05/03/2021 7:05  

Tự học diễn xuất

Người ông bị mù quỳ xuống chỉ để xin con gà con nấu cháo cho người cháu bị bệnh nặng sắp qua đời. Đạo diễn Lương Đình Dũng nói ông không thể nghĩ đến ai khác ngoài NSND Trần Hạnh cho vai diễn người ông trong bộ phim điện ảnh Cha cõng con. Theo đạo diễn, đó không phải là bản chất của nhân vật, nhưng việc quỳ xuống như để cho thấy sự bất lực, sự xót xa, sự yêu thương đến tận cùng của người ông dành cho cháu của mình. “Chỉ có NSND Trần Hạnh, từ biểu cảm của đôi mắt, đến gương mặt, cách diễn mới lột tả được hết những điều đó”, đạo diễn Lương Đình Dũng lý giải. Cha cõng con đã trở thành bộ phim điện ảnh cuối cùng mà NSND Trần Hạnh tham gia, lúc đó ông đã 85 tuổi.
Năm 61 tuổi, NSND Trần Hạnh tham gia đóng vai chính đầu tiên phim điện ảnh - Chiếc bình tiền kiếp cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói, lý do mà ông mời NSND Trần Hạnh thủ vai chính - ông Lâm, bởi đây là vai có diễn biến tâm lý phức tạp, từ một người nông dân trong đám tang bố mình vô tình thấy chiếc bình cổ và chạy theo ảo tưởng đấy là báu vật để rồi xảy ra biết bao nhiêu chuyện. Có phân cảnh, ông Lâm cởi trần ngồi bóc vỏ khoai nhưng vẫn nghiền ngẫm cuốn sách, ngồi đọc cho vợ những câu chữ trong đó dù ông chẳng hiểu gì.
“Với tôi đó là đoạn diễn rất thú vị của NSND Trần Hạnh. Ông đã lột tả được cái bi, cái hài của vai diễn trong bộ phim mang nhiều tính ngụ ngôn”, ông Phần cho hay. NSND Trần Hạnh sinh ra ở Hà Nội vậy mà vào vai ông nông dân “đúng chất” từ cách nằm, cách ngồi… “Thời đó, chúng tôi làm phim ở ngay quê tôi, ăn ở cùng những người dân nơi đây. Sau này, mỗi lần tôi về quê, bà con đều hỏi thăm bác Trần Hạnh và cả những bác nghệ sĩ diễn viên lớn tuổi hồi đó. Dân quý lắm vì những người nghệ sĩ sống chả kiểu cách gì mà rất gần gũi”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.
Vai diễn đầu tiên của NSND Trần Hạnh trên màn ảnh nhỏ là vai ông Cần, người cha trong bộ phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình. Sau những vai diễn đầu tiên trên màn ảnh, ông gần như được các đạo diễn “đóng đinh” cho dạng vai người nông dân, người cha, người ông có phần khổ hạnh. Họ cũng nhìn thấy ở ông sự phù hợp cho những vai diễn hiền lành, lương thiện. Bởi vậy, hầu như rất ít thấy ông vào các vai phản diện.
Không thể không nhắc đến những dấu ấn của NSND Trần Hạnh trên sân khấu kịch, con đường nghệ thuật đầu tiên trước khi ông được biết đến qua màn ảnh. Thành công trong nghiệp sân khấu của ông phải kể đến hai huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, vai Vũ Kiêm trong Tiền tuyến gọi. “Thế hệ NSND Trần Hạnh thường trưởng thành từ việc tự học hỏi, trau dồi”, NSND Nguyễn Hữu Phần nói.
Thời trẻ, NSND Trần Hạnh làm nghề đóng giày, tối về ông đi tập kịch tại Câu lạc bộ thanh niên ở hồ Thiền Quang. Một người anh trong đoàn đã giới thiệu ông về Đoàn kịch Hà Nội làm cho đỡ vất vả, lại có lương. Từ năm 1959, ông về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội - sau là Nhà hát kịch Hà Nội.

Không muốn bày cái khổ ra để người khác thương hại

Cách đây nhiều năm, người viết có dịp trò chuyện cùng ông. Khi hẹn, ông nói đừng tới nhà mà gặp ông ở cửa hàng của cô con dâu, gần ga Trần Quý Cáp (Hà Nội). Đó cũng là nơi mà mọi người vẫn quen với hình ảnh ông cụ diễn viên thường ngồi đó phụ giúp con dâu bán hàng. Lúc gặp, ông mới giãi bày: “Nhiều người đến nhà tôi chụp ảnh rồi đưa lên như kiểu tôi bày cái khổ ra để người thương hại. Tôi không muốn như thế đâu”.
Cuộc sống của NSND Trần Hạnh lắm nỗi truân chuyên. Ông mồ côi cha khi mới 8 tuổi. Năm 23 tuổi, ông lấy vợ và vợ ông lần lượt sinh hạ 7 người con. “Ban đêm tôi đi diễn, ban ngày lại đi mượn cái xe đạp rồi chở mắm, muối, gạo về cho lũ trẻ ở nơi sơ tán. Đi đến Trạm Trôi thì địch ném bom, mấy người đi sơ tán bị chết”, ông kể lúc sinh thời. Sau này, vợ ông bị tai biến nằm liệt trong nhiều năm, bà mất năm 2011. Người con trai út của ông không may bị tai nạn, không thể tự chăm sóc bản thân.
“Anh em làm phim muốn mời ông đi đóng phim, phần vì ông là người rất trách nhiệm với công việc, phần vì muốn ông được đóng phim cho vui, cho thoải mái tinh thần, có thêm thu nhập. Nhưng khi ai tỏ ý muốn giúp đỡ, biếu tiền là ông không nhận”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.
NSND Trần Hạnh lúc còn sống cũng tự nhận, đúng là có gì đó gần giữa ông và những vai khổ hạnh trên phim. Nhưng ông bảo: “Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì hơn bao nhiêu người. Tôi chẳng bao giờ thấy mình phải nói giá mà, hay ước mơ điều gì cả”. “Đừng nhìn tôi khổ mà nói tôi không được cái gì, tôi lãi nhiều chứ, làm anh diễn viên, tôi được hiểu nhiều, biết nhiều, đi nhiều, được nhiều tình cảm quý mến”, ông từng nói.
NSND Trần Hạnh đi xa khi đã làm tròn sứ mệnh tận hiến cho nghệ thuật của một người nghệ sĩ. Những vai diễn và nụ cười hiền hậu của ông sẽ mãi ở lại trong trái tim khán giả...

Nguồn tin: thanhnien.vn


Cuộc sống   Hà Nội   Thành công   khán giả  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...