14/10/2020 14:30  
Trong bối cảnh TikTok phải bán lại cho doanh nghiệp Mỹ còn chưa ngã ngũ thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lên kế hoạch rút khỏi thị trường Mỹ trước sức ép liên tiếp gần đây của chính quyền Trump.

Thoái lui khỏi Mỹ

Trong những ngày cuối tháng 9, thị trường xôn xao trước thông tin Tập đoàn Sina của Trung Quốc, vốn sở hữu nền tảng nhắn tin Weibo đang lên kế hoạch chấm dứt giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq, sau khi ban giám đốc quyết định sáp nhập Sina với New Wave MMXV Ltd. - một công ty do chính CEO của Sina là Charles Chao điều hành.

Như vậy, Sina là doanh nghiệp mới nhất ở Trung Quốc đại lục rút khỏi Phố Wall trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang liên tục gần đây, vốn đã khiến ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc quyết định hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc chọn cách niêm yết trong nước, để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nội địa. 

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ thời gian qua đã có những quy định nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp đang niêm yết tại nước họ, tiến hành kiểm toán các tài khoản ở Mỹ và thắt chặt các quy định công bố thông tin, từ đó gây sức ép buộc các công ty của Trung Quốc phải rút lui.

Vì thế, Ant Group thuộc Alibaba đã quyết định niêm yết lần đầu tại thị trường Hồng Kông và Thượng Hải thay vì chọn thị trường Mỹ như tập đoàn mẹ vào năm 2014. Trước đó vào năm ngoái, các hãng công nghệ lớn như Alibaba và JD.com đang giao dịch tại New York cũng đã bắt đầu chuyển sang niêm yết tại thị trường Hồng Kông.

Tháng 6, nhà sản xuất vi mạch lớn nhất của Trung Quốc là SMIC cũng đã rút khỏi thị trường Mỹ. SMIC vào ngày 26/9/2020 cũng bị Chính phủ Mỹ trừng phạt bằng cách áp đặt hạn chế xuất khẩu, sau khi kết luận rằng thiết bị được cung cấp cho hãng này có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự. 

Động thái này nối tiếp lệnh cấm đối với Huawei Technologies trong năm 2019, trong đó ngăn cấm gã khổng lồ này mua hàng công nghệ của Mỹ, bao gồm chip điện tử. Các khách hàng lớn của SMIC hiện nay bao gồm nhà sản xuất chip Qualcomm và Broadcom của Mỹ, nhưng lớn nhất vẫn là Huawei. 

Giảm sự phụ thuộc lẫn nhau

Song song với việc dựng lên các rào cản đối với việc huy động vốn của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ, Tổng thống Donald Trump đề xuất nhiều chính sách buộc các công ty Mỹ di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, hoặc phải điều chỉnh chuỗi cung ứng sao cho Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, thông qua việc dựng lên các hàng rào thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc cũng như những chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp đối với các công ty Mỹ về lại quê nhà.

Ông Trump cũng nhiều lần đề cập đến mục tiêu tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã phụ thuộc chặt chẽ vào nhau trong 20 năm trở lại đây, từ thương mại, chuỗi cung ứng cho đến đầu tư. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trong khi Mỹ phụ thuộc lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc cho nhiều ngành sản xuất. Ngược lại, Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ với ngành dịch vụ. Chính vì vậy, nhiều công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc phải đắn đo và cân nhắc quyết định phải di chuyển khỏi Trung Quốc.

Ngày 1/10/2020 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm mở rộng sản xuất nguyên tố đất hiếm, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đất hiếm từ lâu đã trở thành vấn đề đáng ngại đối với Mỹ khi Trung Quốc cung cấp tới 80% nguyên tố này nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2019, trong khi đây lại là thành phần quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ cao như sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự...

Theo giới phân tích, dù Trump tiếp tục tại vị hay ông Joe Biden đắc cử tổng thống, chính sách tách rời khỏi Trung Quốc và đề cao chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sẽ tiếp tục được thực thi. 

Hồi tháng 7, ông Biden trình bày một chiến lược kinh tế để xây dựng lại năng lực sản xuất trong nước, khôi phục các chuỗi cung ứng địa phương từ chất bán dẫn đến dược phẩm. Tiếp đến, vào tháng 9, ông bổ sung một khoản phạt thuế vào kế hoạch, nhằm vào các công ty chuyển việc sang quốc gia khác, cùng với ưu đãi thuế những doanh nghiệp trở về nước.

Quan điểm chung này của hai ứng viên tổng thống Mỹ có thể định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Bất kể ai thắng trong tháng 11, chính sách kinh tế trong vài năm tới sẽ nhằm mục đích bảo vệ việc làm của người Mỹ do các nhà tuyển dụng tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn và giành lại chỗ đứng trong những ngành mà Mỹ từng từ bỏ. 

Song song với việc dựng lên các rào cản đối với việc huy động vốn của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ, Tổng thống Donald Trump đề xuất nhiều chính sách buộc các công ty Mỹ di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, hoặc phải điều chỉnh chuỗi cung ứng sao cho Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Chính phủ   Donald Trump   Huawei   Joe Biden   TikTok   Trump   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng thống   chiến lược   chính quyền Trump   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...