27/12/2020 7:25  
Sau những lá đơn gửi đi để tố cáo một số sai phạm liên quan dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, hai năm trước, ông Lương Xuân Bình không được bổ nhiệm lại.

Chiều cuối năm ở trụ sở Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), ông Lương Xuân Bình ngồi một mình trong căn phòng làm việc không có biển chức danh, không bảng tên. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn bám đầy bụi, một chiếc ghế và tủ trống trơn, xộc xệch kê ở góc tường.

Từng là Phó trưởng Ban MRB, nhưng ông Bình đã bị xếp vào diện dôi dư và đứng trước nguy cơ mất việc làm. Tấm biển chức danh ở cửa phòng ông bị gỡ xuống. Đây là điều đến với ông Bình sau những lá đơn tố cáo mà ông đứng tên.

Cách đây một tháng, sau hơn 6 năm gửi đi những lá đơn tố cáo đầu tiên, ông Bình đón nhận tin vui khi Thanh tra Chính phủ kết luận về những sai phạm tại dự án Nhổn - ga Hà Nội và thông báo nhiều vấn đề ông tố cáo là "có cơ sở". Cùng với kết luận này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh ký văn bản gửi lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị bảo vệ người tố cáo, phục hồi vị trí việc làm của ông Bình trước đây và yêu cầu MRB "không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình".

Từ tháng 6/2014, ông Lương Xuân Bình bắt đầu viết báo cáo gửi lãnh đạo MRB, chỉ ra những vấn đề ông cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng những báo cáo đó "không được xem xét một cách thấu đáo" nên quyết định tố cáo lên cấp cao hơn.

Giải thích quyết định của mình, ông Bình nói "điều đó đến với tôi rất tự nhiên, tôi coi đây là việc phải làm với bổn phận, chức trách của mình để tránh thất thoát cho Nhà nước và nhân dân".

"Nếu suy nghĩ nhiều về thiệt - hơn và được - mất thì tôi sẽ không bao giờ tham gia vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Nhưng tôi luôn tin vào chân lý và pháp luật", ông chia sẻ thêm.

Trước đơn thư của ông Bình, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc xem xét, nhưng ông không nhất trí và tiếp tục có đơn gửi lên Trung ương để tố cáo các sai phạm của Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

"Trong 6 năm qua tôi không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu đơn tố cáo, bao nhiêu bản báo cáo vì số lượng quá nhiều. Tôi viết đơn tố cáo xong nói với Trưởng ban lúc bấy giờ là nếu anh muốn xem thì tôi cho anh xem. Tôi làm theo suy nghĩ của tôi, không phụ thuộc ai, không đấu đá, không tranh giành nên mọi việc đều được thực hiện công khai", ông Bình nói.

Hình dung trước những khó khăn mình sẽ phải trải qua, ông Bình xác định tâm thế "phải đấu tranh một mình". Trong cơ quan, một số đồng nghiệp thân thiết, cấp dưới đến chia sẻ song ông đều bảo "đừng đến nữa". "Tôi sợ mọi người đến gặp tôi sẽ bị ảnh hưởng, để có thể đấu tranh lâu dài thì bản thân tôi phải rất thanh thản, không để ai liên luỵ", ông Bình cho hay.

Gia đình khiến ông Bình suy nghĩ nhiều nhất. Lá đơn tố cáo đầu tiên in ra, chưa ký, ông để trong ngăn bàn và quyết định sẽ nói chuyện với gia đình trước. Cuộc trò chuyện có vợ, các con và hai bên nội ngoại. "Tôi là người trực tiếp tố cáo, đã xác định tâm thế nên khó khăn đến mấy tôi cũng chịu được, còn vợ con không liên quan gì đến công việc của tôi, nhưng lại phải gánh chịu phần nào. Không ai muốn mình như thế này, nhưng gia đình ủng hộ quyền của tôi và con đường tôi đã chọn. Hai bên nội ngoại cũng cho phép tôi làm theo đúng quy định pháp luật", ông Bình nói.

"Trong hơn sáu năm qua, ngoài pháp luật thì vợ tôi là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Tháng trước, khi họp công bố kết luận thanh tra về sai phạm tại dự án Nhổn - ga Hà Nội xong, người đầu tiên tôi gọi để báo tin là vợ, sau đó tắt điện thoại và xin nghỉ phép", ông Bình chia sẻ thêm.

Nhìn lại hành trình hơn 6 năm qua, ông Bình nói dù đã hình dung trước song ông không nghĩ thực tế lại "khốc liệt đến thế". Sau 30 năm công tác và ở vị trí Phó trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, ông bị cho là người gây mất đoàn kết nội bộ, "đến cơ quan không có việc làm, xin nghỉ không lương cũng không được duyệt". Ông còn nhận quyết định điều động viên chức dẫn dến giảm thu nhập hàng tháng; không được bổ nhiệm lại...

"Quá trình đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng điều tôi sợ nhất là sự im lặng, sự im lặng của cơ quan chức năng và những người tốt xung quanh mình", ông Bình nói.

Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội và ông Lương Xuân Bình. Tại các cuộc làm việc, lãnh đạo MRB thừa nhận đã xếp ông Bình vào diện dôi dư với ý định áp dụng quy định về giảm biên chế, loại ông Bình ra khỏi biên chế làm việc tại Ban quản lý.

"Thanh tra Chính phủ nhận định đây là hành vi có dấu hiệu trù dập. Ngoài ra, diễn biến vụ việc không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thân nhân người có công với đất nước, vì ông Lương Xuân Bình là con liệt sỹ", ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Ngoài đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội xem xét, bố trí lại vị trí công tác cho ông Lương Xuân Bình, Thanh tra Chính phủ còn cho rằng Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cần tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Bình.

Về yêu cầu trên, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý MRB, nói "các sai phạm ông Bình tố cáo thuộc về giai đoạn trước đây, tuy nhiên với cương vị là Trưởng ban hiện tại, việc tôi đưa ra lời xin lỗi cũng phù hợp và coi đây là bài học để rút kinh nghiệm".

Với vấn đề phục hồi chức vụ cho ông Bình, ông Minh cho hay thuộc thẩm quyền của Thành ủy, UBND thành phố. Sau khi nhận được văn bản từ Thanh tra Chính phủ, MRB sẽ họp và đề xuất giải pháp với lãnh đạo Hà Nội.

Sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ trong việc bảo vệ người tố cáo, theo ông Bình là "nguồn động viên rất to lớn", nhưng ông nói "tới đây còn nhiều việc phải làm, chưa phải đã kết thúc".

"Tôi chỉ mong mọi việc được các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định pháp luật", ông Bình nói.

Ngày 25/11, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận chỉ ra nhiều sai phạm của các bên liên quan. Theo đó, nhà thầu và Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã ký hợp đồng thi công khi chưa có "mặt bằng sạch" là không đúng quy định.

Tại thời điểm tranh tra, mặt bằng của gói thầu vẫn chưa được bàn giao đầy đủ. Từ việc chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng), nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, vi phạm khoản 3 điều 64 Luật Đấu thầu.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra dấu hiệu vi phạm liên quan việc lựa chọn nhà thầu, gói thầu đoạn tuyến trên cao trị giá 65,2 triệu euro (khoảng 1.900 tỷ đồng).

Gia Chính - Bá Đô

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Hà Nội   chính sách   hành vi   Đường sắt   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...