20/09/2020 16:06  
Thời chống Mỹ, một biểu tượng đẹp đã thành công: nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng bắn cháy tàu chiến địch nơi tuyến lửa, 91 cô gái tuổi đôi mươi ở Lệ Thủy (Quảng Bình) lập thành đại đội pháo binh và “Xê gái" đã chiến đấu mấy chục trận quyết tử, 5 lần bắn cháy tàu chiến dịch. ‘Biểu tượng đẹp’ đã được Cụ Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu của Bác. Ngày 25/8/1970, “Xê gái" được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Từ 1973, Chủ tịch Fidel Castro (Cuba), và nhiều phái đoàn quân sự cấp cao Liên Xô (cũ), Đức... đã về thăm "Xê gái".
***
Năm 1970, đạo diễn Lò Minh đã làm bộ phim "Những cô gái Ngư Thủy", giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim Leipzig 1971. 30 năm sau, bộ phim màu "Trở lại Ngư Thủy" của đạo diễn Lê Mạnh Thích lại làm xôn xao dư luận, được giải thưởng Việt Nam và quốc tế. Tóm lại là ‘Biểu tượng đẹp’ cực kỳ thành công, nên tôi cũng tò mò, mần răng mấy cô trẻ như rứa mà bắn được tàu chiến của lực lượng Hải quân số 1 thế giới. Chả nhẽ Mỹ kém thế và “Xê gái” giỏi kinh khủng thế!
***
Ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình thành lập Đội nữ pháo binh Ngư Thủy, ban đầu gồm 37 cô gái tuổi từ 16 -20. Lúc cao điểm, Đại đội lên đến 91 người, dân thường gọi là “C gái -Xê gái”, có nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và đánh chặn tàu chiến Mỹ trên biển, không cho tàu áp sát hải phận nước ta.
Năm 2015 tôi tham gia đoàn làm phim “Ký sự Biển đảo”của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, có đến vài lần ở Ngư Thuỷ. Đạo diễn Hiệp đã làm vài phim về “Xê gái” nên câu chuyện tâm giao rất vui vẻ. Thi thoảng đạo diễn bận rộn, tôi lân la hỏi chuyện vài cô một về những trận đánh gần 50 niên trước. Một chị già tâm sự:
-Chúng tôi mới lớn, học lớp 6 lớp 7, lần đầu thấy khẩu pháo toàn sắt thép không khỏi ớn lạnh, nhưng học ngày học đêm tại trận địa để sớm làm chủ khẩu pháo. Ai cũng háo hức chờ thành quả, mà cũng rất lo nỏ biết có hoàn thành nhiệm vụ không!
Một chị trẻ hơn kể :
-Mỗi quả đạn to bằng bắp chân, nặng 16kg, khóa nòng 32kg nhưng tôi một tay vẫn xách nhẹ băng. Không khí chiến đấu hừng hực cả khẩu đội.
Xem trên hình ảnh thực và trên phim, tôi cũng thấy các thao tác chiến đấu với đại pháo nòng dài 85 ly rất căng và nặng, nhưng đúng là “gái 17 bẻ gãy sừng trâu”, nên nói chung họ thao tác”rất ngon lành”. Rất phục !
***
Tôi có ông chú ruột tên là Hoàng Thanh Bình (em trai ông già), từng là Tiểu đoàn trưởng pháo binh và nhiều năm làm trợ lý pháo binh Quân khu 4 (coi là cấp trên của C gái). Tôi hỏi ông chú là mấy bà đó thao tác thì OK rồi, vấn đề là mần răng đạn pháo bắn xa đến 15-20km trên biển cả mênh mang mà... vẫn trúng tàu Mỹ, cái tàu hiện đại đến mức đạn pháo bay khỏi nòng nó đã ‘nhìn thấy ngay và luôn’.
Ông chú cười, bảo sau 40 năm cũng có thể công bố được, có chi mà dấu mãi. Thời xưa bảo “Đàn bà...đái không qua ngọn cỏ”, nay mấy bà đó làm được thế là quá giỏi. Thật sự là giỏi, mà cũng có yếu tố chỉ đạo, ví dụ một tàu Mỹ xâm nhập, có nhiều đơn vị ở nhiều chỗ tham gia chiến đấu, bắn vài viên đạn pháo có thể trúng-trật, nhưng công đầu đôi khi ưu ái “Xê gái”. Chuyện đó là thường, có anh nào khẳng định là pháo mình bắn trúng tàu Mỹ nào? .
Chỉ hơn hai tháng rưỡi từ ngày thành lập và tập luyện, đến 7/2/1968, “Xê gái”đã đánh thắng trận đầu, bắn trọng thương tàu khu trục Mỹ và trong 100 ngày đầu 1968, họ bắn trúng ba tàu Mỹ, “nhanh như Thần”, tạo tiếng vang lớn. Điều quan trọng nhất là tàu Mỹ rút chạy, không dám vào sâu, nên không bắn pháo vào đường Trường Sơn được, phía Tây an toàn hơn, nên chúng ta ai cũng có quyền tuyên bố thắng lợi cả.
***
Hỏi ông chú về chỉ huy bắn, bảo là có 1 trung đội “Xê gái” chuyên về việc này và có 2-3 cô đúng là có năng khiếu ‘kế toán pháo binh” (tính toán phần tử bắn). Ban đầu trong “Xê gái” ấy có 5 “đực rựa”, cố vấn về kỹ thuật cho chị em, biên chế ở tiểu đội trinh sát. Nhớ là anh Ninh, anh Nhưng, anh Thông, anh Vư, anh Hưng, đã đi tập huấn về kỹ thuật đo đạc pháo binh. Nhiệm vụ của tổ “trai tráng” này là trinh sát mặt biển, đo cự ly, tốc độ tàu chiến giặc, tính toán phương vị, tốc độ bắn cho các khẩu đội. 5 gã trai này thầm lặng đứng sau “Xê gái”, không xuất hiện trên phim ảnh, báo chí. Ngay cả bây giờ, mọi chuyện đã công khai, cũng chả ai biết về họ. Cái hay mà tất cả chị em pháo thủ đều biết, là 5 cô pháo thủ trong thời gian chiến đấu đã yêu các chàng trai trinh sát, thành vợ thành chồng.(nghe nói có thêm O thứ 6, nguyên là đại đội phó, anh “chuyên gia pháo binh” sau đó vô trận Quảng Trị, năm 1973 mới lò dò về Ngư Thuỷ, làm “người ta” khóc hết nước mắt! )
***
Giống như bóng đá lâu lâu có “thế hệ vàng”, dân Ngư Thủy đã có một lứa “con gái vàng”, mười tám tuổi đã thành nữ pháo thủ nổi tiếng. Con gái nhà quê, mới học hết lớp 7 mà điều khiển loại pháo mặt đất hiện đại như vậy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới chưa từng có! Cũng nên tự hào về biểu tượng này.
Mà họ chiến đấu suốt chục niên y chang lính tráng trận mạc. Cũng áo mũ, sao gạch, cũng đương đầu với bom pháo ngút trời. Khi kẻng báo động vang lên, dân quân làng chạy cùng các nữ pháo thủ đẩy pháo vào trận. Khi bắn xong, bà con lại đẩy pháo vào hầm trú ẩn, bất chấp tàu chiến, máy bay địch đánh trả. Vì chỉ 50 cô mà có tới 4 khẩu pháo nặng hàng chục tấn, các cô gái không thể đẩy nổi.
***
Ngày 22/7/2020 tôi đi một vòng quanh Ngư Thuỷ (bây giờ đã thành 3 xã, vì chiều dài Ngư Thuỷ xưa hơn chục cây số, đi trên cát nửa ngày... mới qua hết xã). Đi từ ranh giới Nam Quảng Bình, thấy Ngư Thuỷ Nam đã có đường bê tông, vui quá, chỉ sợ lội cát thôi. Ngư Thuỷ Trung vẫn là trung tâm cả 3 xã, nhưng mỗi xã đều có UBND Xã và trường trung học cơ sở. Nhìn chung cả 3 xã đều khá hơn 5 năm trước nhiều, nhưng so với các xã ven biển quê Choa thì cả 3 xã này đều thuộc nhóm nghèo vì “sống trên cát, chết vùi trong cát”, hạ tầng vẫn yếu vì chi phí làm đường trên cát tốn lắm.
***
Lang thang ra bờ biển ngắm lại trận địa pháo đặt trên một quả đồi thấp, nhớ vị trí bốn khẩu pháo bố trí cách nhau 20 mét, bên trái mỗi khẩu pháo là hầm đạn, bên phải là hầm chữ A trú ẩn. Nhớ chuyện các bà kể việc tiêu diệt được địch hay không là ở những phát bắn đầu tiên. Họ chỉ có 120 quả đạn, bắn trong bảy phút để tiêu diệt tàu địch. Cô pháo thủ nạp đạn kể: "Có trận em phải nạp liền tới 22 viên đạn nặng như rứa!". Sau bảy phút bắn, nhiều pháo thủ ù đặc cả tai, rỉ máu do nghe tiếng nổ lớn và sức ép. Đàn bà mà chịu được thế là ‘quá siêu rồi’
***
Tôi chỉ là “lính cậu” thôi, nhưng cũng hiểu pháo Mỹ sẽ đánh tan pháo “Xê gái” sau khi ta bắn vài phút, gọi là “phản pháo”. Nghe kể năm 1967 có một khẩu đội pháo phòng không 12,7mm do bộ đội chính quy chiến đấu chống phản pháo. Sau đó thì khi 4 khẩu pháo của “Xê gái” nổ súng thì 4 tổ dân quân ở trận địa giả lại giật mìn nổ để nghi binh trên quả đồi cách 1-2km, dụ bọn Mỹ phản pháo nhầm.
Ngay sau loạt bắn, các cô gái cơ động vào hầm trú ẩn để tránh phản pháo của địch, có trận phản pháo, các cô gái phải ẩn nấp trong hầm từ 10h đến 15h, bom nổ dồn dập ngay bên tai.Mỹ nó trả thù kinh lắm!
Mỗi lần chị em đánh xong, già trẻ cả làng đổ ra trận địa giúp chị em kéo pháo vào hầm cất giấu đề phòng địch phản pháo.Nhờ việc nghi binh và nguỵ trang khéo léo, trong 10 năm tồn tại, Đại đội chỉ bị bắn trúng một lần vào năm 1972.
***
Tháng 8/1970, “Xê gái “được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 1973 , Bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn đàm phán của ta tại Hội đàm Paris cũng đã về thăm “Xê gái” và viết mấy câu rất vui:
Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy
Trời biển mênh mông đất Quảng Bình
Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng
Anh hùng toàn những gái xuân xanh.
Sau này, tỉnh Quảng Bình xây dựng tượng đài “C gái anh hùng”, đặt ở trung tâm xã Ngư Thủy Trung, chi phí 2,7 tỷ đồng
***
Hòa bình lập lại, các cô gái trở về với đời thường, tiếp tục giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Giống như nữ TNXP, chế độ chính sách với họ rất yếu, các nữ anh hùng này còn kém xa cánh bộ đội phục viên . Nghe kể đến nay, 12 cô gái ngày nào đã mất, những người còn thì cũng U70-80 rồi, 54 năm trôi qua mà
Nói chuyện với mấy bà này vui ra phết ,”dân quê Choa” mà. Họ nhớ nhất Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã hai lần vào thăm “Xê gái” ngay ở trận địa, cùng ăn cơm đạm bạc với các nữ pháo thủ. Cơm dọn ra trên trận địa pháo. Những hòm đạn được kê làm bàn.
Mỗi lần đoàn làm phim của Trần Tuấn Hiệp vào Ngư Thuỷ “Xê gái” vẫn tụ tập sinh hoạt rất đầm ấm, họ vẫn quan tâm giúp nhau trong cuộc sống. Ngày Võ Đại tướng qua đời, chị em đã lên Khu lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá viếng. Vào 27/7/2014, chị em thuê xe ra Vũng Chùa - Đảo Yến viếng Đại tướng Tổng Tư lệnh, người đã luôn ân cần với Đại đội pháo binh Ngư Thủy xưa. Nghe các bà kể chuyện Cụ Giáp, đôi khi tôi nghĩ Cụ Đại tướng biết đâu là ‘cha đẻ Xê gái’, vì mần chi có ai nghĩ ra và tổ chức được việc tạo “biểu tượng lớn”, độc đáo và có tác dụng tốt đến thế (kể cả cho là tuyên truyền, cũng vẫn hay).
Từ 1975, chiến tranh qua 45 năm rồi vẫn có nhiều đoàn khách từ khắp cả nước vượt đường sá xa xôi về thăm các chị. Tặng quà, chụp ảnh dưới chân tượng đài. Vẫn rất vui! Đời vẫn tươi!
Tôi thích câu thơ của thi sĩ Ngô Minh, cũng là dân Ngư Thuỷ:
Nòng pháo xưa vẫn vươn ra biển
Như một lời cam kết với mai sau...

Hoàng Quang Vinh

Quảng Bình   Quê hương   Ngư Thuỷ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...