26/01/2021 7:05  
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Việt Nam với tư cách là một quốc gia có 'gốc gác' Đông Bắc Á về mặt văn hóa và truyền thống tập quyền cho T.Ư, thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này có thể là lựa chọn phù hợp.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục lựa chọn hoàn thiện đồng bộ thể chế là một đột phá chiến lược của giai đoạn tới. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, để cải cách thể chế thực sự là khâu đột phá.
Ông phân tích: “Khi nói đến thể chế, nhiều người hay nghĩ ngay tới cách tổ chức quyền lực nhà nước. Nhưng thể chế còn được hiểu là cách thức nhà nước vận hành nền kinh tế, mà bản chất là xác lập mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Theo đó, nhà nước có thể được phân chia thành nhà nước điều chỉnh, nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhà nước thị trường xã hội, nhà nước phúc lợi và nhà nước kiến tạo phát triển”.

Bắt đầu từ lựa chọn mô hình nhà nước

* Vậy trong 5 mô hình trên, mô hình nào là lựa chọn phù hợp với Việt Nam?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực tế cho thấy sự thành công của mô hình thể chế kinh tế có thể không phụ thuộc quá nhiều vào thể chế chính trị, song lại rất phụ thuộc vào nền tảng văn hóa mà mỗi quốc gia có được. Chẳng hạn, mô hình nhà nước điều chỉnh chỉ thành công ở 5 nước là Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand - những nước có nền văn hóa tương đồng. Mô hình nhà nước phúc lợi chỉ thành công với nền tảng văn hóa Bắc Âu. Và thực tiễn cũng chứng minh, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công tại nhiều nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... và gần đây là cả Trung Quốc hoặc Singapore (Đông Nam Á), mặc dù thể chế chính trị của các nước này là khác nhau. Việt Nam với tư cách là một quốc gia có “gốc gác” Đông Bắc Á về mặt văn hóa và truyền thống tập quyền cho T.Ư thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này có thể là lựa chọn phù hợp.
* Nếu mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là lựa chọn phù hợp như ông nói thì chúng ta sẽ “đi” như thế nào, thưa ông?
- Đặc trưng cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các quốc gia tôi kể ở trên đều có một con đường chung như vậy.
Hiện giờ chúng ta không nói mạnh về công nghiệp hóa nữa. Nhưng không có công nghiệp hóa thì ta rất khó có thể đạt mục tiêu bình quân GDP đầu người 45.000 USD. Chúng ta nhớ rằng, vào năm 2018, doanh thu của Hãng sản xuất ô tô Toyota đã lớn hơn GDP của Việt Nam. Và tới năm 2020 thì doanh thu vẫn bằng 80% GDP của chúng ta. Không công nghiệp hóa thì không thể giàu được.
Nếu muốn thúc đẩy công nghiệp hóa thì buộc nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và dẫn dắt, nhất là với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Chúng ta có một ví dụ rất gần đây là chỉ cần giảm thuế trước bạ cho DN sản xuất ô tô trong nước nửa năm (2020) thì các DN như Vinfast đã có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nếu không có sự “can thiệp” của nhà nước, các DN non trẻ như Vinfast không thể cạnh tranh một cách bình đẳng với những DN đã có truyền thống hàng trăm năm từ bên ngoài.
* Nhưng trong bối cảnh “hội nhập” sâu rộng như hiện nay thì sự can thiệp của nhà nước để hỗ trợ cho các DN trong nước, thúc đẩy công nghiệp hóa có vẻ là đi ngược xu hướng?
- Thực tế kể từ Đại hội VI của Đảng, khi thừa nhận kinh tế thị trường, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo rất gần với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng chính sách của chúng ta thiếu nhất quán và có vẻ chúng ta đang ngày càng đi xa dần mô hình này. Thị trường tự do, cắt giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước dường như là tư duy đang dẫn dắt chúng ta.
Việc tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do gần đây tạo ra nhiều cơ hội song đặt ra nhiều khó khăn cho lựa chọn này. Các quốc gia lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trước đây có thể làm được nhiều hơn vì tính “hội nhập” không như hiện nay. Bây giờ, khi đã hội nhập, chúng ta buộc phải tuân thủ luật chơi của các tổ chức quốc tế mà thường là các quốc gia phương Tây áp đặt. Do đó, không gian chính sách để có thể tác động thị trường, hỗ trợ DN trong nước còn rất ít.

Tập trung vào những vấn đề “vướng” nhất

* Thực tế thì bên dưới khuôn khổ khái niệm chung là mô hình thể chế, chúng ta cũng còn những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của thực tiễn đòi hỏi cải cách thể chế phải tập trung vào, thưa ông?
- Có lẽ cải cách thể chế của chúng ta trong giai đoạn tới nên tập trung vào những vấn đề đang vướng nhất, những vấn đề mà thực tế đang đặt ra. Đầu tiên, chính là những vướng mắc trong luật Đất đai. Chúng ta cũng nhận thấy là những bất cập, bức xúc của xã hội trong giai đoạn qua đều bắt nguồn từ đây. Rất nhiều cán bộ, quan chức bị kỷ luật, xử lý hình sự đều liên quan tới đất đai. Và tới hiện nay thì không khéo liên quan đến đất đai là không ai dám làm gì cả. Nó làm ách tắc cả nền kinh tế.
Chúng ta nói đất đai là sở hữu của toàn dân, nhà nước quản lý, nhưng nhà nước là khái niệm chung trong khi các quan chức cụ thể thực hiện chức năng quản lý ấy lại có 3 quyền rất lớn là quyền chuyển đổi, quyền định giá và quyền thu hồi. Ba quyền nói trên phải được giám sát và xác lập lại hệ thống cho nó vận hành rõ ràng, dựa trên những nguyên tắc cơ bản nhất của quyền tài sản. Không để các quan chức nắm quyền có thể quyết định một cách độc đoán. Tuy chúng ta không thừa nhận tư hữu đất đai, nhưng khi người dân đã có quyền sử dụng, thì người dân phải có quyền tài sản đối với đất đai đó. Và chỉ khi các quyền tài sản đối với đất đai có thể chuyển đổi tự do theo thị trường, giá thị trường mới được xác lập, và đất đai mới được sử dụng đạt hiệu quả tối đa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung cải cách thể chế để tạo động lực cho kinh tế số và bảo đảm sự phát triển hài hòa với môi trường. Đó cũng là những vấn đề nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Cần một bộ máy hành chính tinh hoa, hiệu quả

* Vậy với những vấn đề đang đặt ra mà ông vừa nêu, đâu sẽ là giải pháp?
- Để có thể thúc đẩy, giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra, tôi cho rằng bộ máy hành chính công vụ, tức bộ máy thực thi, phải chuyên nghiệp và tài giỏi; và thực thi được chính sách một cách hiệu quả. Đây cũng là một đặc trưng của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển: một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; đồng thời được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả.
Chúng ta đã nói rằng không gian chính sách để nhà nước có thể can thiệp, hỗ trợ DN trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp về thuế quan, hàng rào kỹ thuật là gần như bằng 0, nhưng với hàng rào thủ tục thì hoàn toàn khả thi. Để làm được điều này, chúng ta cần những công chức thật sự tài giỏi, biết cách làm việc. Điều này cũng đúng đối với những vấn đề thực tế đặt ra, từ vướng mắc trong đất đai cho tới kinh tế số hay phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...
* Nhưng khi nói đến “người tài trong khu vực công” là chúng ta nghĩ ngay đến chính sách tuyển chọn thế nào cho hiệu quả... Liệu có khả thi chăng?
- Tôi nghĩ là hoàn toàn khả thi. Bây giờ anh thi xem ai giỏi nhất thì chọn vào, anh có làm được không? Sao không làm được? Chúng ta có rất nhiều mô hình có thể học được như Nhật Bản, Singapore hay Đài Loan. Ở Nhật, có hẳn kỳ thi quốc gia để làm công chức. Chỉ 6% người dự thi có chứng chỉ quốc gia mới được tuyển làm công chức và đó là những công chức cực kỳ tài giỏi. Ở Đài Loan có Viện Khảo thí quốc gia, và quyền khảo thí được coi là quyền lực thứ 5 của nhà nước. Nhờ đó, Đài Loan luôn chọn được những người giỏi nhất cho bộ máy hành chính. Nói như vậy nghĩa là, hoàn toàn có thể làm được về mặt kỹ thuật. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Nhật Bản   Toyota   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...