17/04/2021 10:31  
Vẫn còn những băn khoăn về thẻ căn cước công dân gắn chip cần được giải đáp, ví dụ như có bắt buộc phải làm không, thời hạn sử dụng bao lâu, thời gian chờ trả thẻ như thế nào...

Từ đầu năm đến nay, công an các tỉnh thành đồng loạt triển khai đợt cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) mẫu mới có gắn chip điện tử. CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm về lưu trữ thông tin, tích hợp nhiều ứng dụng, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Mặc dù vậy trong thời gian này, vẫn còn những băn khoăn về thẻ CCCD gắn chip cần được giải đáp, tránh hiểu lầm không đáng có. Trong khi đó hầu hết quy định về CCCD gắn chip đều giống với mẫu CCCD cũ. Nếu cần bạn hãy xem lại phần tổng hợp thông tin hữu ích từ những văn bản pháp luật mới nhất.

Căn cước công dân gắn chip có bắt buộc không?

Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày ban hành Thông tư số 06 (23/1/2021) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định, các loại giấy tờ sử dụng thông tin từ thẻ CCCD cũ vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Vì thế, người dân không cần gấp rút đi làm thẻ CCCD mới nếu chưa thực sự cần thiết, tránh tình trạng quá tải.

Căn cước gắn chip có đổi số không?

Một trong những điều người dân băn khoăn, đó là số thẻ CCCD có thay đổi hay không sau khi chuyển sang dùng mẫu mới gắn chip. Câu trả lời được đưa ra là, khi người dân đổi từ CMND loại 9 số sang thẻ CCCD gắn chip hiện nay, mã số sẽ thay đổi.

Trong khi đó đối với CMND loại 12 số và CCCD mã vạch mẫu cũ khi chuyển sang CCCD gắn chip, mã số định danh 12 số sẽ không thay đổi. Dù thế nào, CCCD gắn chip cũng đã có thêm mã QR để tra cứu số CMND cũ nếu cần.

Căn cước công dân gắn chip có thời hạn bao lâu?

Giống như loại CCCD cũ, CCCD gắn chip phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, 40 tuổi, và 60 tuổi. Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Các trường hợp được đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau đây:

+ Các trường hợp đến tuổi đổi thẻ

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng

 + Xác định lại giới tính, quê quán

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD

+ Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

+ Bị mất thẻ CCCD

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Căn cước công dân gắn chip làm ở đâu?

Công dân có thể lựa chọn một trong những nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Khi thực hiện, công dân cần điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến, thì công dân lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục và gửi tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân.

Làm Căn cước công dân mất bao lâu?

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn.

Tại thành phố, thị xã, thời hạn là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.

Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời hạn là không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Tại các khu vực còn lại, thời hạn là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

H.A.H

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Công an   Việt Nam   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...