04/11/2020 8:05  
Làn nước trong xanh mát rượi in dấu bao kỷ niệm theo mẹ trên con đò ngang sang thăm quê ngoại Hương Giang. Mùa nước cạn, ngô đậu nhuộm xanh bãi bồi phù sa đi qua còn vương bụi phấn trên mái tóc. Dòng sông quê soi bóng tuổi thơ bằng những buổi chiều bơi lội thỏa thích giữa làn nước mát. Sông quê Ngàn Sâu nuôi đời bằng những bát canh hến mát lòng sau một ngày vật lộn với nắng mưa. Mùa nắng cháy, sông chở đầy nguồn nước tưới mát ruộng đồng. Đường mòn Hồ Chí Minh đi qua làng nên con sông in nhiều dấu chân hành quân các chú bộ đội. Ở miền Trung thời chinh chiến hầu như con sông nào cũng được nhuộm xanh bằng màu lá ngụy trang. Sông miền Trung cũng pha sắc đỏ bởi máu của nhiều người từng ngã xuống nơi đây. Vào cấp 3 đi học sơ tán chúng tôi lội qua rào Tiêm để vào lớp. Quê tôi sông nhỏ gọi là rào nên nước quanh năm đều cạn, chỗ sâu nhất cũng chỉ đến đầu gối. Ở đây sơn thủy hữu tình nên cảnh sắc vô cùng đẹp. Những chiếc cọn nước quay không mỏi như đếm nhịp thời gian. Nước trong đến nỗi nhìn thấy những đàn cá mát bơi lội tung tăng quanh từng viên sỏi nhỏ lấp lánh ánh nắng mặt trời.
Thời gian trôi qua, đời người cũng như đời sông chia ra trăm ngả. Xa quê lên thành phố có nước máy dùng, tôi quên mất những ngày cùng bạn bè như bầy chim non bơi lội trên mặt nước, lúc ngồi buồn thả những chiếc thuyền giấy trôi theo dòng nước miên man không biết sẽ về đâu. Dù đi xa nhưng dòng sông quê vẫn chảy trong tôi và bè bạn. Nỗi nhớ quê dạt dào như dòng nước mát của con sông Ngàn Sâu thuở trước.
Mỗi lần hối hả về thăm quê, tôi không còn dịp ra bờ sông ngắm lại tuổi thơ của mình vì gia đình đã chuyển hết lên thị trấn mới. Người ở quê cũng quên mất dòng sông nơi họ sinh ra và lớn lên. Tắm sông, chèo thuyền chỉ còn là kỷ niệm đã trôi xa về miền quá khứ. Trẻ con ở gần sông mà chẳng biết bơi. Năm ngoái khi thời gian đã rảnh, tôi mới lên kế hoạch thăm lại những con sông quê nhà. Con đường xưa cùng chị ra bến giặt, gánh nước vẫn còn đó nhưng hỡi ôi, dòng sông xưa đã thay đổi quá bất ngờ. Có phải vì tôi đã lớn, nên con sông nhỏ lại, hàng cây xưa cũng thấp dần. Sông thay hình đổi dáng bởi đất lở cát bồi. Thương một dòng sông xưa mênh mang như lòng mẹ ngập tràn dòng nước mát. Người không còn trẻ nữa, con sông quê còn già cỗi hơn. Từ xa trên con thuyền vận tải, người ta đang khai thác cát trên sông. Mỏm núi bên sông cũng mang nhiều vết thương nham nhở trên mình vì nạn khai thác đá. Nỗi đau lặng thầm mà sông không biết tỏ cùng ai?
Nhớ trường lớp hồi sơ tán, tôi lại làm một chuyến ngược dòng đến với rào Tiêm ở Hương Vĩnh. Khi nghe đứa em giới thiệu, tôi không thể tin vào mắt mình vì bãi đất cỏ mọc um tùm trước mặt chính là dòng chảy ngày xưa của rào Tiêm. Trong ký ức của những người con xa quê đằng đẵng vẫn còn một dòng sông chảy tràn trong tâm tưởng, thế nhưng giữa cuộc đời hôm nay dòng chảy đó chỉ còn là phế tích. Nguồn nước cạn trơ lại giữa lòng sông không có nước. Lâu lâu mới có vũng nước đục không soi nổi một bóng mây. Nhặt viên sỏi phủ đầy rêu phong tôi cảm thấy như có hòn đá thời gian ném vào lòng với nỗi đau khôn tả. Lội giữa dòng sông mà đôi chân tôi nóng rát vì không hề có giọt nước nào thấm vào da thịt như hồi băng rào đến trường. Lòng càng buồn hơn khi đứa em đi cùng tự hỏi: không biết mai mốt trên bản đổ còn có tên rào này nữa hay không? Câu hỏi vu vơ nhưng nỗi lo thật sự đã hiển hiện trước mắt. Câu cầu treo vẫn còn đó. Không còn nước chảy, chiếc cầu dù đẹp nhưng đứng một mình cũng thấy vô duyên.
Người dân nơi đây kể, sông quê tôi không chỉ khô héo vì nguồn cạn mà còn bị hoành hành khi mùa lũ về. Những dòng nước đỏ cuộn sóng hung hãn cuốn phăng hết ruộng vườn nhà cửa bên bờ sông. Thương nhớ nhiều những dòng sông ví giặm quê mình. Nhưng sông không hề có lỗi. Ai đã làm cho sông suối cạn nguồn? Bàn tay nào đã chặt phá rừng để cho mưa lũ cuốn trôi hết những con sông thơ mộng quê tôi? Đến bao giờ con sông quê lại được trải lòng mình, hiền hòa chảy mang nước ngọt và phù sa nuôi đời. Đến bao giờ hỉnh ảnh con sông quê hương tươi đẹp trở lại như trong từng trang kỷ niệm của tuổi hoa niên?
 

Nguồn tin: thanhnien.vn


Trẻ con  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...