16/04/2021 16:21  
Bà Vương (Trung Quốc) gặp gỡ bạn bè để tụ tập ăn tối. Khi đang trò chuyện, bà Vương bất ngờ có biểu hiện đau đớn, lấy tay che ngực, mồ hôi nhễ nhại, một lúc sau thì ngất xỉu.

Sau khi xe cấp cứu đến, nhân viên y tế kiểm tra thì thấy huyết áp của bà Vương hạ xuống rất thấp, chỉ có 80/50mmHg và bà được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Trong xe cấp cứu, bà Vương tỉnh dậy nhưng người đầm đìa mồ hôi, thậm chí không thể thở được. Bác sĩ đã sử dụng máy ghi điện tâm đồ trong xe cấp cứu để làm điện tâm đồ cho bà Vương, vì các triệu chứng của bà giống như nhồi máu cơ tim cấp tính.

Tuy nhiên, kết quả của điện tâm đồ không cho thấy dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Bác sĩ tiếp tục theo dõi tình hình.

Sau khi đến bệnh viện, bà Vương nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu. Lúc này, cơn đau ngực của bà Vương vẫn không thuyên giảm, bà cảm thấy khó thở, khi thở ra thì cơn đau sẽ nặng hơn. Bệnh viện đã huy động bác sĩ của các khoa tim mạch, khoa hồi sức tích cực và các hội chẩn đa khoa khác, đồng thời kiểm tra định kỳ máu, chức năng gan thận, men cơ tim, troponin, v.v., Bên cạnh đó, tiến hành chụp CT ngực và cho uống một số loại thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bà không bị nhồi máu cơ tim. Bác sĩ cũng phân vân, sau đó tiến hành chụp động mạch thì không thấy bóc tách hay rách động mạch chủ. Về vấn đề này, các bác sĩ cũng tỏ ra bối rối, vì bà Vương bị huyết áp thấp và có dấu hiệu sốc nhưng không biết nguyên nhân do đâu.

Sau khi bác sĩ đọc kỹ kết quả X-quang, thấy bệnh nhân tuy không có dấu hiệu rõ ràng như bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc phổi ... nhưng CT cho thấy có một bóng mỏng, chiều dài khoảng 1 cm dưới niêm mạc thực quản, có thể là xương cá. Bác sĩ đã gọi điện cho gia đình, bạn bè và hỏi xem hôm nay bà Vương có ăn cá, thịt gà và các thực phẩm có xương khác không, có bị sặc không.

Bạn bè bà Vương trả lời là không. Bữa tối hôm đó, mọi người ăn thịt nướng và cháo, không có món nào có xương. Nhưng chồng bà Vương nhớ ra rằng bà đã ăn cá 3 ngày trước. Bác sĩ hỏi lại bà Vương thì bà cho biết cách đây 3 ngày bà có ăn cá, đúng là bị hóc xương, nhưng lúc đó bà đã nuốt một ít cơm và ấn xương xuống.

Có vẻ như phần xương này đã không được cơm đẩy vào dạ dày để tiêu hóa mà mắc kẹt trong thực quản. Không còn cách nào, bác sĩ gọi chuyên khoa tiêu hóa để cùng hội chẩn. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết khả năng cao xương cá mắc kẹt trong thực quản và có thể lấy ra bằng phương pháp nội soi dạ dày, tuy nhiên huyết áp của bà Vương quá thấp, và rủi ro khi nội soi dạ dày là rất cao.

Sau khi được bác sĩ ICU và bác sĩ gây mê đánh giá, cuối cùng bác sĩ quyết định mổ. Nếu không xử lý nhanh, bà có thể bị thủng thực quản và thủng mạch máu. Sau nhiều biện pháp xử lý chuyên nghiệp, cuối cùng chiếc xương cá - thủ phạm của cơn nguy kịch đã được gắp thành công bằng phương pháp nội soi dạ dày. Sau khi lấy ra, bà Vương được đưa vào phòng hồi sức nghỉ ngơi. Sau 2 ngày, huyết áp của bà Vương đã ổn định và được xuất viện.

Trải nghiệm lần này của bà Vương thực sự đáng sợ. Một chiếc xương cá nhỏ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn không cẩn thận. Vì vậy, đừng coi thường chuyện nhỏ nhặt như xương cá mắc trong cổ họng, cũng đừng phạm sai lầm, dùng những món ăn khác để làm trôi xương cá, hay đánh tan xương cá bằng những biện pháp phản khoa học. Một chiếc xương cá dù lớn hay nhỏ nếu đâm sâu vào các cơ quan khác do xử lý sai cách thì hậu quả có thể không tưởng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Bệnh viện   Trung Quốc   thuốc giảm đau   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...