09/01/2021 16:05  

Bà Ly kể, trước đây bà và chồng là Phạm Văn Ải (52 tuổi) gặt lúa mướn quanh năm. Vì nghèo, khi mang thai 3 đứa con đầu bà Ly đều không đi khám thai và đứa trẻ nào ra đời cũng bình thường, khỏe mạnh. Đến lượt Phạm Thị Nhí (năm nay 19 tuổi) chào đời, bác sĩ báo tin dữ là Nhí bị dị tật do nhiễm chất độc da cam.

Cú sốc tinh thần quá lớn khiến vợ chồng bà Ly gần như suy sụp: “Tôi đầy đủ chân tay, làm quần quật mà chưa đủ ăn. Tương lai con sẽ ra sao với thể trạng nhỏ thó, đôi chân co quắp không thể đi lại. Cứ nghĩ đến là nước mắt trực trào”.

Tìm tương lai cho con trong nước mắt

Chỉ chuyện tập ngồi cho Nhí thôi cũng đã quá khó khăn. Đôi chân co quắp khiến Nhí đau đớn, quấy khóc khi ngồi. Lo sợ trong giai đoạn phát triển không nắn, sửa chân được thì lớn lên phải nằm một chỗ suốt đời nên tranh thủ những lúc con ngủ say, dù khuya hay sớm, bà Ly đều xoa bóp đôi chân cho con. Cần mẫn qua nhiều tháng, Nhí mới quen dần với tư thế ngồi.
Đến tuổi vào lớp 1, Nhí nặng chưa đến 16 kg, cao xấp xỉ 50 cm, nhà trường không dám nhận. Gián đoạn 1 năm chăm sóc, bế Nhí đi chữa trị nhiều nơi nhưng không cải thiện bao nhiêu, bà Ly cố gắng thuyết phục kèm theo hồ sơ bệnh tình của con để con được vào học. Từ nhà đến trường hơn 2 km, đường đất lởm chởm, cỏ dại mọc đầy. Mùa khô, bế con đến trường, bà Ly ướt đẫm mồ hôi, nhưng dẫu sao cũng tốt hơn mùa mưa. Bởi khi mưa, bà không không dám để Nhí xuống để nghỉ mệt vì sợ quần áo tinh tươm của con bẩn bùn.
Cứ vậy, đều đặn mỗi ngày, bà bế con đến trường, chờ con học xong thì bế về… Rồi quãng đường kéo dài hơn với người mẹ nghèo khi Nhí học cấp 2, cấp 3.
Năm lớp 6, bà Ly bế Nhí lên TP.HCM phẫu thuật chỉnh hình đôi chân. Kết cuộc, bà quay về cùng nỗi thất vọng vì trường hợp của Nhí quá khó khăn, không thể thực hiện. Năm Nhí học 11, hay tin tại TP.Cần Thơ tổ chức chương trình phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, hợp tác điều trị có các chuyên gia nước ngoài, bà đưa Nhí đến xin được phẫu thuật. Nhưng rồi các bác sĩ lại lắc đầu, bà Ly gần như tuyệt vọng.
“Hôm đó, trên xe đò trở về quê, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Nhí nghẹn ngào hỏi tôi ‘con vĩnh viễn không thể đi lại, chạy nhảy như các bạn hả mẹ’. Tôi như đứt ruột, đứt gan”, bà Ly xúc động kể.

Dành trọn đời chăm sóc con

Phạm Thị Nhí hiện là sinh viên năm thứ 1 Trường Cao đẳng Cần Thơ. Bà Ly vui mừng vì con đã chạm đến ước mơ. Tạm gác công việc thường nhật ở quê, bà lên Cần Thơ sống với Nhí để mỗi ngày bế con đi học và nhận được sự đồng cảm, ủng hộ nhiệt tình từ chồng. Đồng hành cùng Nhí trên giảng đường là đôi chân của bà Ly. Bà bế con từ ký túc xá qua lớp học, từ giảng đường này sang giảng đường khác…
Ông Ải nói: “Tôi làm thuê bấp bênh, thu nhập ngày có ngày không. Dù vất vả nhưng thấy Nhí ham học thì thật vui mừng. Vợ chồng tôi mỗi người một cách thương con, nhưng cả hai đều đang cố gắng giúp Nhí được học hành đến nơi đến chốn”.
Không còn sự giúp đỡ của xóm giềng, người mẹ miền Tây phải tự lo liệu và chu toàn mọi việc từ đi đứng, sinh hoạt, học tập của Nhí. Để con không mặc cảm vì đôi chân khiếm khuyết, các hoạt động phong trào bà Ly cũng bế con tham gia.
Biết mình không còn nhanh nhẹn như trước, chưa tan tiết học của con, bà Ly đã vội lên giảng đường, đứng lấp ló ngoài cửa sổ chờ con. Mỗi ngày ít nhất 4 lượt đón đưa, bế Nhí lên xuống nhiều bậc thang chuyển lớp, lúc nào bà Ly cũng tranh thủ đưa con đi học đúng giờ.
Có lần Nhí bị chấn thương chân do bị ngã, không thể bế bên hông, bà Ly phải bế trước ngực rất nhọc nhằn. “Cánh tay tê mỏi đưa lên xuống không được. Trước đây sau 1 - 2 ngày thì khỏi. Bây giờ tôi có tuổi, sức không còn bền nên cứ trở lạnh là đau nhức. Cơn đau kéo dài phải đi mua thuốc uống thường xuyên”, bà Ly chia sẻ.

"Đôi bạn" cùng tiến

Tuy vất vả nhưng bà Ly nhận được nhiều niềm vui. Nhí cũng thích nũng nịu, đôi tay hay làm duyên làm dáng để chọc mẹ cười. Mỗi tối, Nhí đấm bóp cho mẹ. Sức lực đôi tay yếu ớt chưa thể làm thuyên giảm là bao cơn đau nhức, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Nhí khiến bà Ly vô cùng hạnh phúc.
Nhiều sinh viên trong trường gọi bà Ly và Nhí là “đôi bạn cùng tiến”. Không chỉ vì bà bế Nhí lên lớp mỗi ngày, mà còn vì mỗi tối, Nhí học bài thì bà Ly cũng mang sách ra đọc. Tình trạng chữ biết, chữ không của bà đã cải thiện đáng kể. Cũng nhờ Nhí mà bà Ly giờ đã biết sử dụng điện thoại thông minh, lướt mạng xã hội và chụp hình kỷ niệm cho hai mẹ con.
Tự hào về sự hiếu học và nghị lực phi thường của con, nhưng chất chứa trong lòng bà Ly còn là nỗi trăn trở, lo âu về chặng đường phía trước của Nhí. “Nhí học giỏi nhưng cơ thể khiếm khuyết do chất độc da cam, tôi sợ khi ra trường khó khăn xin việc làm. Lo lắng nhất vẫn là khi tôi già yếu không còn bế Nhí được nữa. Nghĩ đến lúc đó tôi chưa biết phải xoay xở cho con như thế nào”, bà Ly trải lòng.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Cao đẳng   HCM   Tương lai   chuyên gia   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...