêm túc, toàn bộ dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi đã vào bờ an toàn là 412/412 người. Hiện huyện đang nghiêm cấm không cho người dân ra khu vực đê trước giờ bão đổ bộ.

Tại cuộc họp, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: UBND các huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo việc thu hoạch lúa vụ mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; thường xuyên theo dõi, cập nhập tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xuống các địa bàn triển khai phương án chống bão, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Trong sáng 14/10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo TW về PCTT do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT - Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 7 trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đoàn công tác đã thị sát khu vực đê Bình Minh IV và một số điểm xung yếu tại khu vực.

Phó trưởng Ban chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài đánh giá cao công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện ứng phó với bão số 7 của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến đường đi của bão, ứng phó kịp thời khi bão vào đất liền, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Triển khai tốt các phương án bảo vệ sản xuất, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn. Kiểm tra và đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lụt bão. Đồng thời, tiếp tục duy trì tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Ghi nhận của PV Dân trí, trước giờ cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền, trưa 14/10, khu vực biển Kim Sơn (Ninh Bình) gió bắt đầu mạnh lên, mưa cũng nặng hạt. Toàn bộ khu vực từ đê Bình Minh III trở ra Cồn Nổi đã không còn người dân ở đây. Các điểm xung yếu đều có lực lượng chức năng chốt chặn, theo dõi sát sao.

Nguyễn Tú - Nguyễn Duy - Thái Bá

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   Tiểu học   Tổng cục   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...