09/04/2021 21:25  
Ông Nguyễn Hồng Diên, người chưa từng kinh qua vị trí nào ở ngành công thương, đối mặt bài toán mà ở nhiệm kỳ trước có thể là "thành tích" thì nay là thách thức.

Trong khi các vị trưởng ngành vừa được bổ nhiệm có thời gian nhất định làm quen với lĩnh vực, tân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lại là người "ngoài ngành", chưa từng trải qua vị trí nào trong lĩnh vực công thương. Trước khi được Quốc hội, phê chuẩn vị trí này, ông tham gia trong các lĩnh vực như Đoàn, văn hoá, tuyên giáo và là lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Bù lại, bộ trưởng 56 tuổi này được đào tạo chuyên ngành tài chính kế toán, hành chính công... và có thứ mà không nhiều bộ trưởng khác có là hơn chục năm điều hành thực tế tại địa phương (chứ không phải chỉ 1-2 năm) ở Thái Bình.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều một trưởng ngành Công Thương cần có là sự cởi mở, khả năng đón nhận cái mới. Do đó, dù là "người ngoài ngành", bà kỳ vọng những kinh nghiệm từ điều hành tại địa phương sẽ giúp ông Diên có cách làm mới, tạo sự thay đổi đáng kể và đem lại làn gió mới tích cực.

Thực tế, việc xuất thân ngoài ngành không phải vấn đề quá lớn mà những ngổn ngang hiện tại mới là "đau đầu" chính của vị trưởng ngành này.

Nhìn chung, khi nhận nhiệm vụ, ông Diên được xem là thừa hưởng một số "di sản" từ người tiền nhiệm Trần Tuấn Anh về thương mại quốc tế. Việc tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia thời gian qua, từ CPTPP đến EVFTA rồi RCEP đã giúp xuất khẩu ghi nhận thành tích nổi trội. Ngay khi Covid-19 tấn công, xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng với gần 544 tỷ USD năm 2020.

Nhưng bất lợi cho ông Diên là ở nhiệm kỳ này, đã tới lúc "thành tích xuất khẩu" của Việt Nam cần được nhìn nhận lại, theo chiều sâu.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu tăng trưởng cao khi phần dư địa đóng góp của doanh nghiệp trong nước ở miếng bánh xuất khẩu này không nhiều, chủ yếu từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khoảng 70%. Chưa kể, tỷ trọng nhập siêu lớn, phần lớn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, máy móc thiết bị... đã khiến dư địa phát triển của kinh tế nội địa, doanh nghiệp trong nước co hẹp.

Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia từng cố vấn cho ngành Công Thương nói, một trong số rất nhiều việc ông Diên phải bắt tay làm là đưa ra chiến lược đột phá cho ngành công nghiệp trong trạng thái "bình thường mới".

"Giá trị gia tăng trong ngành sản xuất công nghiệp sau nhiều năm vẫn rất thấp do chủ yếu là gia công. Ngành công nghiệp một quốc gia không thể phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong khi hàm lượng nội địa giá trị gia tăng sản xuất trong nước quá thấp", vị này nhận xét.

Nhắc lại mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp hoá vào năm 2030 sau khi mục tiêu năm 2020 không thành hiện thực, vị chuyên gia này cho rằng thời điểm này phải là bước ngoặt đột phá của ngành. Sản xuất công nghiệp nếu không tăng hàm lượng giá trị trong 5 năm tới, không bứt ra khỏi sản xuất gia công, dù tăng trưởng cao, số phận ngành công nghiệp, theo ông, "cũng sẽ vô vọng".

Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM bổ sung, kỳ vọng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ khai thác tốt các cơ hội, lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Từ đó, Việt Nam mới có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng và sự cạnh tranh quốc gia.

Tiếp đến, Bộ trưởng Công Thương phải tìm cách củng cố thị trường nội địa, nâng cấp sản phẩm để người Việt có quyền hưởng thụ, tiêu dùng sản phẩm tốt nhất.

Thị trường nội địa được coi là nơi "tạo ra sức sống, thu nhập xã hội và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế". Bối cảnh Covid-19 vừa qua cho thấy thị trường này trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp. Không chỉ có các nhà phân phối tăng cường triển khai kết nối cung, cầu... mà có rất nhiều doanh nghiệp Việt trước đây vốn chỉ có thế mạnh về xuất khẩu, nay cũng đã có những hướng đi mới để quay trở lại thị trường nội địa.

"Phải thúc đẩy mạnh hơn nữa cho thị trường nội địa, đừng coi đây là nơi tiêu thụ hàng tồn kho, hàng chờ giải cứu khi không thể xuất đi được... Người tiêu dùng Việt có quyền hưởng thụ sản phẩm tốt nhất", một chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhắn nhủ.

Một vấn đề ngổn ngang khác ông Nguyễn Hồng Diên được bàn giao lại là câu chuyện quy hoạch ngành điện, làm sao tránh được "vết xe đổ" từ những quy hoạch trước đây. Bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2045 (quy hoạch điện 8) với nhiều kỳ vọng đã được hình thành, nhưng vẫn còn đó những mối lo để hiện thực hoá kế hoạch đồ sộ này. Tính toán của bản quy hoạch cho thấy, trong 25 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần gần 13 tỷ USD cho kịch bản nâng công suất hệ thống điện lên khoảng gấp ba hiện nay. Đưa ra số vốn cần nhưng bản quy hoạch lại chưa chỉ ra "tiền từ đâu" để hiện thực hoá kế hoạch đồ sộ này.

Chưa kể, ngành điện với sự bùng nổ điện mặt trời, điện gió vừa qua đã khiến nguồn điện này vượt xa công suất trong quy hoạch, áp lực cho vận hành hệ thống điện quốc gia và sự hụt hẫng từ chính các nhà đầu tư. Từ chỗ thiếu, giờ chuyển sang thừa điện và ngành điện buộc phải cắt giảm huy động từ nguồn năng lượng tái tạo để bảo toàn an ninh hệ thống điện quốc gia.

Cũng phải nhắc lại rằng, năng lượng tái tạo là chủ trương phát triển đúng, nhưng bước đi thực tế "chệch đường ray" khiến nó đang trở thành nút thắt trong phát triển cơ cấu nguồn, hệ thống điện. Một lãnh đạo ngành điện cũng phải thốt lên rằng "vận hành hệ thống điện khi thiếu điện đã khổ, giờ thừa điện còn khổ hơn nhiều lần".

Làm thế nào để hạ nhiệt cơn sốt nóng điện mặt trời, điện gió bằng cơ chế quản lý mới đòi hỏi một tư duy mới từ chính người đứng đầu ngành. Với kinh nghiệm lãnh đạo địa phương - đối tượng trực tiếp được tác động từ chính sách của ngành công thương - trong hơn chục năm, ông Nguyễn Hồng Diên được gửi gắm có thể hoá giải bài toán này.

Ngoài những câu chuyện mang tính chiến lược dài hơi, ông Diên sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề trước mắt, như gian lận thương mại, vấn nạn xăng giả... với số lượng lớn cùng sự "nở rộ" các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng chưa có sự kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh; hay giải quyết các dự án thua lỗ nghìn tỷ, đình trệ nhiều năm của ngành Công Thương. Áp lực tiếp tục cải cách hành chính và cả các vấn đề nội bộ... cũng là bài toán không đơn giản.

Kỳ Duyên

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   kế toán   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...