10/04/2021 7:06  
Chiếc lá cuối cùng tuy được sáng tác vào năm 1962 nhưng lại mang âm hưởng cùa dòng nhạc tiền chiến, ca từ đẹp như thơ: Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng? Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang. Trời vào thu tiễn em sầu lạnh giá. Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa...
Ít ai biết rằng, những cảm xúc dâng tràn để Tuấn Khanh viết nên ca khúc này lại ập đến ngay trong ngày cưới của ông. Oái oăm thay, ngày cưới của mình mà lại nhớ người yêu cũ, để rồi... mộng du: Mộng về một đêm xuân sang, em thì thầm ngày đó thương anh. Thuyền về một đêm trăng thanh, say mộng vàng đậu bến sông xanh. Mộng tàn tạ đêm trăng sao, sao ngậm ngùi từng chiếc lấp lánh. Rồi một chiều xuân thơ trinh, cho lòng mình về với dĩ vãng...
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể rằng Bộ Thông tin của chế độ VNCH đề nghị tác giả phải thay đổi vài chỗ trong ca khúc Chiếc lá cuối cùng vì lời nhạc nghe buồn quá. Vậy là Đêm chia ly nghẹn ngào sao chẳng nói? Chỉ nghe tim nức nở trở về thôi... được đổi thành: Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói? Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi; hay Mộng tàn tạ đêm trăng sao, sao ngậm ngùi từng chiếc lấp lánh được đổi thành Mộng tràn ngập đêm trăng sao, sao đầy trời từng chiếc lấp lánh... Rõ ràng sau khi được sửa chữa, từng câu hát như bừng sáng, không còn vẻ u trầm, ảm đạm.
Có mấy ai khi hát Chiếc lá cuối cùng đến đoạn cuối mà không thấy hồn mình chạm vào nỗi vấn vương: Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói? Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi... Thương làm sao giữa một không gian vắng lặng, chỉ có tiếng gió lùa những chiếc lá run rẩy trên cành. Và khi chiếc lá cuối cùng theo gió cuốn vào hư không cũng là lúc cô gái thầm thì: “Mình về thôi anh!”. Chia tay giây phút ấy cũng là dấu chấm hết cho một mối tình. Cho nên, tuy cô gái nói vậy nhưng ai cũng biết họ còn lưu luyến nhau quá, không nỡ rời...
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh năm 1933 tại Nam Định. Ngay từ nhỏ ông đã được người anh ruột là Trần Trọng Tuấn dạy về căn bản nhạc lý và đàn violon. Năm 17 tuổi, ông lên Hà Nội và may mắn được thọ giáo nhiều vị nhạc sư danh tiếng (trong đó có 2 vị người Pháp). Năm 1953, với nghệ danh Trần Ngọc, ông giành giải nhì cuộc thi ca sĩ của Đài phát thanh Pháp - Á, người đoạt giải nhất là ca sĩ Thanh Hằng. Cuộc thi hát này là một kỷ niệm nhớ đời của ông, ông từng kể lại: “Cuộc thi gồm 3 vòng, qua 2 vòng đầu Trần Ngọc đều đạt điểm cao nhất, Thanh Hằng thứ nhì, nhưng đến vòng chung kết thì gặp “sự cố”. Số là nhạc sĩ Tu My (tác giả bài Tan tác) vì có cảm tình với người đẹp nên đã tác động đến hệ thống âm thanh khi tôi đang hát bài Đôi chim giang hồ của Ngọc Bích khiến giọng bỗng bị “méo” đi. Chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh bèn chấm cho Thanh Hằng (sau này là ca sĩ Lê Hằng) giải nhất, tôi giải nhì. Sau này một chuyên viên âm thanh đã kể lại chuyện này với nhạc sĩ Thẩm Oánh và ông đã xin lỗi tôi”.
Sau năm 1954, Trần Ngọc vào Sài Gòn vừa hành nghề ca sĩ vừa đánh đàn violon cho các ban nhạc. Từ đó, ông trở nên thân thiết với nhạc sĩ Y Vân (hai người cùng tuổi). Chính Y Vân đã khuyến khích ông sáng tác nhạc, và sáng tác đầu tay của ông là một bản nhạc viết chung với Y Vân: Đò ngang (1955). Do nhớ thương anh trai Trần Trọng Tuấn và đứa cháu tên Khanh (con ông Tuấn) khi cả hai còn ở lại miền Bắc nên ông ghép hai cái tên này lại thành nghệ danh Tuấn Khanh khi sáng tác nhạc, còn khi đi hát (từ năm 1955 - 1970), ông vẫn là ca sĩ Trần Ngọc.
Trong giai đoạn làm ca sĩ, Trần Ngọc có dạy kèm cho một nữ sinh 13 tuổi về thanh nhạc để cô này tham gia một cuộc thi hát. Cô học trò chớm tuổi dậy thì, tâm hồn trinh bạch ấy sau một thời gian kề cận bên người thầy tài hoa đã nhen nhóm những tình cảm quyến luyến đầu đời. Người thầy dù vô tư đến mấy cũng cảm nhận được những cử chỉ đầy trìu mến, những tia nhìn âu yếm của cô học trò nhỏ, nhưng thầy lúc đó đã có ý trung nhân. Cho nên ông chỉ còn biết trân trọng tình cảm của cô ấy và không hề có một ý niệm xúc phạm nào... Rồi cô học trò cũng thi hát xong, không rõ kết quả như thế nào nhưng cô phải trở về quê. Người thầy dạy nhạc tiễn cô học trò nhỏ trong một đêm Sài Gòn lộng gió. Họ đi bên nhau suốt đêm trong một không gian quạnh vắng, để có đến 2 lần tự hỏi: Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng? và Xa nhau chưa mà hồn nghe quạnh vắng?
Mấy năm sau người thầy ấy cưới vợ. Những ngày của tuần trăng mật mà hình ảnh cô học trò nhỏ và cái đêm chia tay ấy cứ trở về choáng ngợp tâm hồn chú rể. Khi đã yên bề gia thất thì chàng lại thảng thốt nhận ra “Mình yêu cô ấy thật rồi!”. Trong những ngày mộng du ấy, những nốt nhạc từ một vùng hoài niệm xưa bỗng dìu nhau về trong tâm trí chàng, để rồi Tuấn Khanh đã sáng tác được một ca khúc để đời khi mà Rượu cạn ly uống say lòng còn giá. Lá trên cành một chiếc cuối bay xa...

Nguồn tin: thanhnien.vn


Hà Nội   giang hồ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...