02/12/2020 10:25  
TP HCMStartup cần tìm nhà đầu tư chiến lược đồng hành, tư vấn, cung cấp mạng lưới, thị trường giúp startup thích nghi nhanh, theo bà Nguyễn Phi Vân tại Gala Startup Việt.
Mới nhất Cũ nhất
  • 10h10

    Tác động của Covid-19: Thách thức và giải pháp

    Tiếp nối chương trình là phiên thảo luận giữa đại dịch các doanh nghiệp xoay quanh chủ đề Thách thức và giải pháp khi nền kinh tế Việt Nam đứng trước tác động lớn từ Covid-19. Tham dự phiên thảo luận có ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Winsan, ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Marketing tập đoàn Tiki, ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và CEO ThinkZone Ventures, bà Ngô Tường Vy - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Điều phối của phiên thảo luận này là ông Huỳnh Công Thắng - Đồng sáng lập và CEO InnoLab Asia.

    Ông Huỳnh Công Thắng chia sẻ, cách đây một năm, Startup Việt 2019 đã được tổ chức với nhiều hy vọng cho một năm mới - 2020 đầy ắp chiến lược. Ngay sau đó, Covid-19 ập đến. Đây là một thách thức nhưng cũng là một phép thử đối với doanh nghiệp, đặc biệt là startup.

    Ông Nguyễn Thành Long chia sẻ, từ góc độ Tiki, nền tảng thương mại điện tử này có một may mắn là tận dụng Internet để bán hàng. Tuy nhiên trong Covid-19 vẫn gặp khó khăn. Tất cả mọi người khi gặp Covid-19 đều đeo khẩu trang, dẫn đến việc Tiki bán son môi không được, nhưng kẻ mắt thì bán chạy; hoặc khi Zoom - nền tảng kết nối video trở nên phổ biến, Tiki lại không bán quần chạy như bán áo, vì người tiêu dùng không quan tâm đến trang phục quần khi họp online, ông Long nêu ví dụ vui.

    Còn bà Ngô Tường Vy chia sẻ, doanh nghiệp lại gặp thuận lợi hơn nhiều trong Covid-19, nhưng đây là thuận lợi trong khó khăn chung. Để vượt qua, Trái cây Chánh Thu đã có những chiến lược để đi xa hơn, tự tạo thuận lợi cho chính mình. Một số thị trường gặp khó khăn với trái cây tươi Việt Nam như thị trường Trung Quốc, nhưng lại mở ra cơ hội cho trái cây đông lạnh. Doanh nghiệp này đầu tư đúng thời điểm nên doanh số tăng 30-40% ngay trong "mùa" dịch.

    Vớ ông Phạm Văn Tam, ông cho rằng Covid-19 là dịp để doanh nghiệp nhìn nhận lại quá trình phát triển. Ông từng cho rằng doanh nghiệp mình đang đi nhanh và đang trong thế thắng. Covid-19 đã cho ông một cơ hội để nhìn lại và giải đáp những câu hỏi: vì sao chi phí lớn, vì sao hướng đi này nhanh nhưng chưa hiệu quả... Từ giai đoạn nhìn nhận lại, doanh nghiệp có thể chủ động chuyển đổi và sẵn sàng cho giai đoạn bứt phá sau khi "cơn bão" đi qua.

    Ngay trong Covid-19, ông Phạm Văn Tam cũng đã thành lập một doanh nghiệp chuyên đầu tư, có thể không rót tiền nhưng sẵn sàng đồng hành cùng các bạn. "Lúc khó khăn, tôi cần những người bạn chứ không phải là tiền", Chủ tịch Winsan khẳng định.

    Một nhà đầu tư khác, ông Bùi Thành Đô cho rằng ThinkZone Ventures đã phải xoay chuyển toàn bộ chương trình ươm tạo startup sang làm online hoàn toàn. May mắn, đơn vị này đã triển khai chiến lược mới rất tập trung để hoàn thành các chương trình hỗ trợ startup. Bên cạnh những câu chuyện tiêu cực đã được chia sẻ nhiều, ông Bùi Thành Đô muốn kể những câu chuyện tích cực. Có những doanh nghiệp bán thực phẩm tươi sống, khi giãn cách xã hội, đã tranh thủ thế giới online để chuyển đổi, thích nghi và mang đến mô hình mới cho người tiêu dùng.

    Một mô hình thứ hai ThinkZone Ventures đầu tư là mô hình giáo dục. Startup công nghệ giáo dục này tăng doanh số gấp ba lần trong dịch, là một trong những startup nổi bật của Việt Nam gọi vốn được từ nhà đầu tư nước ngoài.

    "Giai đoạn bình thường mới này là cơ hội cho những startup có đội ngũ sáng lập thông minh, đủ sáng tạo để thay đổi mô hình kinh doanh và tìm ra cơ hội cho mình tăng trưởng được, chứ không có gì quá tiêu cực như đóng cửa, sa thải...", ông Bùi Thành Đô khẳng định.

    table widget
  • 10h05

    Trước khi tiếp tục trình bày tâm huyết của mình với vấn đề số 3, bà Nguyễn Phi Vân kể lại câu chuyện bản thân đã liên tục trò chuyện, tư vấn với doanh nghiệp trong thời gian Covid-19.

    Theo bà Phi Vân, vấn đề số 3 các startup gặp phải là quản trị doanh nghiệp sau khi đã có những chỉ số nhất định về doanh thu, phát triển nhân sự. Cụ thể, khi mới khởi nghiệp và còn là một nhóm nhỏ, startup chỉ gói gọn trong quản lý một vài người và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã đạt đến một giai đoạn và có doanh thu, những vấn đề về quản trị con người, phát triển mô hình kinh doanh... hoàn toàn khác so với giai đoạn chỉ làm sản phẩm ban đầu.

    Khi đó, nếu người lãnh đạo không thay đổi kịp để "lớn cùng với doanh nghiệp", nhà lãnh đạo bắt buộc phải đi thuê một người khác để quản trị doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo vẫn còn suy nghĩ "đây là doanh nghiệp của tôi" thay vì chú trọng đến vấn đề "doanh nghiệp sẽ phát triển như thế nào".

    Đồng thời, bà Vân chỉ ra, giai đoạn phát triển tiếp theo của startup Việt là giai đoạn nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đối diện, chấp nhận thực tế, không còn nói về những câu chuyện "lấp lánh", định giá... Các doanh nghiệp cần nhìn nhận, Covid-19 là một vấn nạn, nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp "chậm lại" nhìn nhận rõ hướng đi, sự chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo trong tương lai.

    table widget
  • 10h00

    Bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, không phải cứ người trẻ là thích nghi nhanh và người già thích nghi chậm. Thực tế, người trẻ có trải nghiệm thích nghi tốt hơn vì "đời vùi dập" nhiều lần. Các bạn hiểu rằng tôi sẽ thay đổi, cách tiếp cận thay đổi để doanh nghiệp tồn tại. Trên tinh thần đó, người già vẫn có thể thích nghi tốt.

    Khi startup gặp gỡ nhà đầu tư thiên thần và nhận sự cố vấn, các bạn cần thức tỉnh, lắng nghe và tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách tiếp cận và còn duy trì sự liên quan trong giai đoạn mới.

    Startup khi nhìn nhà đầu tư thì nhìn họ như những người rót vốn. Trên thực tế, sự cần thiết của một nhà đầu tư chiến lược sẽ cho các bạn lời khuyên, định hướng, tầm nhìn mới trong một thế giới mới, là điều rất quan trọng. Nhà đầu tư cần là một người đồng hành cùng bạn mới là một nhà đầu tư cần thiết.

    Những nhà đầu tư tài chính bỏ tiền vào và "bỏ chạy", không liên quan đến startup hoặc startup không cho phép nhà đầu tư có sự liên quan, thì startup đó không thích nghi kịp. Nhà đầu tư tài chính trong giai đoạn này không còn quá quan trọng. Các bạn cần tìm nhà đầu tư chiến lược, với mạng lưới kết nối, trải nghiệm, tầm nhìn, thị trường sẵn có để các bạn có thể tham gia ngay vào.

    "Chính nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp startup thay đổi và thích ứng để giúp startup còn 'tồn tại', chưa nói đến phát triển, tồn tại đã là một kỳ công", bà Nguyễn Phi Vân khẳng định.

    table widget
    table widget
  • 9h58

    'Chẩn bệnh cho doanh nghiệp trong Covid-19'

    Phần trình bày đến từ bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam. Theo bà Phi Vân, với vai trò là một nhà đầu tư thiên thần của khoảng 19 startup tính đến hiện tại, sau tất cả những biến động của Covid-19 trong thời gian qua, mạng lưới này vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào các startup trong tương lai.

    Bà Vân chỉ ra có 3 thất bại startup đã gặp phải khi kêu gọi đầu tư.

    Thứ nhất, khi đi pitching, startup luôn mang một tinh thần tích cực về sự phát triển của startup trong thị trường. Tuy nhiên, câu đầu tiên doanh nghiệp cần đặt ra không chỉ là tinh thần mà phải là thị trường. Khi Covid-19 đến, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi. Nếu hoạt động doanh nghiệp của doanh nghiệp không phù hợp thì cần phải thay đổi cách tiếp cận, mô hình kinh doanh để phù hợp với môi trường mới, thị trường mới, từ đó tồn tại và phát triển bền vững.

    table widget
  • 9h55

    "Các bạn có thể sẵn sàng cho 'bình thường mới', hãy tự mình tạo ra 'bình thường mới'", ông Trường khuyến nghị.

    Ông chia sẻ có những mô hình hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai, có thể trở thành xu hướng, chẳng hạn mô hình bảo vệ, bằng công nghệ hoặc bằng con người. Biến động chừng nào, nhiều cơ hội chừng ấy, nếu chúng ta trang bị kỹ càng, có sự tự tin để đón đầu giai đoạn bình thường mới.

  • 9h47

    Ông Phạm Phú Trường chia sẻ, những điều bình thường mới như chúng ta chia sẻ hôm nay chỉ trong ngắn hạn. Còn "bình thường mới" thực sự là một sự biến động kéo dài. Một số xu hướng mới sẽ xuất hiện và ở lại là mô hình làm việc từ xa, làm việc theo nhóm ảo, doanh nghiệp tăng biện pháp phòng rủi ro, tốc độ phát triển công nghệ ngày càng nhanh, khó dự đoán, và mô hình gọi vốn cộng đồng sẽ phổ biến hơn.

    Tuy nhiên những điều này vẫn có thể thay đổi. Một ý tưởng xuất sắc hôm nay có thể thay đổi vào ngày mai, trong một thế giới VUCA. Vậy doanh nghiệp cần làm gì? Để thích ứng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM khẳng định, doanh nghiệp phải có tầm nhìn rõ ràng, giá trị hấp dẫn cho tổ chức để cán bộ công nhân viên đi theo. Khi có tầm nhìn đúng, phản ứng của tổ chức với sự biến động cũng sẽ nhẹ nhàng và ổn định. Doanh nghiệp cũng cần tập trung tối đa vào khách hàng, khách hàng như thế nào thì chúng ta cố gắng phục vụ đúng nhu cầu như thế, theo ông Phạm Phú Trường.

    Ngoài ra, startup cần hiểu đối thủ, hiểu thị trường, chuỗi giá trị, để đối phó và tận dụng những cơ hội mới. Đây là những điều quan trọng để nhận biết đâu là điều bình thường mới trong một không gian mà doanh nghiệp biểu hiện. Những công cụ công nghệ cao như Big Data cũng sẽ phục vụ hữu hiệu cho doanh nghiệp để nắm bắt và thấu hiểu khách hàng tốt hơn trong tương lai. Kế đến, cần có sự minh bạch, rõ ràng để đối phó với tính phức tạp của thời cuộc.

    "Thế giới càng phức tạp chừng nào, thông điệp của doanh nghiệp càng cần phải đơn giản chừng nấy. Nhân viên, đối tác và khách hàng phải hiểu một cách dễ dàng doanh nghiệp muốn làm gì và giải quyết được điều gì", ông Phạm Phú Trường khẳng định.

    Cuối cùng là tính thích nghi và linh hoạt để đối phó với sự mơ hồ. Doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự thay đổi và mới mẻ, không biết ngày mai có gì xảy ra. Sự linh hoạt là tâm thế doanh nghiệp cần chuẩn bị. Nếu là startup, luôn phải quan sát thay đổi của thị trường, nhận diện khó khăn, tìm sự thay đổi phù hợp trong mô hình kinh doanh, tìm ra giải pháp để tiếp tục phục vụ khách hàng một cách trơn tru, hiệu quả và không bị gián đoạn.

    table widget
  • 9h40

    Thử thách mới trong giai đoạn bình thường mới

    Ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch kiêm CEO công ty GIBC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM cho rằng việc đeo khẩu trang là một trong những hoạt động bình thường mới. Theo ông Trường, bình thường mới là những tình huống trước đây không quen thuộc nhưng giờ đã trở nên quen thuộc. Vậy thì, bình thường mới có ý nghĩa như thế nào cho những người lãnh đạo trong kinh doanh?

    Trong bài trình bày, ông Phạm Phú Trường nhắc đến khái niệm "Thế giới Vuca" với 4 thành phần gồm: thế giới luôn biến động không ngừng (Volatility); yếu tố bất định (Uncertainty); yếu tố phức tạp (Complexity) và yếu tố mơ hồ (Ambiguity). Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, trong "thế giới Vuca", tâm điểm vẫn là khách hàng, người kinh doanh cần nhìn nhận, đối diện và thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo ông Trường, khách hàng luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó Covid-19 là một yếu tố sẽ có trong "thế giới Vuca", tương tự như toàn cầu hóa, hội nhập... Covid-19 chỉ là một yếu tố nằm trong thế giới bình thường mới này.

  • 9h30

    Gala Summit Startup Việt 2020 khai mạc

    Ông Ngô Mạnh Cường - Tổng giám đốc FPT Online, đại diện ban tổ chức Startup Việt 2020 gửi lời tri ân đến cộng đồng khởi nghiệp đã hưởng ứng chương trình.

    Sau 5 năm tổ chức, VnExpress muốn kiến tạo một không gian đổi mới sáng tạo kết nối startup, nhà đầu tư, cố vấn, CEO doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Qua 5 năm, nhiều startup bước ra từ chương trình đang phát triển và có những chỉ số tăng trưởng tốt trong hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm.

    "Khởi nghiệp không bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong năm 2020 với nhiều biến động và bất ngờ. Đó là lý do VnExpress chọn chủ đề năm nay là The New Normal - thời đại bình thường mới", đại diện ban tổ chức Startup Việt 2020 chia sẻ.

    Với sự sáng tạo và linh hoạt của startup, VnExpress kỳ vọng tìm ra được những mô hình sáng tạo, biến nguy thành cơ, hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh mới, hoạt động kết nối mới, những thương vụ đầu tư mới.

    Ông Ngô Mạnh Cường cũng bật mí Top 5 là những mô hình ấn tượng, sáng tạo, hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai. Kết lại bài phát biểu khai mạc, đại diện ban tổ chức Startup Việt 2020 gửi làm cảm ơn đến các đơn vị đồng hành cùng chương trình.

     
     
  • 9h00

    Diễn giả quy tụ tại Gala Summit Startup Việt 2020 

    Hành trình "tìm kiếm kỳ lân tỷ đô" trong thời đại bình thường mới của Startup Việt 2020 đang bước vào giai đoạn chung kết. Đây là chương trình bình chọn khởi nghiệp thường niên do Báo VnExpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

    Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, Gala chung kết Startup Việt 2020 gồm nhiều hoạt động nổi bật. Cụ thể hội thảo "The New Normal - Thời đại bình thường mới" sẽ cung cấp góc nhìn, đánh giá và bình luận từ các chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều lĩnh vực. Trong đó có ông Phạm Phú Trường - CEO Công ty Tư vấn Kinh doanh và Hội nhập Toàn cầu GIBC, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Mạng lưới Đầu tư thiên thần Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang - Sáng lập quỹ Alabaster, ông Richard Triều Phạm - Phó tổng giám đốc tài chính Tiki, ông Cris D. Trần - Tổng giám đốc điều hành Infinity Blockchain Ventures, ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch Quỹ SVF...

    Đồng thời, sự kiện sẽ tạo cơ hội kết nối startup và nhà đầu tư tại hoạt động Speed Dating. Mỗi startup tham dự sự kiện sẽ có thời gian gặp gỡ và trao đổi riêng với các nhà đầu tư cũng như cố vấn khởi nghiệp. Từ đó tìm kiếm hướng đi, tham vấn chiến lược phát triển và khai thác cơ hội huy động vốn đầu tư.

    Dự kiến tham dự Speed Dating là các cố vấn khởi nghiệp từ Think Zone, Infinity Blockchain, Endeavor, Nextrans, Teko, Genesia... cùng các nhà đầu tư như ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Winsan, ông Võ Trần Đình Hiếu - CFO Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp VIISA, ông Bùi Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, ông Bùi Thành Đô - Đồng sáng lập và CEO của ThinkZone Ventures...

    Phiên chiều của Gala, Startup Việt sẽ công bố Top 5 startup để tham gia thuyết trình về sản phẩm, dịch vụ trước hội đồng giám khảo gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư và những doanh nhân khởi nghiệp thành công trong khu vực.

Nguồn tin: vnexpress.net


CEO   Covid   Covid-19   Công nghệ   HCM   Khởi nghiệp   Kinh doanh   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   sáng tạo   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...