22/07/2022 6:15  
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang loay hoay với chuyển đổi số, chưa biết bắt đầu từ đâu.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI HCM) đưa ra tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong Quản trị nhân sự: Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp".

“Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Về kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; và mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP”, Nguyễn Hữu Nam thông tin.

Ông Nam cho biết, kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do VCCI thực hiện, khảo sát trên 400 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

“Còn theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai”, ông Nam cho biết thêm.

Theo ông Nam, hiện nay, hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang loay hoay chuyển đổi số, chưa biết bắt đầu từ đâu. Dẫn báo cáo của CISCO về “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp SMEs khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết, các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),…

Theo ông Nam, để thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả, cần rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; cần có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   doanh nghiệp   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...