22/10/2020 16:15  


Đây là một phần bức tranh đầu tư công giai đoạn 2016-2020 mà Ủy ban tài chính- ngân sách (UBTCNS) báo cáo lên Quốc hội khi thẩm tra lại Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.
Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho biết: “Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa sát với thực tế, chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng”. Đó là chưa tính hết các dự án đã hoàn thành giai đoạn trước, cần bố trí vốn để quyết toán trong giai đoạn này. Cụ thể: để đảm bảo thực hiên cam kết với các tổ chức quốc tế, Quốc hội đã phải quyết định cho phép sử dụng hơn 14 ngàn tỉ đồng nguồn dự phòng chung của giai đoạn 2016-2020 để quyết toàn cho các dự án đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được quyết toàn (theo Nghị quyết số 49/2017).
Kế hoạch đầu tư công cũng chưa tính toán cân đối hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn do phát sinh các Hiệp định ký kết sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về KHĐTCTH trong khi có nhiều dự án không thể giải ngân, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ vốn ODA trong KHĐTCTH, khiến cho Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết 71/2018 để điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
“ Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để khắc phục triệt để trong giai đoạn tới”, Ủy ban TCNS nhấn mạnh khi Chính phủ dự kiến trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Mặc dù Chính phủ đã cùng các bộ và địa phương tích cực thực hiện và giải ngân vốn ODA trong 5 năm qua nhưng nhìn chung, việc giải ngân vẫn còn chậm, theo đánh giá của UBTCNS. Qua làm việc với một số bộ và báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy, tại một số đơn vị, tỷ lệ giải ngân thực tế chỉ đạt khoảng 50%, còn các dự án sử dụng vốn ODA đều không giải ngân hết. Việc thực hiện điều chỉnh vốn từ các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân chưa được triển khai quyết liệt.
Ngoài những lý do chủ quan và những nguyên nhân chậm trễ như trên, một số chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu thấu, giao kế hoạch, giải ngân vốn ODA còn nhiều vướng mắc cũng làm chậm tiến độ.
Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng: Do đây là lần đầu tiên xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên khó tránh khỏi việc chưa nắm vững về kế hoạch trung hạn và cách thức triển khai nên còn khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, năm 2020, dịch bệnh COVID đã tác động nghiêm trọng đến việc thực hiện kế hoạch. Nhiều dự án không triển khai được theo tiến độ, nguồn lực hạn chế.
Mặt khác, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, là một khâu yếu, còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; chất lượng dự toán thấp, khả năng thực hiện không bảo đảm.
Song đến nay Chính phủ vẫn chưa thông báo dự kiến tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công. Như vậy, các cơ quan bộ và ngang bộ chưa có cơ sở để lập kế hoạch, dự án. Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương, hoàn thiện phương án thông báo để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với nguồn, khả năng cân đối vốn.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...