28/10/2020 7:05  
đang khiến cơ hội sở hữu nhà ở xa tầm tay của đại đa số người dân vì giá tăng, bất kể dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Căn hộ bình dân biến mất

Mới đây, trong báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường dù được điều chỉnh theo hướng tích cực. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết vẫn chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Giá nhà ở chưa ổn định, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở giảm và giá nhà vẫn tăng so với cuối 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01%. Trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cũng đưa ra các báo cáo cho thấy giá nhà không những không giảm mà còn tăng.
Đơn cử, trong báo cáo thị trường quý 3 mới công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết ngay cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung, cao cấp gần như không biến động, một số dự án phân khúc bình dân thậm chí đẩy giá lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Thậm chí, tại thị trường TP.HCM, giá bán căn hộ quý 3 còn tăng mạnh 15 - 20% so với quý 2, tạo cơn sốt. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân tích khoảng 2 năm nay, Hà Nội và TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Quý 2/2020, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Từ quý 1/2020 đến nay, loại hình này đã không còn, dù nhu cầu của người dân rất lớn. Riêng tại Hà Nội, hiếm sản phẩm thuộc phân khúc bình dân. "Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mãi và tặng quà giá trị lớn", ông Đính nói.
Còn theo Công ty TNHH Savills Việt Nam, đơn vị thường xuyên đưa ra báo cáo thị trường, 6 tháng đầu năm, giá bán trung bình sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng 7% so với năm 2019, do hạn chế nguồn cung. Giá tăng do các yếu tố liên quan nguồn cung và nhu cầu mua nhà của người dân lớn, lượng tiền trong dân nhiều. Trong khi đó, chủ đầu tư lại có xu hướng hướng đến phát triển các sản phẩm nhà liền kề, shophouse phù hợp với tầng lớp trung lưu.
Một đơn vị thường xuyên có báo cáo thị trường khác là Công ty DKRA Việt Nam cũng cho biết từ nửa cuối năm 2018 đến nay, căn hộ hạng C có giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, với tình trạng khan hiếm căn hộ hạng C và mặt bằng giá căn hộ đã lên đến mức cao thì khả năng sở hữu của những người có thu nhập trung bình hoặc khiêm tốn tại TP.HCM chắc chắn ngày càng khó hơn.

Hỗ trợ tín dụng cho người mua căn nhà đầu tiên ?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, đánh giá số dự án mới ra mắt, đặc biệt là ở khu vực nội đô rất khan hiếm do quỹ đất ít ỏi trong khi việc phê duyệt dự án mới bị ách tắc. Theo quy luật cung cầu, cung hiếm trong thời gian dài thì giá sản phẩm sẽ tăng. Đó là lý do ngay cả trong đại dịch, giá bán lại tăng chứ không giảm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết từ năm 2018 - 2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh về số lượng dự án, quy mô dự án, nguồn cung sản phẩm mới, lượng giao dịch sản phẩm. Nguồn cung giảm mạnh là một trong các nguyên nhân khiến người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị, người nhập cư bị thiệt thòi trong tiếp cận nhà ở. Hiện nay, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền rất khan hiếm trong khi nhu cầu với phân khúc này rất lớn vì nhắm vào nhu cầu thực của đại đa số khách hàng.
“Giá nhà ở hiện nay đang có khoảng cách xa với tầm tay của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội, đối tượng chính sách. Duy trì như vậy thì mục tiêu an sinh xã hội đặt ra của Bộ Xây dựng khó đạt được nên cần xem xét lại. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà tăng, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư khó tạo lập nhà ở hơn trước đây. Các năm qua, chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên phát triển phân khúc này để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, nhưng thực tế số dự án nhà vừa túi tiền vẫn nhỏ giọt, "cháy hàng" sau một thời gian ngắn được mở bán. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua căn nhà đầu tiên cũng như có chính sách phát triển nhà ở thương mại diện tích nhỏ tại các khu vực vùng ven vì phân khúc này phù hợp với nhiều người”, ông Châu nói và chia sẻ thêm, hiện rất khó tìm căn hộ dưới 1,5 tỉ đồng tại TP.HCM.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bất động sản   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hà Nội   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...