25/01/2021 20:25  
Hải cảnh Trung Quốc liên tục tăng quy mô, quân số và hỏa lực các tàu tuần tra, xóa nhòa ranh giới giữa lực lượng hành pháp với hải quân.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, ngày 22/1 thông qua Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", kể cả việc nổ súng, để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Đạo luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc còn được trao quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc liên quan nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, tuyên bố nước này sẽ "giám sát chặt chẽ" các động thái của Trung Quốc cũng như bày tỏ sự "phản đối mạnh mẽ" các hoạt động của hải cảnh nước này gần nhóm đảo tranh chấp.

Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tiềm ẩn "ngoại giao pháo hạm", đạo luật mới này còn cho thấy nguy cơ Trung Quốc lạm dụng lực lượng hải cảnh, vốn được quân sự hóa mạnh mẽ với nhiều loại vũ khí hạng nặng, để phục vụ các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này.

Hải cảnh Trung Quốc ban đầu là đơn vị an ninh hàng hải thuộc công an biên phòng Trung Quốc, tổ chức bán quân sự thuộc Bộ Công an nước này. Tuy nhiên, đến tháng 3/2013, Trung Quốc hợp nhất tất cả đơn vị thực thi pháp luật trên biển thành lực lượng hải cảnh, đặt dưới sự quản lý của Cục Hải dương Quốc gia (SOA).

Tuy nhiên, việc đặt hải cảnh dưới sự giám sát của SOA, một cơ quan dân sự, khiến lực lượng này gặp khó khăn trong phối hợp với hải quân Trung Quốc trong các hoạt động trên biển, khiến chính phủ Trung Quốc phải tiến hành đợt tái cơ cấu mới.

Trung Quốc giải thể SOA vào tháng 3/2018, hải cảnh được chuyển thành lực lượng thuộc quyền quản lý của vũ cảnh Trung Quốc từ tháng 7/2018, trực thuộc Quân ủy Trung ương (CMC).

Truyền thông Trung Quốc khi đó đưa tin động thái này giúp hải cảnh Trung Quốc tăng đáng kể quyền lực, "đóng vai trò lớn hơn trong các trường hợp khẩn cấp và khủng hoảng, bao gồm cả chiến tranh". Kể từ đó, Trung Quốc tăng đáng kể nguồn lực đầu tư cho hải cảnh, biên chế nhiều tàu tuần tra được đóng theo mục đích khác nhau, trang bị nhiều loại vũ khí hỏa lực mạnh, không khác gì tàu chiến.

Hạm đội hải cảnh Trung Quốc sở hữu hơn 200 tàu thuyền các loại, bao gồm hai tàu có kích thước lớn nhất thế giới là 2901 và 3901, thuộc lớp Giang Nam với lượng giãn nước 12.000 tấn và dài 165 m.

Các tàu này thậm chí lớn gấp rưỡi tuần dương hạm lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ và gần gấp đôi tàu tuần duyên lớp Shikishima lớn nhất của Nhật Bản với lượng giãn nước 6.500 tấn.

Tàu Hải cảnh 2901 và 3901 có thể đạt tốc độ tối đa hơn 45 km/h. Các tàu này được trang bị sàn đáp trực thăng ở phía đuôi, có thể chứa trực thăng hạng trung và máy bay không người lái (UAV).

Dù hải cảnh Trung Quốc tuyên bố triển khai lực lượng để "thực thi pháp luật và an ninh hàng hải", tàu hải cảnh cỡ lớn của nước này lại được trang bị pháo bắn nhanh 76 mm, hệ thống phòng thủ tầm gần và pháo phòng không.

Pháo bắn nhanh PJ-26 trên tàu hải cảnh Trung Quốc vốn được phát triển từ hải pháo AK-176 của Liên Xô, từng được sử dụng rộng rãi trên các tàu hộ vệ Type-054A và Type-056 của hải quân Trung Quốc. Pháo này có tầm bắn hiệu quả tới 15,7 km đối với các loại tàu nổi, tốc độ bắn 30-120 phát/phút. Pháo PJ-26 sử dụng đạn nổ mảnh để chống tàu hoặc đạn nổ trên không để chống máy bay, tên lửa.

Hải cảnh Trung Quốc đang vận hành ít nhất 6 tàu tuần tra lớp Type 818 với lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn và dài 134 m, được đóng dựa theo thiết kế hộ vệ hạm Type 054A.

Tàu hải cảnh Type 818 cũng được lắp pháo PJ-26 76 mm và hai tổ hợp phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Type 630 30 mm trên nóc khoang chứa trực thăng, song không có vũ khí chống ngầm và chống hạm.

Thiết kế các lớp tàu chiến khác của Trung Quốc cũng được sử dụng để đóng tàu tuần tra cho hải cảnh. Nhà máy đóng tàu Huangpu ở Quảng Châu đóng các tàu tuần tra mới dựa trên thiết kế của hộ vệ hạm cỡ nhỏ lớp Type 065, với lượng giãn nước 1.500 tấn.

Việc trang bị cho hải cảnh các tàu tương tự chiến hạm trong hải quân tạo điều kiện tích hợp khí tài của hai lực lượng, khai thác các phương tiện thông tin liên lạc chung, chia sẻ dữ liệu tình báo hàng hải, cho phép hải cảnh và hải quân Trung Quốc xây dựng bức tranh hoạt động chung để nâng cao nhận thức tình huống hàng hải.

Điều này giúp hải cảnh Trung Quốc tăng tốc độ phản ứng với các tình huống bị họ coi là "phương hại đến lợi ích quốc gia". Ngoài ra, trong lúc hải quân Trung Quốc tiếp tục tăng sức mạnh hạm đội với các lực lượng tác chiến mặt nước mới sở hữu năng lực cao hơn, hải cảnh có thể hưởng lợi từ các khí tài hải quân bị loại biên.

Ngoài các loại pháo hạng nặng không thua kém tàu chiến, hải cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực hàng không. Lực lượng này hồi tháng 4/2016 trang bị hai máy bay tuần tra MA60H đầu tiên do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An sản xuất, với hệ thống giám sát quang điện và radar giám sát, cùng các thùng nhiên liệu phụ ở hai bên thân và dưới hai cánh để nâng tầm bay.

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho hải cảnh, đồng thời trao quyền "nổ súng" cho lực lượng này nhắm vào tàu thuyền nước ngoài, cho thấy giới chức Bắc Kinh đang ngày càng chú trọng vai trò của một lực lượng chấp pháp nhưng được quân sự hóa mạnh trong thực thi tham vọng chủ quyền phi lý trên các vùng biển tranh chấp.

Theo bình luận viên Jr. Ng của AsianMilitaryReview, dù trang bị các khí tài cỡ lớn, với cái mác "lực lượng chấp pháp", hải cảnh Trung Quốc có thể mang đến cho Bắc Kinh nhiều lựa chọn linh hoạt hơn so với hải quân trong hoạt động thực địa và ngoại giao ở "các khu vực nhạy cảm về chính trị".

Tuy nhiên, động thái trao quyền nổ súng cho hải cảnh của Trung Quốc có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng và nguy cơ nổ ra sự cố khó lường trên các vùng biển tranh chấp. Việc Bắc Kinh công bố đạo luật mới ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cũng được coi là một thông điệp cứng rắn nhằm "phủ đầu" chính quyền mới của Mỹ, theo cây bút Tsukasa Hadano của Nikkei.

Nguyễn Tiến (Theo Asian Military Review)

Nguồn tin: vnexpress.net


Công an   Joe Biden   MC   Nhật Bản   Trung Quốc   Tập đoàn   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...