31/10/2020 7:25  
Vài giờ trước khi bão Molave đổ bộ sáng 28/10, Lê Thanh Tú, lớp 11 trường PTDT nội trú Nam Trà My nhận được điện thoại của ba dặn ở yên trong trường.

Tú không biết rằng đó là cuộc điện thoại cuối cùng của ba mình. Hai ngày sau vụ sạt núi ở Trà Leng, sáng 30/10, Tú cùng 5 học sinh khác được các thầy cô trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My vượt 35 km đường đèo sạt lở, chở về nhà - nay đã là bình địa sau trận lở núi.

Bốn trong sáu em trú ở nóc Ông Đề, thôn 1 (xã Trà Leng) có cha, mẹ, hoặc người thân mất tích trong vụ lở núi là Lê Thanh Tú (lớp 11), Hồ Văn Hải (lớp 10), chị em Ngô Thị Xuân Quý (lớp 12) và Ngô Thị Xuân Quyền (lớp 9). Hai em còn lại ở thôn bên, bị cuốn trôi nhà cửa.

Đôi chân bết đất bùn sau khi lội bộ gần hai km, Lê Thanh Tú dõi mắt về nơi từng là nhà mình, bây giờ là hỗn hợp đất bùn. Cột kèo vương vãi, sách vở học sinh ướt mèm lẫn trong đám bùn. Nơi Tú sống có 14 nóc nhà người Mơ Nông quần tụ, gọi tên nóc Ông Đề, tên người già làng uy tín nhất, cũng là ông ngoại của em.

Hơn bốn mươi năm trước, ông mang vợ con đến cạnh suối Pa Ranh cắm cọc, dựng nhà. Dần dà, nhiều gia đình khác chuyển đến sinh sống cùng. Nóc Ông Đề trở thành khu dân cư lâu đời nhất ở thôn 1, Trà Leng.

Tiếng nức nở của cậu thiếu niên 17 tuổi bị tiếng cưa máy, tiếng máy xúc, tiếng nước đổ ầm ầm át đi. Phía dưới, cả trăm người chạy đua với mưa rừng tìm kiếm các nạn nhân mất tích, trong đó có ba em, ông Lê Quang Việt - Bí thư xã Trà Leng. Lúc lở núi, bà Hồ Thị Bông, mẹ Tú thoát nạn. Lê Thanh Tú và anh trai Lê Thanh Nhã, đi học xa không có ở nhà. Đến chiều 30/10, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy thi thể ông Việt.

Tú nhớ, vài giờ trước khi bão Molave đổ bộ đất liền, sáng 28/10, em còn nhận được điện thoại của ba. "Ba dặn ở yên trong trường, đừng ra ngoài khi có bão. Ba bảo ở nhà vẫn an toàn. Có ai ngờ...", Tú bỏ lửng câu nói, vùi mặt vào vai thầy giáo đứng bên, bật khóc. Chỉ vài tiếng sau cuộc điện thoại ấy, ngọn núi Pa Ranh cách nhà hơn trăm mét vỡ. Đất đá tràn qua nóc Ông Đề, 14 mái nhà Mơ Nông nằm sâu dưới những khối bùn đất.

Một ngày sau, Tú mới biết tin qua phương tiện truyền thông. Em gọi hàng chục cuộc vào số của ba nhưng không có tín hiệu. Tú chạy lên xin thầy cô cho về nhà. Nhà trường cố giữ học trò lại, vì đường xa và có nhiều điểm sạt lở. Anh trai Tú là Lê Thanh Nhã, sinh viên ở TP HCM đang trên đường về nhà. Qua điện thoại, Nhã động viên em "ráng lên, chờ anh về lo cho mẹ".

Lúc 11h15 ngày 30/10, lực lượng cứu hộ đưa được một thi thể bị vùi trong bùn lên. Hồ Văn Hải cố rướn nhìn mặt người bị nạn, nhận ra không phải người nhà, cậu lủi thủi quay lên bờ. Hải đã mất tám người thân trong nhà, gồm bố mẹ, hai em trai ruột, anh rể và các chú bác. Lực lượng cứu hộ tìm thấy ba Hải chiều hôm qua. Ông được chôn cất cạnh hiện trường chỉ vài trăm mét. Nấm mồ lấp vội, cao hơn mặt đất chừng ba chục cm, quây bằng ba miếng ván nhỏ để người trên hiện trường nhận biết khỏi dẫm lên. Ở góc, mấy thẻ hương đã tàn, một gói bánh, một gói kẹo cúng cho người đã chết.

Hải học nội trú, cách vài tháng mới về nhà. Chủ nhật tuần trước cậu về thăm, bà Hồ Thị Thắm gói cho con hai bộ quần áo thu đông, bảo trời sắp chuyển lạnh. Bà nhét thêm đôi dép mới mua, với nắm xôi cho con ăn tối. Thấy con trai nhảy lên xe máy của bạn về trường nội trú, ông Hồ Văn Ton còn chạy ra cửa gọi với theo "Đi học cho đàng hoàng, đừng có ra ngoài chơi". Cậu thiếu niên 17 tuổi không ngờ đó là lần cuối cùng mình được về nhà.

Hải và Tú chơi thân từ nhỏ. Những đứa trẻ Mơ Nông trong nóc Ông Đề vẫn hay trèo lên dãy núi Pa Ranh trước nhà đi bắt ếch, rồi xuống suối tắm. Trong ký ức của Hải, "con suối nước trong lành, mát lạnh, mùa lũ đến nước đổi màu đỏ đục ngầu mấy ngày rồi thôi". Có ai ngờ, con suối một ngày lại trở thành nguồn cơn tai ương, khiến Tú, Hải, chị em Ngô Thị Xuân Quý (lớp 12), Ngô Thị Xuân Quyền (lớp 9) và nhiều đứa trẻ Trà Leng lâm vào cảnh mất nhà.

Đứng bên học trò suốt buổi, thầy Hồ Văn Việt, bí thư Đoàn trường PTDT nội trú Nam Trà My đôi lúc lén lấy tay gạt nước mắt. "Nhà trường đã biết thông tin hôm xảy ra vụ việc, nhưng chưa dám cho các em về ngày, vì sợ học trò sốc", thầy Việt kể và nói các thầy cô giáo trường nội trú Nam Trà My sẽ cố gắng hết sức để các em được đi học tiếp.

Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, với các học sinh đã mất người thân ở Trà Leng, giải pháp trước mắt không chỉ là hỗ trợ, phải tính toán lâu dài khi các em không còn cha mẹ, nhà cửa. "Ngoài tạo điều kiện cho các em học hết phổ thông, còn phải hướng nghiệp cho các em sau này, đó mới là căn cơ lâu dài", thầy Quốc nói.

Chiều 28/10, vụ lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 33 người sống sót và bị thương, đến nay đã tìm thấy 8 thi thể, còn 12 nạn nhân mất tích.

Hoàng Phương

Nguồn tin: vnexpress.net


Giáo dục   HCM  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...